Sức sống hàng Việt: Nắm bắt cơ hội để chinh phục dài hạn

Cập nhật: 15-09-2021 | 10:56:48

Sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt Hà Nam, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Trần Việt/ TTXVN)

Với đợt tái bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước trong những tháng gần đây đã cho thấy sự dai dẳng, khó kiểm soát của đại dịch trên toàn cầu.

Nguy cơ dịch bệnh kéo dài liên miên và chưa biết khi nào là hồi kết đang khiến số đông trong cộng đồng xã hội bắt đầu xác định tâm lý "sống chung" và dần thích nghi.

Tuy nhiên, chủ trương vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội đang thực sự là bài toán khó; nhất là trong bối cảnh người dân nhiều tỉnh, thành phố đang phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, "ai ở đâu ở yên đó" cùng với nguyên tắc cách ly theo chỉ đạo của chính quyền mỗi địa phương.

Rất nhiều doanh nghiệp bày tỏ, nếu dịch bệnh còn kéo dài và buộc lòng phải tiếp tục thực hiện giãn cách sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì doanh nghiệp trước những áp lực ngày càng tăng đến từ các loại chi phí như mặt bằng, chi phí tài chính, lãi vay ngân hàng hay các khoản tiền hỗ trợ cho cán bộ nhân viên, chi phí xét nghiệm cho người lao động, trang thiết bị chống dịch...

Đó là chưa kể hoạt động sản xuất hàng hóa đang phải rất cầm chừng vì "bí" đầu ra. Các thị trường xuất khẩu hầu hết ngưng trệ dẫn tới tình trạng tồn, nợ đọng hàng hóa cùng vô vàn khó khăn cho doanh nghiệp.

Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, từng nhiều lần khuyến nghị, trong điều kiện chưa thể lập tức phục hồi ngay thị trường quốc tế do nguy cơ dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, thì mở cửa thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho các doanh nghiệp.

Hơn lúc nào hết, cần đẩy nhanh và mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nhiều chương trình kích cầu khác. Đây chính là hành động thiết thực cũng là cách thể hiện tinh thần sẻ chia, tương thân tương ái, góp phần vực đỡ cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế dần đứng lên trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong ngành may mặc, Tổng Công ty May 10 luôn dành 80% năng lực sản xuất cho thị trường xuất khẩu và chỉ 20% là cho thị trường nội địa.

Thời gian gần đây, nhất là trải qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh, May 10 vẫn nỗ lực duy trì các hợp đồng với đối tác xuất khẩu, song đang dần mở rộng và hướng tới thị trường trong nước; đồng thời, xác định đây sẽ là kế hoạch chinh phục dài hạn của doanh nghiệp.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết giao thương nội địa dù có gặp khó khăn nhưng cũng không chịu ảnh hưởng nhiều như thị trường xuất khẩu.

Với việc mở rộng thị trường nội địa, trong năm qua, doanh thu nội địa của May 10 không những không giảm mà vẫn được duy trì như thời điểm trước khi có dịch. Sang năm 2021, May 10 đã đánh giá lại thị trường, giảm bớt những cửa hàng làm việc kém hiệu quả; đồng thời, mở rộng thị phần nội địa để đợi cơ hội khôi phục trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương), đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát đúng vào thời điểm nhiều địa phương đang bước vào vụ thu hoạch. Nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn vì không thể xuất khẩu.

Như mọi năm, hễ khi nào doanh nghiệp gặp khó ở thị trường xuất khẩu lại có xu hướng “quay về” với thị trường trong nước và đó luôn là hướng đi hiệu quả. Vì vậy, phải nhìn nhận đúng và đánh giá tích cực việc khai thác tối đa thị trường nội địa với sức mua gần 100 triệu dân, để xem đây là giải pháp trọng tâm, hiệu quả giúp các doanh nghiệp và nhiều hộ dân tiêu thụ nông sản hàng hóa, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có tính thời vụ cao tại thị trường nội địa.

Nhiều địa phương trên cả nước chung tay tiêu thụ vải Bắc Giang trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Các sản phẩm được mùa như xoài, vải Thanh Hà, nhãn Sơn La, Hưng Yên… đang đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước và tập trung vào thị trường phía Nam.

Không chỉ là nông sản, các doanh nghiệp ngành chăn nuôi cũng đã biết dựa vào thị trường nội địa để tìm hướng tồn tại trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.

Có thể kể đến Hợp tác xã Nông trại 36-một mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gà ta giữa hợp tác xã và 21 hộ chăn nuôi tại các huyện Thường Xuân, Như Xuân, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 20.000 con gà/tháng, tiêu thụ chủ yếu qua kênh xuất khẩu tiểu ngạch và tại chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố trong nước.

Ông Hà Văn Phong, Giám đốc Hợp tác xã Nông trại 36, cho biết từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, số lượng gà xuất khẩu bị đình trệ, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cho người chăn nuôi.

Vì vậy, để duy trì sản xuất, Hợp tác Nông trại 36 đã phải đẩy mạnh các kênh tiêu thụ qua thị trường nội địa; trong đó, chú trọng thị trường tiêu thụ nội tỉnh. Hướng đi này đã giúp hợp tác xã xuất bán hơn 80% lượng gà đến kỳ xuất bán của các hộ chăn nuôi.

Đây cũng là cơ hội để hợp tác xã giới thiệu sản phẩm gà ta đến người tiêu dùng trong nước; từ đó mở rộng quy mô liên kết sản xuất và chủ động việc tiêu thụ trong thời gian tới.

Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Long Châu, ông Lý Minh Đường cho hay, phần lớn nông sản của Long Châu đều thông qua Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu, nhưng hiện nay, các tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện các biện pháp phòng dịch khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong lưu thông hàng hóa.

Không chịu "ngồi chờ" và chứng kiến việc ngưng trệ sản xuất do gián đoạn hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp đã chủ động và nhanh chóng tìm "cứu cánh" nhờ vào thị trường nội địa.

Ông Đường bày tỏ, một ngày phải ngồi "không" đồng nghĩa với việc gia tăng biết bao chi phí sản xuất, nhân công lao động và đủ mọi gánh nặng tài chính khác...

Ông hy vọng chính quyền các địa phương sẽ nhanh chóng tìm giải pháp để tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương.

Thậm chí, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản cùng nhiều sản phẩm hàng hóa khác qua các hệ thống phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại hay sàn thương mại điện tử...

Có như vậy, mới góp phần ổn định tình hình thị trường, giúp doanh nghiệp ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có hồi kết./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=586
Quay lên trên