Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng sự nghiệp trồng người
Cùng với cả nước, giáo dục ở Bình Dương thời gian qua đang tự khẳng định với rất nhiều điểm sáng, đã thực sự đổi mới và vươn lên. Tập thể thầy trò ở các trường đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống, ra sức học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong sự nghiệp trồng người.
Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh tặng bằng khen cho học sinh tại lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi năm học 2013-2014
Trên dưới đồng lòng
Trước hết phải nói đến các mục tiêu phổ cập giáo dục (PCGD), Bình Dương đều đạt rất sớm, cán đích trước thời gian quy định của Trung ương. Công tác PCGD mầm non (MN) cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học đúng độ tuổi, PCGD THCS, PCGD bậc trung học đều đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Là địa phương có tỷ lệ tăng dân cơ học cao. Số trẻ em là con của công nhân, người lao động ngoại tỉnh tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong thời gian qua, việc triển khai “Đề án PCGD MN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015” của Bình Dương đã gặp không ít khó khăn. Nhưng ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tỉnh đã quyết tâm thực hiện tốt đề án, nhằm tạo điều kiện để tất cả các trẻ MN, đặc biệt là MN 5 tuổi đều được đến trường. Mới đây, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã công nhận Bình Dương đạt chuẩn các điều kiện về PCGD MN cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013.
Sau khi kiểm tra công nhận Bình Dương đạt chuẩn PCGD MN cho trẻ 5 tuổi, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của Bình Dương. Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN Bộ GD-ĐT, trưởng đoàn kiểm tra cho rằng, để đưa Bình Dương cán đích sớm về PCGD MN 5 tuổi là nhờ vào sự nỗ lực và quyết tâm của toàn tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nêu cao quyết tâm chính trị, đề ra những chủ trương, chính sách phù hợp, huy động được tất cả các nguồn lực trong xã hội vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ PCGD MN 5 tuổi. Từ sự nỗ lực đó, GDMN 5 tuổi của Bình Dương đã đạt được nhiều thành tựu và hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của đề án.
Quyết tâm trong nhận thức và hành động
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT tỉnh, việc triển khai thực hiện các cuộc vận động như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”… được toàn ngành thực hiện nghiêm túc và chặt chẽ từ cấp sở đến trường học, cơ sở giáo dục. Tại các trường, việc triển khai những cuộc vận động và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được giáo dục và tuyên truyền sâu rộng. Các trường tiếp tục triển khai đến tận giáo viên thông qua những tổ, khối chuyên môn. Mỗi thành viên trong tổ, khối cùng tham gia trao đổi, góp ý để hoàn thiện kế hoạch và cùng thống nhất cam kết thực hiện các nội dung: không ngừng rèn luyện tư cách, phẩm chất đạo đức; phấn đấu để mỗi nhà giáo là tấm gương đạo đức và tự học cho học sinh noi theo, phát huy tốt việc thực hiện “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” trong trường học...
Năm học 2013-2014, là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11- 2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở đó, ngành GD-ĐT Bình Dương quán triệt chủ đề năm học 2013-2014, tiếp tục thực hiện đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và bền vững. “Việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào, biến các phương châm thành hành động đã có tác dụng góp phần lập lại kỷ cương trong dạy và học, khuyến khích sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, khắc phục những mặt yếu kém trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học”, ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh nhận xét .
Chất lượng được khẳng định
Một trong những điều đáng ghi nhận của giáo dục Bình Dương là chất lượng giáo dục ngày càng có nhiều chuyển biến. Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã phản ánh đúng thực chất của quá trình dạy - học. Đặc biệt, đây là kết quả từ sự nghiêm túc thực hiện các phong trào, cuộc vận động của ngành GD-ĐT; kết quả này đã trả lời cho câu hỏi “học thật, thi thật” mà dư luận đặt ra trong suốt thời gian qua. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh cho biết: “Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chúng tôi không bất ngờ vì liên tục trong những năm qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh luôn đạt khá cao và giữ vững, ổn định. Để có được kết quả này, ngành GD-ĐT đã có những bước chuẩn bị, đầu tư, chăm lo ngay từ những bậc học trước chứ không phải đợi đến lớp 12 mới bắt đầu. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp năm 2013-2014, đã thể hiện kết quả thực chất đúng với kết quả học tập và năng lực học sinh của tỉnh. Để có được kết quả này còn có sự kết hợp từ nhiều phía, đặc biệt là nỗ lực ngành GD-ĐT”.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong thời gian qua, ngành GD-ĐT Bình Dương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Để đạt được những kết quả như trên là nhờ vào sự quyết tâm cao của toàn tỉnh. Với quan điểm coi GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, nên Bình Dương năm nào cũng đầu tư xây dựng trường lớp vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra. Năm học 2013-2014, tỉnh đã chi trên 1.000 tỷ đồng (dành 30% vốn xây dựng cơ bản của cả tỉnh) để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và mua sắm trang thiết bị. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chăm lo cho đời sống đội ngũ giáo viên; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở vật chất; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cũng như quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục ở các bậc học.
ÔNG LÊ THANH CUNG, CHỦ TỊCH UBND TỈNH:
“Tôi rất phấn khởi khi được biết trong năm học vừa qua chất lượng văn hóa “mũi nhọn” của ngành GD-ĐT tỉnh nhà tiếp tục được duy trì và phát triển; số lượng và chất lượng các giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, học sinh giỏi trong kỳ thi tốt nghiệp, học sinh đạt thủ khoa và đậu vào nhiều trường đại học có uy tín ngày càng được nâng lên. Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”. Tập trung đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh: đức, trí, thể, mỹ, với phương châm dạy chữ gắn với dạy làm người”.
ÔNG NGUYỄN BÁ MINH, VỤ TRƯỞNG VỤ GIÁO DỤC MẦM NON BỘ GD-ĐT:
Ngành GD-ĐT Bình Dương trong thời gian qua đã đạt được những thành tích khá tốt, bảo đảm chất lượng dạy và học tại các trường ngày càng nâng lên rõ rệt. Để có được kết quả trên cần cả một quá trình nỗ lực không ngừng, trong đó có sự đóng góp của toàn xã hội, chính quyền và đội ngũ công chức -viên chức ngành GD-ĐT Bình Dương. Tôi mong rằng, ngành GD-ĐT Bình Dương tiếp tục nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa để giữ vững và duy trì thành quả trong những năm học tiếp theo.
N.THANH - H.THÁI