Sức mạnh toàn dân trong bảo đảm hậu cần của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975

Cập nhật: 12-04-2015 | 17:48:24

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vai trò của công tác bảo đảm hậu cần rất quan trọng, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử quân đội ta sử dụng lực lượng lớn hợp đồng quân, binh chủng.

Tất cả 4 quân đoàn, cùng các sư đoàn chủ lực đều tham gia chiến dịch trên 5 hướng tiến công. Kết quả của công tác bảo đảm hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là quá trình chuẩn bị chiến trường về hậu cần chu đáo, sáng tạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị Trung ương Đảng.

Trong lời khen ngợi Bộ đội Hậu cần, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh cách mạng ở nước ta, cuộc tổng tiến công chiến lược đặt ra những yêu cầu mới rất to lớn, rất phức tạp và khẩn trương về bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật. Các lực lượng hậu cần đã ra sức vươn lên khắc phục khó khăn, phát huy sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”(1). Một trong những bài học rút ra đối với công tác bảo đảm hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đó là phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo đảm hậu cần.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của miền Nam thành đồng Tổ quốc trong chi viện sức người, vũ khí, trang bị và bảo đảm hậu cần cho các lực lượng vũ trang nhân dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, trong 2 năm 1973 và 1974, miền Bắc đã huy động 25 vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, 15 vạn quân từ hậu phương vào miền Nam chiến đấu, hàng vạn cán bộ, nhân viên kỹ thuật, thanh niên xung phong miền Bắc tới các vùng giải phóng ổn định tình hình. Lực lượng công binh, bộ đội Đoàn 559, ngành vận tải miền Bắc cùng hàng vạn dân công hỏa tuyến dồn sức sửa chữa, mở rộng đường Trường Sơn, đặt thêm đường ống dẫn dầu.

Trong hai năm này, 397.000 tấn vật chất từ miền Bắc được chuyển tới mặt trận, bằng 54% tổng khối lượng vật chất giao cho các chiến trường trong suốt 16 năm trước đó. Được hậu phương miền Bắc chi viện mạnh mẽ, toàn diện, thế và lực cách mạng miền Nam biến chuyển nhanh chóng, áp đảo quân địch. Trước tình hình đó, tháng 1-1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm động viên cao độ sức mạnh của cả nước mở cuộc Tổng tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, cả miền Bắc hướng ra tiền tuyến, dốc sức chi viện cho miền Nam. Để đáp ứng yêu cầu chi viện ngày càng lớn về mọi mặt của chiến trường, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương, ngày 25-3-1975, Bộ chính trị ra Nghị quyết số 241-NQ/TW thành lập Hội đồng chi viện miền Nam của Trung ương do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị làm Phó Chủ tịch.


Đoàn xe vận tải 238 vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh minh họa/ Nguồn Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng.

Luôn luôn sáng tạo, thần tốc táo bạo, đáp ứng mọi yêu cầu bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong bảo đảm hậu cần chi viện cho miền Nam, vấn đề vận tải và vận chuyển, cung cấp xăng dầu cho các binh đoàn cơ giới được đặt lên hàng đầu. Do vậy chỉ hơn hai năm, hậu cần chiến lược đã chuyển tới chiến trường hơn 300.000 tấn vật chất hậu cần-kỹ thuật, vừa bảo đảm cho các lực lượng vũ trang hoạt động tác chiến, vừa dự trữ cho chiến dịch. Khi có quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh, thời gian chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch chỉ có 22 ngày đêm, khối lượng vật chất mới dự trữ được 40.000 tấn trong 60.000 tấn theo nhu cầu, đạn pháo lớn, phương tiện vận tải còn thiếu rất nhiều. Toàn bộ lực lượng hậu cần quân đội được huy động khẩn trương, kết hợp với động viên sức mạnh của cả nước, ở hậu phương lớn và trên địa bàn chiến dịch, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân làm công tác hậu cần.

Đây là lần đầu tiên hậu cần chiến dịch kết hợp sử dụng cả đường bộ, đường thủy và đường không để vận chuyển vật chất và cơ động lực lượng. Phục vụ chiến dịch, ngành hậu cần đã huy động số lượng lớn phương tiện vận tải chiến lược, toàn bộ phương tiện vận tải của các quân đoàn, binh chủng, quân chủng, đồng thời huy động thêm phương tiện của các cơ quan Nhà nước và nhân dân vùng mới giải phóng. Kết quả đã huy động được cho chiến dịch khoảng 7.064 xe ô tô các loại, 656 ghe xuồng, 63.432 dân công để vận chuyển vật chất và cơ động lực lượng. Trong đó, riêng giai đoạn chuẩn bị trực tiếp, hậu cần chiến dịch đã sử dụng 1.080 xe ô tô (tương đương khoảng 10 tiểu đoàn) để chuyển gấp 4.313 tấn đạn từ hậu phương và các quân khu mới giải phóng vào phục vụ chiến dịch.

Nắm bắt thời cơ hết sức thuận lợi về quân sự, chính trị của ta và âm mưu, thủ đoạn mới của địch, trong phiên họp ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị chủ trương tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí, kỹ thuật và vật chất, giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Để khẩn trương vận chuyển hàng chục nghìn quân, hàng vạn tấn phương tiện vật chất, vũ khí, kỹ thuật phục vụ chiến dịch, bộ đội công binh, ngành cầu đường Bộ Giao thông vận tải, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương ngày đêm chạy đua với thời gian, khắc phục trở ngại, khó khăn, thông đường, thông tuyến giữ vững mạch máu giao thông, vận chuyển lương thực, vũ khí, xăng dầu đáp ứng mọi yêu cầu của chiến dịch.

Chú trọng xây dựng hậu phương tại chỗ của miền Nam, đồng thời phát huy sức mạnh đoàn kết của ba nước Đông Dương, của các lực lượng đứng trên địa bàn tham gia bảo đảm hậu cần, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trên từng hướng, từng địa bàn tiến công.


Những đàn voi vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ chiến dịch trên đường 14 (Tây Nguyên) Ảnh: Tư liệu.

Cùng với công tác chuẩn bị của hậu cần chiến lược, trong hai năm 1973-1974, hậu cần Miền cũng ra sức chuẩn bị cho chiến dịch. Các căn cứ hậu cần Miền ngày càng được củng cố, hệ thống đường vận tải cơ giới được mở rộng nối liền các căn cứ hậu cần, tạo thế đứng chân vững chắc trên các hướng, bảo đảm cơ động cao. Ta chủ trương điều chỉnh bố trí các căn cứ hậu cần trong các vùng giải phóng trên các hướng chiến dịch. Quân khu Trị Thiên đã triển khai các căn cứ hậu cần trên hướng tiến công vào Quảng Trị và Thừa –Thiên– Huế. Quân khu 5 đã đã xây dựng căn cứ hậu cần phía sau của chiến trường, đồng thời triển khai các căn cứ hậu cần phía trước trên các hướng tiến công vào Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định và phát triển xuống Phú Yên và hướng lên Tây Nguyên.

Các quân khu thuộc B2 cùng các căn cứ hậu cần: Quân khu 6 trên hướng tiến công vào Phan Thiết, Hàm Tân. Quân Khu 7 trên hướng tiến quân vào ven đô và Sài Gòn, Mỹ Tho và lộ 4. Quân khu 9 trên hướng tiến quân vào đô thị, trọng điểm là Cần Thơ. Riêng ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đã triển khai 8 căn cứ hậu cần liên hoàn (5 ở phía trước và 3 ở phía sau), hình thành thế trận hậu cần quanh Sài Gòn. Tính đến trước thời điểm diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, hậu cần đã dự trữ được khoảng 250.000 tấn hàng các loại, thành lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị với trên 10.000 giường bệnh để phục vụ bộ đội chiến đấu. Hậu cần miền Nam đã huy động lực lượng vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào các kho, trạm của chiến dịch và tập trung sửa chữa, mở đường, bắc cầu, ưu tiên cho những tuyến đường trọng yếu cho các binh đoàn chủ lực tiến công cơ động, nhanh chóng, kịp thời, tạo một thế trận hậu cần liên hoàn, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu của Bộ chỉ huy chiến dịch.

Ngày 22-4-1975, sau khi duyệt lại mọi mặt chuẩn bị, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khẳng định, thời cơ tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi và kết luận: “Ta đã hoàn thành việc tập trung lực lượng, tập trung khí tài kỹ thuật và các cơ sở vật chất khác đạt ưu thế áp đảo quân địch. Đã triển khai xong thế trận bao vây, chia cắt chiến dịch, cô lập Sài Gòn đến cao độ. Chiến dịch lịch sử này đã có những cơ sở đảm bảo chắc thắng”(2).

Ngày nay, khi đánh giá lại những bài học kinh nghiệm về bảo đảm công tác hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung và trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm 1975 nói riêng, chúng ta tự hào về những chủ trương, quyết sách táo bạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, của các tướng lĩnh, sĩ quan từ Bộ Tổng Tư lệnh đến các hướng, các mũi tiến công trên khắp các chiến trường. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang luôn biết ơn sự sẻ chia, đùm bọc của nhân dân cả nước trong bảo đảm hậu cần cho quân đội để đánh thắng kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, vũ khí lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần… Bài học về sức mạnh toàn dân tham gia bảo đảm hậu cần trong Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn sinh động.

Trung tướng, PGS, TS ĐẶNG NAM ĐIỀN - Chính ủy Học viện Hậu cần

(1) Lịch sử Tổng cục Hậu cần, T.2 (1954- 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1999.

(2) Đại thắng mùa xuân năm 1975, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1976. 

Theo qdnd.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1460
Quay lên trên