Sự im lặng bí ẩn của Gagarin

Cập nhật: 08-04-2011 | 00:00:00
Cách đây 50 năm, ngày 12-4-1961, Thiếu tá Yuri Alekseyevich Gagarin đã đi vào lịch sử khi trở thành người đầu tiên thực hiện chuyến bay dài 108 phút vòng quanh Trái đất trên con tàu Vostok I (Phương Đông I), mở đường cho công cuộc chinh phục vũ trụ của nhân loại.

Tuy nhiên, chỉ 7 năm sau khi thực hiện sứ mệnh khám phá không gian, niềm đam mê bay của nhà du hành trẻ tuổi buộc phải dừng lại. Anh đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 34 trong vụ tai nạn máy bay mà đến giờ vẫn còn là một bí ẩn.

Yuri Alekseyevich Gagarin.

Trong 7 năm kể từ khi trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên của nhân loại, phi công Gagarin đã không lần nào lái máy bay chiến đấu. Anh được bảo vệ như kho báu quốc gia. Nhưng Gagarin không muốn trở thành tượng đài sống mà muốn tiếp tục được bay để thỏa mãn mơ ước thời thơ ấu của mình. Gagarin bắt đầu rèn luyện để khôi phục lại trình độ phi công chuyên nghiệp. Trong suốt một tuần, anh đã thực hiện 18 chuyến bay huấn luyện với người hướng dẫn. Để trở về đội ngũ, anh chỉ phải trải qua một thử thách cuối cùng với Trung đoàn trưởng Vladimir Seregin. Hai người đã thực hiện chuyến bay định mệnh vào ngày 27-3-1968."Rõ, xin tuân lệnh" là những lời cuối cùng của Gagarin mà mặt đất nghe được lúc 10h30 sáng sau khi xin phép quay về sân bay và hạ cánh. Ngay sau đó, nhân viên không lưu đã phát hiện điều bất thường đang xảy ra với chiếc máy bay của Gagarin trên màn hình radar. Thay vì theo hướng đã định, máy bay bắt đầu đột ngột di chuyển theo chiều ngược lại, như thể đang cố gắng thoát khỏi một vụ va chạm với chướng ngại vật xuất hiện đột ngột. Ngay thời điểm đó, trạm không lưu mặt đất đã mất liên lạc với Gagarin. Seregin, thành viên thứ hai của phi hành đoàn cũng im lặng… Xác chiếc máy bay đã được tìm thấy trong một khu rừng gần đó.Điều gì đã xảy ra với chiếc máy bay của Gagarin trong vòng một phút giữa lần liên lạc cuối cùng với mặt đất và sự cố ngay sau đó? Tác động đột ngột nào đã từ trên bầu trời hướng thẳng xuống chiếc máy bay tiêm kích của Gagarin? Vì lý do gì mà trong giây phút cuối cùng, phi hành đoàn đã không làm chủ được tay lái? Trong suốt nửa thế kỷ qua, hơn 30 tổ chức khoa học và nghiên cứu, hàng trăm chuyên gia, các học giả xuất sắc đã tham gia điều tra nhưng không ai có thể đưa ra được câu trả lời chính xác về nguyên nhân dẫn đến tai nạn đáng tiếc này. Gần đây nhất, một viện nghiên cứu quân sự của Nga đã đưa ra thêm một phát hiện. Đó là, vào thời điểm hiện tượng bất thường xảy ra, không có một động tác nào được Gagarin và Seregin thực hiện nhằm thoát khỏi nguy hiểm. Viện này cho rằng, nhiều khả năng, phi hành đoàn đã lâm vào trạng thái bất tỉnh do áp suất giảm mạnh trong cú bổ nhào từ độ cao lớn. Nguyên nhân của sự cố có thể do hở không khí của vòi khóa thông gió trong buồng lái. Tuy nhiên đây mới chỉ là giả thiết chứ chưa có dữ liệu xác thực. Sự ra đi của Gagarin vẫn là một bí ẩn nhức nhối đối với xứ sở Bạch dương.50 năm đã trôi qua, nhưng trong trái tim của hàng triệu người dân Nga, Gagarin mãi là người thanh niên trẻ trung, đầy sức sống, đã mang lại niềm tự hào cho đất nước. Kỷ niệm ngày Gagarin thực hiện chuyến bay đầu tiên vào vũ trụ, ngày 5-4, Nga đã phóng tàu vũ trụ Soyuz TMA-21 mang tên anh lên trạm không gian quốc tế. Phi hành đoàn của chuyến bay kỷ niệm sẽ làm việc trong quỹ đạo gần nửa năm và trở về Trái đất vào mùa thu.

Theo HNM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=338
Quay lên trên