Sức ép tăng giá: Công nhân càng thêm tiết kiệm

Cập nhật: 18-03-2010 | 00:00:00

Sức ép tăng giá đang ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Để bảo đảm được cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều công nhân đã chủ động thích nghi với nhiều biện pháp tiết kiệm...

Tranh thủ ăn để vào làm tăng ca

Vật giá leo thang

Trong khi thực phẩm, điện, nước, xăng, nhà trọ... tăng giá thì tiền lương, tiền công của công nhân vẫn “giẫm chân tại chỗ”. Để đối phó với giá xăng tăng, anh Nguyễn Văn Tuấn, quê Vĩnh Phúc, hiện đang làm ở Công ty Hài Mỹ (Bình Chuẩn) cho biết: “Một tháng lương chỉ 1,5 triệu đồng, phải tăng ca thêm nữa thì cũng được gần 2 triệu đồng, mà phải chi phí hàng ngày, tiền nhà trọ, điện nước như hiện nay thì không thể đủ chi phí sinh hoạt. Vì thế, để tiết kiệm tôi cùng hai đồng nghiệp thuê một phòng trọ ở gần nơi làm, hàng ngày đi bộ khoảng 1km đến công ty, mặc dù cũng có chiếc Dream Trung Quốc nhưng hiện đang “trùm mền” vì không có tiền đổ xăng”. Để tiết kiệm chi phí, anh đã cùng mọi người tự nấu ăn, bởi theo anh vừa rẻ lại vừa ngon, mặc dù xưa nay con trai thường “lười”, chỉ đi ăn cơm bụi 7.000 đồng/ngày.

Chị Trần Thị Thu (quê Hà Tĩnh), công nhân Công ty Shyang Hung Cheng (thị trấn An Thạnh), ở trọ gần công ty tâm sự: “Phòng có ba đứa ở chung, chúng em chỉ sử dụng điện khi cần thiết thôi. Cả ngày đi làm, có ngày tăng ca tới 20 giờ mới về nhà, có xem tivi chút rồi đi ngủ. Có nhiều khi tụi em không có mở đèn phòng, ra trước cửa ngồi, vì giá tiền điện tính 2.500 đồng/kwh, vậy mà tới tháng trả tiền điện cũng từ 60.000 - 80.000 đồng”.

Đi chợ mua thức ăn về nấu cơm chiều

Nhiều người thuê nhà trọ bị chủ nhà tự ý tăng giá điện, nước lên gấp đôi, gấp ba lần so với giá quy định. Tại các khu vực có nhiều công nhân thuê nhà trọ, nhiều chủ nhà trọ tự ý tăng giá điện, nước một cách vô tội vạ. Người thuê nhà trọ có ý kiến thì được chủ cho thuê nhà trọ trả lời, nếu không đồng ý thì cứ đi chỗ khác mà ở. Chị Thu than thở: “Hiện nay tiền nước máy chủ nhà đã thu 5.500 đồng/m3, nước giếng thu 3.000 đồng/m3, điện 2.500 đồng/kwh, sắp tới tiền điện tăng lên 3.000 đồng/kwh”.

Theo quy định mới từ ngày 1-3, hộ gia đình (4 người) sử dụng điện thì giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang số bậc thang đầu tiên là 50 kwh chỉ phải trả giá 600 đồng/kwh. Như vậy hộ chị Thu đã đóng tiền điện cho chủ nhà trọ cao hơn giá quy định ở mức sử dụng 50kwh đầu tiên.

Tăng ca để đủ sinh hoạt

Để có thêm tiền, chị Thu đăng ký làm ca đêm, ngoài số tiền 32.000 đồng/ngày công, chị còn được trả thêm 13.000 đồng/ngày, đó cũng là một biện pháp giúp tăng thu nhập trong lúc này. Thực tế cho thấy, khi giá cả các mặt hàng tăng cao, thực phẩm ngày một đắt đỏ, công nhân ở các khu công nghiệp đang “méo mặt” từng ngày, lương thấp không đủ tiêu, họ đã nghèo nay càng khó khăn hơn. Chị Trần Thị Cảnh, quê Hưng Yên, làm ở Công ty Shyang Hung Cheng, cho biết, tháng lương chị được từ 2 triệu - 2,3 triệu đồng. Với số tiền ấy, hàng tháng phải chi 400.000 đồng tiền nhà, tiền điện nước gần 150.000 đồng (giá điện chủ nhà trọ tính giá 2.000 đồng/kwh), 900.000 đồng tiền ăn và phải lo cho hai đứa con ăn học nữa, nên chẳng còn là bao...

