TP.Bến Cát đang định hướng phát triển kinh tế xanh, sản xuất xanh, kêu gọi các lĩnh vực giàu hàm lượng công nghệ, tạo ra giá trị gia tăng cao. Để đạt mục tiêu này, thành phố đẩy nhanh hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông kết nối, chú trọng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư
TP.Bến Cát đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao. Đây là một trong những định hướng trọng tâm trong quy hoạch phát triển của thành phố đến năm 2030 và 2040. Theo đó, đến năm 2040, TP.Bến Cát được quy hoạch trở thành trung tâm đô thị có chức năng công nghiệp - dịch vụ - đầu mối giao thông. Trong đó, ngành công nghiệp được định hướng phát triển theo hướng sạch, công nghệ cao.

Ông Nguyễn Trọng Ân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Bến Cát, cho biết hiện nay thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, ít thâm dụng năng lượng và lao động. Hiện trên địa bàn thành phố có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.000 ha, cùng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại như Quốc lộ 13, Mỹ Phước - Tân Vạn, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đi qua. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi để Bến Cát thu hút nhà đầu tư công nghệ cao và phát triển các khu công nghiệp thế hệ thứ ba với hệ sinh thái xanh, phát triển kinh tế xanh. Bên cạnh lĩnh vực công nghiệp, thành phố đang phát triển mạnh nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao, cho thấy sự đa dạng trong định hướng phát triển kinh tế bền vững của thành phố.
Với những định hướng và nỗ lực nói trên, Bến Cát đang trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặc dù không có khu công nghệ cao chuyên biệt, nhưng các khu công nghiệp tại TP.Bến Cát đang chuyển dịch và thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao. Một số doanh nghiệp, thương hiệu lớn trên toàn cầu đã có mặt từ rất sớm tại TP.Bến Cát. Các doanh nghiệp này có nhiều tiềm năng để góp phần đưa địa phương chuyển dịch trong phát triển công nghệ cao.
Điển hình, trên lĩnh vực điện tử, linh kiện điện tử có Công ty TNHH Điện tử Daewoo Việt Nam, Công ty TNHH Điện tử Jing Gong Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước II, chuyên sản xuất board mạch, linh kiện điện tử, máy in, máy khoan...). Các Khu công nghiệp Mỹ Phước I, II, III, IV là những khu công nghiệp trọng điểm của Bình Dương và TP.Bến Cát, đã và đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất điện tử, phụ tùng ô tô và các ngành công nghiệp hỗ trợ có ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, với hạ tầng công nghiệp được đầu tư đồng bộ, tiềm năng thu hút dự án lĩnh vực công nghệ cao vào TP.Bến Cát còn rất lớn.
Chuẩn bị tốt mọi mặt “đón” dự án chất lượng
TP.Bến Cát được đánh giá cao về hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ và hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghệ cao. Trên địa bàn TP.Bến Cát hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.000 ha, thu hút hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Trọng Ân, để hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp, tỉnh Bình Dương và TP.Bến Cát đã và đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, đây là một trong những ưu điểm vượt trội của Bến Cát, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và kết nối vùng. Cụ thể, Quốc lộ 13 hiện là tuyến đường huyết mạch kết nối Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn là tuyến đường quan trọng kết nối các khu công nghiệp lớn của Bình Dương, rút ngắn thời gian di chuyển đến các cảng biển và TP.Hồ Chí Minh. Cùng với đó, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 47,5km, trong đó có 8km đi qua địa bàn TP.Bến Cát đã được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác có vai trò chiến lược trong việc kết nối Bến Cát với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cùng với đó, các tuyến đường tỉnh qua địa bàn thành phố như ĐT741, ĐT744, ĐT748 đã và đang được nâng cấp, mở rộng, bảo đảm kết nối thông suốt TP.Bến Cát với liên tỉnh, bảo đảm lưu thông thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP.Bến Cát tận dụng tiềm năng của sông Sài Gòn và sông Thị Tính để phát triển giao thông đường thủy, chú trọng bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sống của người dân.
Có thể nói, nhờ vào hạ tầng đồng bộ, hiện đại và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, TP.Bến Cát đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những trung tâm công nghiệp - dịch vụ hàng đầu của tỉnh. Đặc biệt, thành phố hướng tới các ngành công nghiệp sạch và công nghệ cao, phục vụ phát triển kinh tế xanh, bền vững…
Đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Bến Cát đều có nhà máy xử lý nước riêng với công suất lớn. Cụ thể như Nhà máy xử lý nước Khu công nghiệp Rạch Bắp có công suất 7.000m3/ngày đêm, Nhà máy xử lý nước Khu công nghiệp Thới Hòa công suất 16.000m3/ngày đêm… Các nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất lớn, bảo đảm xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường, đáp ứng yêu cầu về môi trường cho các ngành công nghiệp sạch và công nghệ cao. |
DUY KHANG - HỮU TẤN