Sức hấp dẫn của ca ra bộ Bình Dương

Cập nhật: 07-11-2023 | 08:36:47

Với phong cách biểu diễn sinh động, vừa ca vừa ra điệu bộ phù hợp với lời ca, ca ra bộ đã trở thành tiết mục đinh trong các chương trình biểu diễn đờn ca tài tử (ĐCTT). Tại Bình Dương, các tiết mục ca ra bộ ngày càng gần gũi với quần chúng nhân dân, thu hút sự quan tâm dàn dựng, biểu diễn của nhiều ban ĐCTT ở địa phương.


NNND Nguyễn Thị Thu Hồng và NNƯT Phan Minh Đức hướng dẫn các học viên thực hành bài ca ra bộ

Đôi điều về ca ra bộ

Nhằm giúp cho các tài tử ca và các thế hệ kế thừa hiểu thêm về lối sống văn hóa tinh thần phong phú của nghệ thuật ĐCTT, nhất là ca ra bộ, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương. Với sự chia sẻ và nhiệt tình hướng dẫn của đội ngũ giảng dạy, gồm: Nghệ nhân nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Thu Hồng, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phan Minh Đức và NNƯT Văn Sáng, lớp tập huấn đã góp phần bảo tồn và gìn giữ những giá trị độc đáo của bộ môn nghệ thuật di sản.

Ngay sau lễ khai giảng lớp tập huấn, NNND Thu Hồng đã chia sẻ với các học viên về quá trình hình thành ca ra bộ và những câu chuyện xoay quanh loại hình biểu diễn độc đáo này. Năm 1906, Ban ĐCTT Nguyễn Tống Triều (Tư Triều) đã được mời sang nước Pháp trình diễn tại cuộc đấu xảo được tổ chức ở thành phố cảng Mạc - xây (Marseille). Khi sang Pháp trình diễn, Ban ĐCTT này được nhà tổ chức đưa lên sân khấu biểu diễn cho khán giả xem chứ không phải ngồi dưới sân khấu đờn hát cho khán giả nghe như ở Việt Nam.

Sau khi về nước, cô Ba Đắc cùng với Ban ĐCTT Tư Triều đã sáng tạo nên một loại hình diễn xướng mới là ca ra bộ với nghĩa là diễn viên vừa ca vừa ra điệu bộ phù hợp với lời ca. Trong đó, cô Ba Đắc đã đứng lên ca thể điệu Tứ đại oán nhịp nhanh bài “Bùi Kiệm thi rớt”, “Bùi Kiệm và Nguyệt Nga”. Trong đó, cô vừa ca vừa ra điệu bộ một lúc ba nhân vật Bùi Ông, Bùi Kiệm và Nguyệt Nga.

Về sau, ông Tống Hữu Định đã phân vai cho tài tử ca mỗi người ca một đoạn: Kẻ ca đoạn Bùi Kiệm, người ca đoạn Nguyệt Nga, đối đáp nhau vừa ca vừa ra bộ. Do nội dung bài ca có kịch tính lại được biểu diễn khá linh hoạt nên lớp ca được người xem nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh và sau đó ngày càng được phổ biến rộng rãi. Từ đó, nhiều tác giả đã phát triển thành các vở tuồng cải lương với nhiều lớp có nhiều vai đối đáp với nhau. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng, ca ra bộ là tiền thân của cải lương.

Với cách biểu diễn gần gũi với quần chúng nhân dân, cải lương đã làm cho các tài tử phấn khích, tham gia nhiều hơn, thu hút nhiều người tham gia. Trong khoảng thời gian 1906-1915, có nhiều người đã bỏ tiền xây dựng nhà hát cải lương để đoàn hát cải lương đến biểu diễn. Theo đó, nhiều tác giả đã dựa vào các truyện thơ, lồng bản 20 bài bản Tổ của ĐCTT soạn thành các bài ca ra bộ, rồi phát triển dần thành các tuồng cải lương dài, có nhiều nhân vật đối đáp với nhau, có những cử chỉ, điệu bộ phù hợp với lời ca.

Sức hấp dẫn của một tiết mục đinh

Chia sẻ với các học viên tại lớp tập huấn, NNƯT Phan Minh Đức, cho biết ca ra bộ là tiết mục hát có minh họa, có điệu bộ và có đối đáp. Tại lớp tập huấn, NNND Thu Hồng và NNƯT Minh Đức đã hướng dẫn các học viên ca nhiều bài ca ra bộ để mọi người thực hành nhuần nhuyễn, để có thể lan tỏa đến các cơ sở tại địa phương.

Tài tử ca Hồng Thẩm cho biết dù tham gia ĐCTT cũng nhiều năm, nhưng nay mới có dịp học và biết cách biểu diễn ca ra bộ. Thực sự loại hình này rất hấp dẫn, có nhiều bài ca ngợi về Bình Dương mà bản thân rất thích, như: “Sui gia kể chuyện nông thôn mới”, “Sui gia đàm thoại”, “Chuyện trong nhà”...

Theo NNND Thu Hồng, ca ra bộ là tiết mục rất đặc biệt, mang đến niềm hứng khởi, sự vui tươi. Vì vậy, ca ra bộ thường được chọn là tiết mục đinh trong các chương trình giao lưu. Hiện nay, trong mỗi chương trình hội thi, hội diễn đều có tiết mục này.

Nội dung của tiết mục ca ra bộ rất thiết thực bởi khi tác giả viết lời cho các tiết mục này đều rất nhân văn, rất gần gũi với quần chúng nhân dân, chia sẻ những hoạt động thường xuyên, cách nghĩ, cách làm của người dân như về: Xây dựng nông thôn mới, xây dựng hạnh phúc gia đình, đả kích những thói hư tật xấu, cổ vũ những mô hình hay, gương người tốt, việc tốt…

Đây cũng là tiết mục đinh (son) trong một chương trình, là những phôi thai để phát triển thành các chập cải lương và đến hôm nay trở thành những vở cải lương hiện đại và được trình diễn trên khắp các sân khấu Việt Nam và nước ngoài. “Qua các lần chấm thi tại các hội thi ĐCTT ở các huyện, thị, thành phố, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều đơn vị vẫn còn yếu về biểu diễn ca ra bộ, do chưa hiểu rõ về ca ra bộ. Hy vọng, các học viên sau khi tập huấn có thể cùng nhau chia sẻ để đưa phong trào ĐCTT ngày càng phát triển tốt đẹp hơn”, NNND Thu Hồng nói thêm.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=637
Quay lên trên