Sửa đổi Luật Đất đai: Nắm bắt thực tiễn, lắng nghe nguyện vọng nhân dân

Cập nhật: 24-04-2023 | 06:50:31

Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, tổ chức chính trị-xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; đồng thời bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Việc lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trí thức người Việt Nam trong và ngoài nước. Nhiều nội dung giành được sự quan tâm góp ý, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu cho biết, Luật Đất đai tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai. Do đó, Luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng; thống nhất trong tổng thể các mối quan hệ pháp lý khác có liên quan đến đất đai.

Đợt lấy ý kiến nhân dân lần này là một cơ hội để tăng cường tuyên truyền pháp luật đến toàn dân; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của đất đai trong mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân; phát huy trí tuệ của nhân dân; đưa thực tiễn, đòi hỏi của cuộc sống vào luật.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, nhất là trong công tác định giá đất, được kỳ vọng sẽ là động lực giúp khơi thông, nâng tầm nguồn lực đất đai của quốc gia trong giai đoạn tới.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), xác định giá đất sát với giá thị trường là mong muốn của người dân, nhất là người dân có đất trong diện quy hoạch, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án thương mại.

Song việc xác định giá đất và bảng giá đất hằng năm hiện nay rất khó khăn. Nếu dựa vào các giao dịch đất đai trên thị trường thì rất khó để xác định giá bởi hầu hết các giao dịch (các khu dân cư, khu đô thị cũ, các giao dịch hầu hết giữa cá nhân với cá nhân) do hai bên thỏa thuận và khó biết được giá trị giao dịch thực để tính thuế chuyển nhượng.

Từ thực tế nêu trên, để có được căn cứ cho việc xác định giá đất qua các giao dịch, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng đề xuất, Dự thảo cần có chế tài đủ mạnh và các cơ chế hậu kiểm đối với các giao dịch, xác định đúng giá trị thực, chống thất thu thuế của Nhà nước. Về phía Hội đồng xác định giá đất hằng năm cần chú ý bổ sung các thành viên độc lập, không phải trong hệ thống Nhà nước như: thành viên từ Công ty thẩm định giá có kinh nghiệm về bất động sản, hiệp hội bất động sản, cán bộ thẩm định giá đất của các ngân hàng lớn...

Việc xác định bảng giá đất hằng năm có khó, nhưng nếu làm tốt và nghiêm túc thì đây sẽ là một công cụ quan trọng giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với đất đai hiệu quả, bảo đảm lợi ích cho các bên liên quan.

Góp ý hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có nhiều nội dung rất tiến bộ, như việc ứng dụng chuyển đổi số. Đây là điểm tích cực trong việc làm minh bạch và công khai thông tin.

Tuy nhiên, cần có quy định và chế tài rõ hơn về sàn giao dịch để có đầy đủ thông tin giao dịch làm cơ sở tham chiếu cho việc xác định giá quyền sử dụng đất; tăng cường các quy định về phối hợp cập nhật thông tin, phối hợp quản lý và chia sẻ, khai thác thông tin của sàn giao dịch và các cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về đất đai.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Triết học và Chính trị học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho rằng: Dự thảo Luật nên xem xét thay thế vai trò của Chủ tịch Hội đồng định giá đất bằng một cá nhân khác không phải là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm thực hiện nguyên tắc minh bạch.

Bổ sung quy định về quy trình xác định giá đất có sự tham gia của một bên độc lập có chức năng tư vấn và có sự tham gia của bên bị thu hồi đất. Cùng với đó, cần bổ sung căn cứ xác định giá đất theo nguyên tắc vận hành cơ chế thị trường hoặc điều chỉnh theo hướng quy đổi “trung bình về giá” trước và sau bồi thường nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi. Điều chỉnh kịp thời việc ban hành đơn giá đối với tài sản gắn liền với đất trong trường hợp bị thu hồi một cách chặt chẽ theo hướng bảo đảm hệ quy chiếu giá trị tài sản khi định giá so với thực tế…

Việc bỏ khung giá đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cũng nhận được sự quan tâm và đồng tình rất lớn của nhân dân. Theo các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, việc bỏ khung giá đất sẽ giúp người dân được hưởng lợi, khi giá đền bù giải phóng mặt bằng sẽ sát giá thị trường, không còn tình trạng đền bù không thỏa đáng, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Hiện nay, khung giá đất được lấy làm căn cứ để các tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất. Bảng giá này được sử dụng làm căn cứ tính mức bồi thường khi thu hồi, tính tiền sử dụng đất; tính phí và lệ phí khác trong quản lý, sử dụng đất đai và mức phạt khi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo NDO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=955
Quay lên trên