Với thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng, trừ tiền ăn 800.000 - 900.000 đồng, tiền nhà trọ 300.000 đồng, tiền điện nước 100.000 đồng, còn các khoản chi tiêu khác như đồ dùng, quần áo... dù tằn tiện họ cũng rất khó gói ghém. Đó là chưa kể đến lúc họ ốm đau bệnh tật, không biết xoay đâu ra tiền. “Từ sau tết đến nay, nhiều công nhân ở khu nhà trọ tại Thạnh Bình (An Thạnh, Thuận An) lao đao vì chủ nhà trọ đòi tăng giá tiền điện lên 3.500 đồng/kwh.

Nhiều công nhân chịu không nổi với cảnh tăng giá đã khăn gói ra đi kiếm cho mình chỗ trọ khác xa hơn, chật hẹp hơn. Chị Nguyễn Thị Nga, cho biết: “Lương tháng tính luôn tiền tăng ca được hơn 2 triệu đồng, tiền nhà, điện nước, ăn uống chi tiêu sinh hoạt hàng tháng cũng gần 1,5 triệu đồng, còn phải gửi tiền về quê phụ giúp gia đình, bây giờ tiền nhà trọ lại tăng lên, không biết phải tính toán chi tiêu sao cho phù hợp”.

Tiết kiệm tối đa

Ông Lê Minh Quốc Việt, Phó Giám đốc Điện lực Bình Dương cho biết: “Định mức là 4 người được tính 1 hộ, 50kwh đầu tính giá 600 đồng/kwh, 50 kwh tiếp theo là 1.054 đồng/kwh, tính theo giá bậc thang. Theo Thông tư 08 quy định là cứ 1 người sẽ được tính 1/4 định mức. Giá điện chủ cho thuê nhà trọ thu lại với các hộ thuê nhà bằng với giá ghi trên hóa đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành. Vì vậy, để bảo đảm thực thi đúng điều này thì hơn ai hết chính người sử dụng điện (người ở thuê) phải là người giám sát và bảo vệ quyền lợi cho mình. Khi phát hiện chủ cho thuê nhà trọ thực hiện thu không đúng giá quy định có thể phản ánh đến các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, Sở Công Thương và đơn vị bán điện”.

Chúng tôi đến một phòng trọ ở gần KCN Đồng An (Thuận An) vào một buổi chiều. Ngoài cơm, có nồi thịt ba rọi kho nho nhỏ và dĩa rau muống xào và canh cải “đại dương”, vậy là xong một bữa cơm cho 3 người ăn. Chị Lý Tú Nghi (quê Sóc Trăng) vui vẻ nói: “30.000 đồng cho một bữa đi chợ ăn cả ngày, 25.000 đồng mua thịt kho, lấy một ít nấu canh, 5.000 còn lại mua rau xào hay nấu canh gì đó”. Cạnh đó, trong một phòng trọ chừng 10m2, là nơi trú ngụ của chị Nguyễn Thị Mai với chồng và đứa con 2 tuổi. Bữa cơm gia đình anh chị cũng chẳng khá hơn. Cũng mấy cọng rau, cá kho mặn, vài ba con cá khô nhỏ. “Lúc trước một tháng chỉ hết 500.000 - 600.000 đồng tiền chợ, nay giá lên thì phải từ 800.000 - 900.000 đồng. Vậy mà cũng không đủ, mỗi lần đi chợ là phải suy nghĩ phải mua gì, ăn gì được trong mấy ngày”, chị Mai cho biết.

Nhưng đi chợ bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, mà tiền lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả thị trường nên họ chỉ biết tiết kiệm. Món ăn thường ngày của họ thường chỉ là đậu hũ, thịt ba rọi và rau. Mà rau cũng đắt, chỉ rau muống là rẻ nhất. “Tiền lương tôi chỉ đủ nuôi thân, có tháng dành dụm được một ít gửi về cho mẹ, có tháng không được đồng nào...”, chị Thu ngậm ngùi.

Do giá cả tăng cao quá, công nhân thường đến các chợ “chồm hổm” hay chợ tự phát bán trước cổng công ty để mua thực phẩm cho rẻ. Trong túi ít tiền nên họ chỉ chọn mua những món hàng giá thấp nhất. Ăn uống qua loa nên không ít công nhân ốm yếu.

Để thích nghi với giá điện tăng, nhiều công nhân đã sử dụng nhiều hình thức tiết kiệm dù hàng ngày bản thân số điện họ sử dụng phục vụ sinh hoạt chẳng đáng là bao. Chiều tối, họ tắt đèn rủ nhau ra trước hiên nhà trọ để nói chuyện. Ngoài ra, hạn chế sử dụng điện quạt, bàn ủi... tối đa.

THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên