Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu và được Quốc hội thông qua, là mức lạm phát năm 2010 này là dưới 7%. Trong khi đó, Chính phủ lại đồng thời cho phép nâng giá than. Giá than tăng thì chắc chắn là giá điện sẽ tăng và giá điện sẽ được quyết định tăng vào ngày 1-3 tới. Giá xăng cũng đã đột ngột tăng lên vào ngày 21-2 (tức mùng 8 tết vừa qua).
Xung quanh vấn đề nêu trên, TS Lê Đăng Doanh, bày tỏ: “Năm nay Nhà nước dự kiến sẽ tăng lương và bãi bỏ các biện pháp miễn giảm thuế của năm 2009, tức là thuế sẽ lại được thu và thậm chí là dự kiến thuế tài nguyên sẽ còn tăng lên. Điều này cũng hợp lý, chỉ có điều là đánh thuế mức độ thế nào để cho nền kinh tế có thể chịu được. Trong bối cảnh như vậy, tôi chia sẻ sự lo ngại về việc lạm phát có thể tăng hơn mức 7% mà Chính phủ đề ra. Tôi hy vọng Chính phủ sẽ xem xét một cách thận trọng trong bối cảnh là giá đã tăng sau dịp tết và nếu như tăng giá điện nữa, sẽ lại làm cho mặt bằng giá tăng lên!”.
- Theo ông, trong tình hình hiện nay ở Việt Nam, trước những diễn biến như ông vừa nêu thì Chính phủ cần có những biện pháp gì để có thể kiểm soát lạm phát?
- Theo tôi điều quan trọng là phải có những đòn bẩy để nâng cao hiệu quả, cắt giảm chi phí và tránh việc tăng giá lên quá nhiều mặt hàng đầu vào, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng đến giá thành. Thứ hai là cần phải xem xét việc điều chỉnh tỷ giá hai lần liên tục trong vòng 3 tháng vừa qua, nó cũng sẽ tác động đến giá cả như thế nào trước khi có các biện pháp tăng giá tới.
- Theo cá nhân ông dự đoán thì lạm phát năm nay ở Việt Nam ở khoảng mức bao nhiêu?
- Tôi chưa đủ căn cứ, bởi có mấy điểm như thế này: Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo về giá dầu thô từ 76 USD/thùng lên 78,5 USD/thùng trong năm 2010. Vừa qua thì giá dầu thô cũng đã tăng. Nếu giá dầu thô tăng lên thì không phải chỉ có xăng dầu tăng, mà còn phân bón, thuốc trừ sâu rồi sợi tổng hợp... Tất cả các đầu vào sẽ tăng lên. Điểm thứ hai, tác động đến mức độ tăng giá của Việt Nam là chính sách tín dụng. Năm 2009, tín dụng dự kiến chỉ tăng có 25%, nhưng trong thực tế đã tăng lên 38% để đạt được mức tăng trưởng kinh tế là 5,32%. Như vậy, cứ phải tăng 7% tín dụng thì mới đạt được 1% tăng trưởng GDP. Trong năm 2010, Chính phủ muốn đạt được mức tăng trưởng GDP là 6,5%, nhưng dự kiến là mức tín dụng lại chỉ tăng 25% như kế hoạch của năm 2009. Mà thực tế, 2009 đã không thực hiện được.
Việc cắt giảm tín dụng một cách rất đột ngột vào cuối năm 2009 đã dẫn đến việc khan hiếm thanh khoản một cách đáng lo ngại của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp. Và hiện nay nó đang lan ra trong nền kinh tế. Điều đó cho thấy cần phải có sự nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng một cách hiện thực để bảo đảm nền kinh tế hoạt động. Muốn như vậy thì chính sách tiền tệ và tín dụng, sau một độ trễ nhất định, sẽ lại tác động đến mặt bằng giá cả của
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại quý I, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) sẽ tăng ít nhất 4%. Như vậy, 3 quý còn lại của năm CPI sẽ phải khống chế ở mức 3%. Nếu việc tăng giá điện được lùi lại đến cuối năm thì may ra có thể thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở 7%.
Việt Nam.Còn về tỷ giá thì chúng ta đều đã biết Chính phủ đã điều chỉnh tỷ giá, để hy vọng giải tỏa được kỳ vọng của người dân vào việc găm giữ đô la nhằm có thể tìm kiếm được mức tiền đồng cao hơn sau khi bán ra trong tương lai. Tôi nghĩ đấy là biện pháp cần thiết, tuy cái giá phải trả không phải nhẹ nhàng.
- Như vậy việc tăng giá có phải từ nguyên nhân tỷ giá?
- Lý do tăng giá xăng được một quan chức của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam cho biết là do giá xăng A92 thành phẩm trung bình 30 ngày qua là 83 USD/thùng, nhưng thực tế, giá dầu thế giới hơn một tháng nay không tăng. Do vậy, có thể một nguyên nhân là giá bán lẻ xăng trong nước tăng do tỷ giá tăng.
Trong kinh tế học có bài toán gọi là cân đối liên ngành, tức là đầu vào - đầu ra. Đầu vào sản xuất tăng thì chắc chắn giá bán sản phẩm cũng phải được đẩy lên. Cứ mỗi lần tăng giá như vậy, quay vòng khoảng 2 - 3 tháng, thị trường sẽ hình thành mặt bằng giá mới. Điều này gây áp lực lớn cho nền kinh tế trong năm nay.
- Xin cám ơn ông!
NGUYỄN PHÚC (thực hiện)