Sứ mệnh lịch sử, đưa đất nước vươn mình- Bài 3

Thứ năm, ngày 23/01/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Bài 1: Ánh dương soi đường

Bài 2: Mở ra chân trời mới…

Bài 3: Thu giang sơn về một mối

Thành quả vĩ đại và những bài học lịch sử vô giá của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã trở thành động lực và sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc chiến tranh trường kỳ 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Còn với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương thì“Muôn người như một, quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, đoàn kết đấu tranh để đi đến thắng lợi cuối cùng…”.

Sức mạnh toàn dân

Những ngày rộn ràng mừng xuân mới Ất Tỵ 2025 và 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chúng tôi có dịp đến thăm ông Nguyễn Văn Thành (tên thật là Nguyễn Văn Quí) ở phường Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên. 95 tuổi đời, 78 năm tuổi đảng nhưng ông còn khá khỏe mạnh, nhanh nhẹn và đặc biệt là còn nhớ như in ký ức những ngày mới vào Đảng.

95 tuổi đời, 78 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Văn Thành vẫn nhớ như in ký ức những ngày mới vào Đảng…

Tiếp chúng tôi bằng nụ cười sảng khoái của một người miền Nam chính hiệu, ông cho biết, ông quê ở phường Phú Mỹ, TP.Thủ Dầu Một, ngày xưa vốn thuộc xã Phú Hữu, huyện Châu Thành. Năm ông sinh ra cũng là năm thành lập Đảng (1930). Ông sinh ra trong một gia đình rất nghèo, từ nhỏ đã theo cha mẹ làm thuê kiếm sống. Như nhiều người lầm than thời ấy, ông không biết chữ.

‘‘ Cuộc kháng chiến chống Pháp trong tỉnh đã để lại những kinh nghiệm quý về tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc tại một địa phương đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn lạc hậu. Đó là nhận thức đúng tầm quan trọng của mặt trận đoàn kết toàn dân. Từ những ngày đầu kháng chiến, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã tập hợp trong hàng ngũ kháng chiến tại địa phương đủ các thành phần trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, tư sản dân tộc, địa chủ yêu nước, đủ cả lương giáo, kinh thượng…”.

(Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Dầu Một)

Theo hồi tưởng của ông, năm 1947, trên địa bàn ấp Nhì của Phú Hữu có một đồn địch - thực dân Pháp trú đóng. Mà ấp Nhì cũng là nơi hoạt động, thường xuyên đi - về, đóng quân của các lực lượng cách mạng ở huyện, chiến khu. Thấy ông siêng năng, nhanh nhẹn, những cán bộ ở địa phương đã vận động tham gia lực lượng canh gác, được phân công làm phó ban Canh gác của xã. Nhiệm vụ của ông là hàng ngày theo dõi tình hình hoạt động của lính Pháp ở xung quanh đồn, rồi thông báo lại cho cán bộ địa phương biết nhằm bảo đảm cho các lực lượng khi đi - về, trú ém quân trên địa bàn an toàn. Lúc bấy giờ, trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một, các cơ sở Đảng cũng được xây dựng tương đối đều khắp nhằm tăng cường sự lãnh đạo một cách toàn diện của Đảng bộ tỉnh đối với cuộc kháng chiến trong tỉnh. Vì vậy, sau một thời gian tham gia ban canh gác, thấy ông làm tốt nhiệm vụ nên Chi bộ xã đã quyết định kết nạp ông vào Đảng.

Sau 3 năm tham gia công tác địa phương, ông chính thức tham gia bộ đội. Khi ấy ông tròn 20 tuổi. Tuy không biết chữ, nhưng ông rất tích cực, gan dạ, tổ chức phân công cái gì đều hoàn thành và hoàn thành rất tốt, nhất là việc theo dõi, truy bắt những tên biệt kích, gián điệp. Năm 1954, ông không đi tập kết mà tiếp tục ở lại bám trụ địa bàn.

Qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Thủ Dầu Một đã lập được những thành tích vẻ vang, đóng góp công sức và xương máu của một tỉnh miền Đông Nam bộ gian lao và anh dũng vào thắng lợi chung của Nam bộ và cả nước. Thành tích ấy, công lao to lớn ấy trước hết thuộc về các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một anh hùng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, từ Thủ Dầu Một đến Thủ Biên. Đó còn là kết quả của sự dẫn dắt lãnh đạo từ cấp ủy và chính quyền cấp trên mà đỉnh cao của thiên tài trí tuệ là Trung ương Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Về chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Dầu Một, từng nói: “Cuộc kháng chiến chống Pháp trong tỉnh đã để lại những kinh nghiệm quý về tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc tại một địa phương đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn lạc hậu. Đó là nhận thức đúng tầm quan trọng của mặt trận đoàn kết toàn dân. Từ những ngày đầu kháng chiến, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã tập hợp trong hàng ngũ kháng chiến tại địa phương đủ các thành phần trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, tư sản dân tộc, địa chủ yêu nước, đủ cả lương giáo, kinh thượng… Từ đó, Đảng bộ đã không ngừng tiến hành sâu rộng công tác chính trị tư tưởng, liên tục phát động tư tưởng quần chúng, nâng cao ý thức độc lập dân tộc, tinh thần yêu nước, thương nòi, nung nấu thêm lòng căm thù đối với quân cướp nước và bán nước. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy ra sức xây dựng, nắm chắc và rèn luyện lực lượng vũ trang, bán vũ trang từ tỉnh đến xã…”.

Đặc biệt, Chi đội 1 ra đời cuối năm 1945, được củng cố về chất lượng, sớm trở thành một đơn vị “Bộ đội Cụ Hồ” được đồng bào thương mến, cưu mang, giúp đỡ hết mình về tinh thần, vật chất. Tiếp đó, chúng ta đã xây dựng Đảng bộ đủ sức lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh. Ngay từ đầu, Tỉnh ủy đã chú trọng mở nhiều khóa huấn luyện chính trị cơ bản cho nhiều cán bộ, chiến sĩ để phát triển Đảng, sau đó liên tục bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, phương pháp nhằm xây dựng Đảng bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức lẫn phẩm chất đạo đức…

“Đi thắng lợi, ở lại vinh quang”

Cuối năm 1954, tỉnh Thủ Biên được tách ra thành tỉnh Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Giữa tháng 1-1955, tỉnh Thủ Dầu Một mở Hội nghị Ban Chấp hành đầu tiên từ khi tái lập tại suối Đá Bàn (Chiến khu Đ). Theo đó, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ lúc này là tổ chức lại lực lượng thành hai bộ phận bí mật và công khai; đẩy mạnh công tác binh vận, bố trí cơ sở cách mạng trong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền; xây dựng căn cứ trong dân, dựa vào cơ sở quần chúng cách mạng trung kiên đào hầm bí mật nuôi giấu để hoạt động. Khẩu hiệu đấu tranh lúc này là đòi quyền dân sinh, dân chủ, kết hợp đấu tranh chính trị đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Thủ Dầu Một đã lập được những thành tích vẻ vang, đóng góp công sức và xương máu của một tỉnh miền Đông Nam bộ gian lao và anh dũng vào thắng lợi chung của Nam bộ và cả nước…

Qua những câu chuyện kể của ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Thủ Dầu Một, thời điểm đó: “Với tư tưởng “Đi thắng lợi, ở lại vinh quang”, anh em người đi, kẻ ở đều dặn dò nhau người ra đi làm tròn nhiệm vụ, người ở lại quyết tâm đấu tranh để sau 2 năm gặp nhau trong ngày Bắc - Nam thống nhất, gia đình đoàn tụ”.

Trải qua 21 năm chiến đấu anh dũng, với đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh khoa học, linh hoạt của Đảng; với phương châm toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, “mỗi người dân là một dũng sĩ diệt Mỹ”; với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân loại tiến bộ trên thế giới..., quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả vĩ đại nhất của sự nghiệp giải phóng dân tộc; kết thúc cuộc đấu tranh suốt 30 năm, giành độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta. Thắng lợi đó “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX…” 

Còn tiếp

THU THẢO