Ngày xửa ngày xưa ở làng mướp có rất nhiều loại mướp. Mướp vốn là thuộc dân nhà nghèo nên bà con ta hay nói đùa là “nghèo te tua xơ mướp”. Nhưng loài mướp rất cố gắng nên chẳng bao lâu chúng thoát nghèo.
Tưởng chừng cuộc sống như “Sông Đông êm đềm” thì bỗng dưng có loài mướp lạ xuất hiện với khổ to và rất đẹp. Từ ngày ông này về làng, ổng bày ra chuyện sách giáo khoa phải to và đẹp như ổng nên cả làng chịu khổ.
Chị mướp hương thút thít kể khổ:
- Khổ lắm! Vừa thoát nghèo nay tiền sách giáo khoa tăng chóng mặt!
Anh mướp rắn, nổi tiếng cứng rắn cũng sa lệ:
- Ôi là trời, tiền nhà trọ, tiền học phí lại thêm tiền sách giáo khoa!
Chú mướp khía cũng la oải oải:
- Khổ lắm luôn. Bà con trong làng toàn chạy ăn từng bữa. Ai mà đu theo kịp anh mướp khổ to đây?
Dì mướp trâu cũng đầm đìa nước mắt:
- Khổ quá! Nhà có 7 - 8 đứa cháu đi học, nội tiền sách không đã hết sạch 2 tháng lương. Ông nào chơi ác nhơn vậy, làng ta vừa trải qua đại dịch mà!
Mặc bà con họ mướp kêu khổ, ông mướp khổ to vẫn tiến hành in sách cho thật đẹp. Làng mướp te tua xơ mướp, oằn lưng bỏ tiền mua sách cho con đến trường.
Vì gây “đắng lòng” cho các loài mướp khác nên dân gian mới gọi ông khổ to này là mướp đắng. Chỉ vì ưng khổ to mà dân làng khổ quá! Có địa phương gọi là trái Khổ qua. Ngày nay, nhiều người ăn Khổ qua với mong muốn qua khổ là vậy.
SÁU THỜI SỰ