Ngày 9-12-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP (gọi tắt là nghị định) sửa đổi Nghị định 43/2017/ NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Nghị định được sửa đổi nhằm góp phần hạn chế tình trạng gian lận ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15-2-2022.
Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi quy định về ghi nhãn hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách kiểm tra thông tin trên nhãn hiệu sản phẩm trước khi mua tại siêu thị Big C, TP.Dĩ An
Người tiêu dùng tin tưởng
Hiện nay, nhãn hàng hóa là thứ đầu tiên người tiêu dùng nhìn vào để tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Chính vì vậy, việc nhãn của một sản phẩm có đầy đủ và chính xác các thông tin như tên gọi, xuất xứ, tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa... chắc chắn là điều vô cùng quan trọng, không chỉ các nhà quản lý mà bất cứ người tiêu dùng nào cũng quan tâm. Chị Vũ Thu Phương, khu 8, đường Lê Hồng Phong, TP.Thủ Dầu Một, cho biết: “Khi lựa chọn mua bất kỳ sản phẩm nào, nhất là các sản phẩm được đóng bao bì, điều đầu tiên là tôi xem nhãn mác để biết về nguồn gốc xuất xứ, cũng như thời hạn sử dụng. Việc bảo đảm quy định về ghi nhãn hàng hóa là hết sức quan trọng trong bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe. Khi biết rõ các thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, người tiêu dùng yên tâm sử dụng hơn”.
Ông Lý Thái Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (chi cục), Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết thời gian qua Chi cục không ngừng đưa Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào cuộc sống, đồng thời tích cực triển khai hiệu quả công tác khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Từ đó góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn những sai sót do hàng hóa không bảo đảm chất lượng, gây ảnh hưởng quyền lợi và uy tín của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Đặc biệt, ngay sau khi trở lại trạng thái “bình thường mới”, chi cục đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai kế hoạch khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Các nhóm sản phẩm thiết yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng đã được chú trọng quản lý chặt chẽ.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Nghị định 111/2021/NĐ- CP sửa đổi Nghị định 43/2017/ NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Cụ thể, nghị định này quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về ghi nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Như vậy, so với hiện hành, bổ sung hàng hóa xuất khẩu thuộc đối tượng quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa.
Bên cạnh đó, nghị định hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa với hàng xuất khẩu. Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật nước nhập khẩu. Cụ thể, trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP).
Đồng thời, nghị định cho phép các doanh nghiệp tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình. Cụ thể, Điều 15 (xuất xứ hàng hóa): “Tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa được thể hiện bằng một trong các cụm từ hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa, như sau: “Lắp ráp tại”, “đóng chai tại”, “phối trộn tại”, “hoàn tất tại”, “đóng gói tại”, “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt”. Quy định này sửa đổi, bổ sung Điều 15 quy định về xuất xứ hàng hóa của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 - Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu trên nhãn hàng hóa. Hàng hóa là trang thiết bị y tế được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của chủ sở hữu số lưu hành. Trường hợp trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành thì ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trang thiết bị y tế và tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân trên giấy phép nhập khẩu. Ngoài ra, Điều 18 quy định “Nhãn hàng hóa không được thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế - xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam”.
“Hiện nay, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi khác nhau, làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, làm mất đi thương hiệu Việt Nam, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Khi nghị định được “đưa vào cuộc sống” sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Cụ thể, nghị định tạo cơ sở pháp lý để xử lý những hành vi vi phạm về nhãn, gian lận xuất xứ hàng hóa hay chuyển tải bất hợp pháp, tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng thay đổi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”. (Ông Lý Thái Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng) |
PHƯƠNG LÊ - KHOA CÔNG