Kỳ 3: Điểm nhấn giáo dục Bình Dương
Trong chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng mà ngành GD-ĐT đưa ra là xây dựng trường THCS tạo nguồn, trường THPT chất lượng cao. Qua hơn 3 năm thực hiện đề án, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt, nhiều học sinh (HS) đoạt giải HS giỏi cấp tỉnh, khu vực, đồng thời tạo nguồn HS giỏi cho bậc học kế tiếp.
Học sinh trường THCS Trần Hưng Đạo (Phú Giáo) được huyện khen thưởng vì có những thành tích học tập xuất sắc
Chủ trương đúng đắn
Bắt đầu từ năm học 2008- 2009, Sở GD-ĐT tỉnh đã chọn trường THCS Chu Văn An (TP. Thủ Dầu Một) mở các lớp tạo nguồn. Mỗi năm học trường chỉ tuyển 90 HS/3 lớp nhưng hàng năm số HS đăng ký thi đến vài trăm em, vì thế những HS thật sự xuất sắc mới được tuyển chọn vào các lớp tạo nguồn. Theo Ban giám hiệu nhà trường, ngay khi triển khai thực hiện đề án, nhà trường đã được tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư về tài chính, cơ sở vật chất; sở, phòng GD-ĐT chỉ đạo chuyên môn và đầu tư trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho việc giảng dạy các lớp tạo nguồn. Đội ngũ giáo viên (GV) là những người có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy và bồi dưỡng HS giỏi. GV thường được cử dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, học tập các chuyên đề do Bộ và Sở GD-ĐT tỉnh tổ chức, giúp GV nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Với các lớp tạo nguồn, chất lượng HS vượt trội nên giáo trình giảng dạy cũng có mức độ cao hơn. Việc dạy học nâng cao các môn học được viết dưới dạng chuyên đề, mỗi năm HS được học 8 - 10 chuyên đề/ môn học.
Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2011-2015, tỉnh có 5 trường THCS tạo nguồn là Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một), Bình Thắng (TX.Dĩ An), Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An), Mỹ Phước (TX.Bến Cát) và Trần Hưng Đạo (Phú Giáo). Từ mô hình thí điểm là trường tạo nguồn THCS Chu Văn An, những năm học tiếp theo các trường học nêu trên lần lượt tuyển sinh, mỗi năm 3 lớp tạo nguồn với 90 HS. Những trường tạo nguồn được tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy hiện đại như máy chiếu, bảng tương tác thông minh... HS học các lớp tạo nguồn được tạo điều kiện học tập tốt nhất, nhiều trường có tổ chức bán trú, HS được học tập, ăn nghỉ tại trường. Tại trường THCS Mỹ Phước, HS được học 2 buổi/ ngày, buổi chiều giảng dạy theo chủ đề nâng cao, thực hiện phân phối chương trình dạy tăng cường của trường, tập trung dạy nâng cao, luyện tập các môn văn, toán, Anh văn; đồng thời trường dạy phân hóa HS theo môn chuyên.
Muốn nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc THPT cần phải đầu tư từ những bậc học thấp. Việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo những nhân tài có ý nghĩa quan trọng, nếu phát hiện sớm thì hiệu quả giáo dục càng cao. Ngoài mô hình trường THCS tạo nguồn, từ năm 2011 Sở GD-ĐT tỉnh cũng đã xây dựng đề án trường THPT chất lượng cao. Trường THPT chất lượng cao tuyển chọn từ những HS THCS có kết quả học tập khá, giỏi để tiếp tục nâng cao, hoàn thiện kiến thức phổ thông đủ khả năng học lên bậc đại học và cao hơn. Trên cơ sở đó, trường THPT Trịnh Hoài Đức được chọn làm trường điểm thực hiện mô hình này, vì trường có chất lượng ổn định, có bề dày truyền thống. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết mục tiêu của ngành là xây dựng và phát triển các trường tạo nguồn và trường chất lượng cao có cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại; có đội ngũ GV trên chuẩn cao, có đủ năng lực áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến, làm hạt nhân, nòng cốt hỗ trợ các trường phổ thông khác trong địa bàn nâng cao chất lượng dạy và học; có chất lượng vượt trội so với các trường cùng cấp, tạo nguồn HS giỏi cho cấp học cao hơn; là hình mẫu đối với các trường cùng cấp.
Trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ giảng dạy. Trong ảnh: HS thi thực hành thí nghiệm lý - hóa - sinh
Hiệu quả nâng cao
ÔNG DƯƠNG THẾ PHƯƠNG, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT TỈNH: Qua một thời gian triển khai thực hiện đề án trường tạo nguồn HS giỏi, chất lượng HS được nâng lên, nhiều HS đoạt giải cao ở các kỳ thi H S giỏi các cấp, qua đó tạo nguồn lực phát triển bậc học kế tiếp. Với thành công này, ngành đã có kế hoạch mở rộng trường tạo nguồn THCS ở các huyện, thị khác sau năm 2015. Mô hình trường chất lượng cao Trịnh Hoài Đức bước đầu đã phát huy được năng lực của đội ngũ và phát triển năng lực học tập của HS. Theo đề án, sắp tới ngành sẽ phát triển thêm 4 trường THPT chất lượng cao ở TP.Thủ Dầu Một, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên và huyện Phú Giáo. |
Để chất lượng giáo dục ở trường tạo nguồn, trường chất lượng cao đạt hiệu quả như mong muốn, ngành đã quan tâm đầu tư cho các trường này về mọi mặt. Đội ngũ cán bộ, GV những trường này có phẩm chất đạo đức tốt và có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng. Về chương trình giảng dạy, các trường tạo nguồn dạy theo chương trình quy định của bộ, có thêm một số chủ đề nâng cao; trường chất lượng cao dạy theo chương trình phân ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ngoài ra còn bổ sung thêm một số chủ đề nâng cao cho các môn theo hướng tiếp cận với chương trình thi tuyển sinh vào đại học và chương trình chuyên sâu của trường chuyên. Ngoài ra, cán bộ, GV, HS của những trường này còn được tỉnh hỗ trợ về chế độ chính sách, nhằm khuyến khích thầy trò cùng thi đua dạy tốt, học tốt.
Nhờ được đầu tư có trọng tâm, chất lượng giáo dục ở những trường tạo nguồn nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ nét nhất là trường THCS Chu Văn An. Chỉ riêng năm học 2013- 2014, trường có 82/84 HS tốt nghiệp THCS loại giỏi, 20 HS được tuyển thẳng và 50 em trúng tuyển vào trường THPT chuyên Hùng Vương. Trong các cuộc thi HS giỏi thành phố, tỉnh, bộ tổ chức, HS các lớp tạo nguồn Chu Văn An luôn chiếm đầu bảng. “Để có được đội ngũ HS giỏi thực sự, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, trường còn có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các lớp tạo nguồn. Trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bộ môn, sinh hoạt câu lạc bộ, chuyên đề, tổ chức các cuộc thi bộ môn; ngoài ra, GV còn hướng dẫn cho HS phương pháp tự học”, cô Đỗ Thị Như Hoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Hiệu quả đào tạo ở trường THCS Bình Thắng (TX.Dĩ An) cũng không thua kém các trường tạo nguồn khác. Trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2014-2015, trường đạt hạng nhất cấp tỉnh về chất lượng tuyển sinh đầu vào.
Đối với trường THPT chất lượng cao Trịnh Hoài Đức, qua hơn 3 năm thực hiện đề án, ngôi trường này đã thật sự tỏa sáng về chất lượng giáo dục. Hàng năm, điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 luôn cao hơn một số trường khác. Cô Nguyễn Thị Triệu Phúc, Phó Hiệu trưởng cho biết HS học 2 buổi theo mô hình dạy tăng cường theo khối thi đại học, nhằm nâng dần tỷ lệ HS đỗ đại học. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014, HS của trường đạt thủ khoa tốt nghiệp; kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014, trường có 68% HS thi đậu ĐH đợt 1, trong đó có 58 em thi đậu 2 trường ĐH.
Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng sự nghiệp trồng người
A.SÁNG - N.THANH