(BDO) Đợt đại dịch Covid-19 lần thứ tư đã tạm lắng xuống, quê hương, đất nước trở về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đâu đó trong sự hân hoan của mọi người trong trạng thái bình thường mới vẫn còn xen lẫn chút dư âm ngày cao điểm đại dịch, với sự tổn thất lớn về người và của cải mà toàn xã hội đã trải qua.
Đây cũng là giai đoạn thử thách nhất và cũng là những trải nghiệm nghề nghiệp đẹp đẽ còn lắng đọng trong tâm trí của những cán bộ y tế đã, đang không ngừng nỗ lực trong việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Covid-19.
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ và Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Trương Anh Đức trao tặng máy đo SpO2 và máy tạo oxy cho bệnh nhân
Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học - Bác sĩ (GS.TSKH.BS) Dương Quý Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng - người đã và đang đồng hành cùng Bình Dương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hơn 4 tháng qua, cho biết mỗi ngày trôi qua ở Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Phú Chánh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (TX.Tân Uyên, Bình Dương) đối với ông đều rất xúc động và ý nghĩa.
Trong suốt thời gian tăng cường hỗ trợ tỉnh Bình Dương vượt qua những ngày khó khăn trong đại dịch, GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ đã có không ít lần tham gia hội chẩn khoa học cùng các cộng sự để đưa ra những pháp đồ điều trị khoa học, góp phần cứu chữa và duy trì tính mạng cho những bệnh nhân Covid-19 đang trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Tuy nhiên, theo lời kể của GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ thì những ngày tháng 10-2021 vừa qua là những ngày tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của ông. Theo đó, trong những ngày vừa qua, GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ và ê kíp cộng sự đã liên tục cứu chữa thành công cho nhiều ca bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng.
Bệnh nhân lớn tuổi nhất (92 tuổi) của Khoa hồi sức tích cực qua cơn nguy kịch vừa được xuất viện về lại Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ tâm sự, một trong những kỷ niệm đẹp và khắc sâu vào tâm khảm của ông là trường hợp một bệnh nhân Covid-19 là cô gái trẻ tuổi có tình hình bệnh lý diễn biến nguy kịch nhưng khi được ê kíp với sự nhiệt tâm chữa trị đã từ cửa tử dần hồi phục và xuất viện về lại mái nhà thân yêu bên cạnh người thân. Có thể không một lời nào lột tả được hết được những niềm vui và sự xúc động của người con gái bé nhỏ mang trong mình một chứng bệnh tim bẩm sinh rất nặng lại còn bị nhiễm Covid-19 nặng có thể được xuất viện tại khoa hồi sức tích cực Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Phú Chánh.
Số phận nghiệt ngã của người con gái vùng quê nghèo Bình Thuận mắc bệnh tim bẩm sinh từ nhỏ không có điều kiện khám và điều trị để giờ đây bệnh tim đã diễn tiến sang giai đoạn nặng với triệu chứng của suy tim, tăng áp lực động mạch phổi nặng, thiếu oxy khi nghỉ ngơi và nặng hơn khi gắng sức cùng với phì đại và tím tái các đầu ngón tay.
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ, người thường xuyên thăm khám cho bệnh nhân, cho biết: Những trường hợp có bệnh nền tim mạch rất nguy hiểm cho người bị nhiễm Covid-19 nặng vì tổn thương tim rất thường xảy ra ở bệnh nhân Covid-19 và một số trường hợp tử vong do nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim hoặc rối loạn nhịp tim. Trường hợp em bệnh nhân này lại có suy tim mãn tính, thiếu oxy nên khi bị nhiễm Covid-19 nặng thì bệnh lại càng nặng hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, ê kíp điều trị Khoa hồi sức tích cực Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Phú Chánh đã không can thiệp thở máy xâm nhập như thường lệ để cải thiện tình trạng giảm oxy máu nặng (độ bão hòa oxy SpO2 lúc nằm nghỉ có oxy chỉ là 78%), mà chỉ cho thở không xâm nhập và duy trì bằng oxy gọng mũi nâng nồng độ oxy máu ở mức tốt nhất bảo đảm cho hoạt động hô hấp, tim mạch và sự oxy hóa máu của người bệnh.
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ trao tặng máy tạo oxy cho đại diện Trung tâm Bảo trợ xã hội Chánh Phú Hòa
Điều trăn trở lớn nhất của ê kíp là bệnh nhân bị bệnh nặng do Covid-19 và tim bẩm sinh dù rằng rất hồn nhiên và lạc quan, chỉ hy vọng được xuất viện sớm để trở về nhà tiếp tục công việc mưu sinh, thế nhưng tình trạng bệnh nhân bị thiếu oxy mãn tính do bệnh tim bẩm sinh và thêm di chứng hô hấp của bệnh Covid-19 cần phải thở oxy về lâu dài tại nhà. Đặc biệt, tình trạng suy tim và tăng áp phổi của bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong rất cao khi thiếu oxy và khi bệnh diễn tiến về lâu dài.
Một giải pháp được đưa ra với sự hiệp lực của cả ê kíp gồm GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ; Phó Giáo sư – Tiến sĩ Trần Văn Hưởng; Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Trương Anh Đức đã trở thành “đôi cánh thiên thần” đưa sinh mạng của hai mẹ con sản phụ từ cửa tử trở về. Tâm sự với phóng viên, ê kíp y, bác sĩ và các nhân viên y tế tại Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Phú Chánh cho biết, họ cảm thấy rất vui mừng, thậm chí có những lúc đã rơi lệ trong vui sướng khi lần lượt chứng kiến những bệnh nhân vốn dĩ tưởng đã không còn cơ hội sống hồi phục và xuất viện.
Tiếp xúc với các chuyên gia, y, bác sĩ và cán bộ, nhân viên ngành y tế trong những ngày dịch bệnh hoành hành này chúng tôi càng thấu hiểu, cảm thông và thán phục sự cống hiến, hi sinh của họ. Chữa bệnh cứu người đã và mãi luôn là trách nhiệm thiêng liêng, cao cả nhất của người thầy thuốc và cũng là truyền thống cao đẹp của ngành y tế nước nhà.
Một lần nữa, xin được nói lời tri ân sâu sắc nhất tới những “thiên thần áo trắng” vì sự hi sinh, cống hiến lặng thầm; cảm ơn vì phải vất vả làm việc bất kể ngày đêm để mang lại sự bình yên cho quê hương, đất nước.
Đình Thắng