Sức sống mới trên những chiến khu xưa

Cập nhật: 24-04-2023 | 08:52:44

LTS: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sông Bé - Bình Dương đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách xây dựng tỉnh nhà không ngừng phát triển. Đặc biệt, sau hơn 35 năm cùng cả nước thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hơn 25 năm Bình Dương xây dựng và phát triển, vùng đất với những địa danh, những chiến thắng vang dội trong kháng chiến ngày nay đã trở thành những trung tâm công nghiệp, đô thị hiện đại, văn minh, đầy sức sống. Đó là kỳ tích của Bình Dương sau gần nửa thế kỷ đất nước thống nhất, góp phần cùng cả nước tiếp tục viết nên những trang sử vàng trên hành trình phồn vinh, hạnh phúc…

Bài 1: Thành phố trẻ Tân Uyên

Nhắc đến TP.Tân Uyên là nhớ tới những địa danh nổi tiếng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với những chiến công vang dội đã đi vào sử sách. Ngày nay, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân TP.Tân Uyên đang ra sức xây dựng địa phương ngày một phát triển vững mạnh, xứng tầm với vị trí là cửa ngõ liên kết vùng, là trung tâm công nghiệp và dịch vụ phía nam của tỉnh.

Từ vùng đất chiến khu anh hùng

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2023), chúng tôi có dịp quay trở lại TP.Tân Uyên và được nghe các cán bộ lão thành cách mạng kể về những địa danh lịch sử cách mạng vẻ vang, kiên cường, anh dũng nơi này. Trong chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 25- 12-1945, việc xây dựng căn cứ địa đã được đặt ra: “Phải chọn đóng ở những địa điểm chiến lược lợi hại: Tiến có thể đánh, lùi có thể giữ… Kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui phải hết sức chu đáo…”. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, ngày 20-2-1946, Khu bộ Khu 7 tổ chức cuộc họp tại Lạc An và quyết định thành lập căn cứ địa kháng chiến tại 5 xã Tân Hòa, Mỹ Lộc, Tân Tịch, Thường Lang, Lạc An thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, gọi là Chiến khu Đ. Đ là mật danh chỉ tổng hành dinh của Khu 7. Chiến khu Đ được xem như một trung tâm kháng chiến, là nơi ra đời của các lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Chiến khu Đ là một trong những căn cứ quan trọng của các cấp ủy Đảng, các tổ chức chính quyền và cơ quan chỉ huy quân sự thuộc nhiều huyện, tỉnh lân cận và cả Khu 7, Phân liên khu miền Đông và Nam bộ. Đây cũng là nơi ra đời các đơn vị vũ trang trong những ngày đầu kháng chiến, như Chi đội 1, Chi đội 10, Trung đoàn 301...

Ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP.Tân Uyên. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Chiến khu Đ là nơi xây dựng, đứng chân các cơ quan lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang từ huyện, tỉnh, liên tỉnh, quân khu đến Trung ương Cục. Đây cũng là nơi xuất phát chiến dịch 12 ngày đêm (từ ngày 9 đến 21-4-1975) giải phóng TX.Long Khánh, đập tan cánh cửa thép Xuân Lộc - tuyến phòng ngự cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, mở đường cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Tân Uyên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Tân Uyên anh hùng: Đoàn kết, đổi mới, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, năng động, chủđộng, sáng tạo, tập trung phát huy tốt mọi tiềm năng, lợi thế, ra sức kiến thiết đô thị, xây dựng TP.Tân Uyên xứng đáng là trung tâm kinh tế phía nam của tỉnh, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương”.

Trong suốt gần 30 năm (1946-1975), Chiến khu Đ là một dấu son trong trang sử oai hùng của “Miền Đông gian lao mà anh dũng”. Và, huyện Tân Uyên xưa, với truyền thống yêu nước kiên cường, bất khuất, cùng với quân và nhân dân cả nước, đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hy sinh, lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, làm nên Đại thắng mùa xuân lịch sử ngày 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thành phố của niềm tin, khát vọng

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trải qua 48 năm xây dựng và phát triển, Tân Uyên từ một huyện thuần nông với những hậu quả hết sức nặng nề do chiến tranh để lại; với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương vượt qua nhiều khó khăn, thách thức xây dựng và phát triển Tân Uyên ngày một giàu đẹp, văn minh và hiện đại. Đến nay, TP.Tân Uyên đã phát triển, đạt nhiều kết quả ấn tượng, như tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm. Riêng trong năm 2022, TP.Tân Uyên đã thu hút thêm 287 doanh nghiệp (DN) trong nước với tổng vốn đăng ký 989 tỷ đồng, 10 DN đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký 54,43 triệu đô la Mỹ.

Hiện nay, TP.Tân Uyên có 2 khu công nghiệp, 3 cụm công nghiệp với 1.866 DN trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 32.560 tỷ đồng; 637 DN nước ngoài, tổng vốn đăng ký hơn 5 tỷ 297 triệu đô la Mỹ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng lần lượt là 64,17% - 34,60% - 1,23%. TP.Tân Uyên hiện đang có 2 dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) lớn nhất Bình Dương và cả nước, là VSIP II có quy mô 2.045 ha và VSIP III quy mô hơn 1.000 ha, có tổng mức đầu tư hạ tầng khoảng 6.407 tỷ đồng. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng cao, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn Trung ương. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,52%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%; tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng là 95,4%...

Với những thành tựu đạt được trong xây dựng và phát triển, ngày 13-2-2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 725/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập TP.Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Theo UBND TP.Tân Uyên, trong giai đoạn 2021- 2025, thành phố xác định phát triển theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị; trong đó đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để TP.Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị sau năm 2025 và đặt mục tiêu tổng quát xây dựng và phát triển TP.Tân Uyên trở thành một trung tâm lớn phía nam tỉnh về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, tài chính, văn hóa - du lịch.

Thành phố trẻ Tân Uyên đang chuyển mình phát triển, hướng tới trở thành một trung tâm kinh tế phía nam của tỉnh

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết kế thừa, phát huy thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua, TP.Tân Uyên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị, đặt mục tiêu đưa Tân Uyên trở thành đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sinh thái đô thị. Cụ thể, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN. Thành phố phát triển xã Bạch Đằng và xã Thạnh Hội trở thành vùng sản xuất nông nghiệp chính theo mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị. Phân khu chức năng thành phố bao gồm khu sản xuất duy trì các khu, cụm công nghiệp hiện hữu; khu dịch vụ gồm khu du lịch sinh thái Mekong - Golf - Villas tại cù lao Bạch Đằng, các công viên - văn hóa thể thao tại các khu vực đất thấp ven sông Đồng Nai; trung tâm thương mại, chợ tại các phường Khánh Bình, Uyên Hưng, Thái Hòa và Tân Hiệp... Thành phố tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông đối nội, quy hoạch 2 bến xe khách, phát triển giao thông đường thủy, hệ thống cảng bến... Cùng với đó, thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa - xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo...

Chiến khu Đ là nơi ra đời lối đánh đặc công, khởi đầu là trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên ngày 19-3-1948, từ đó hình thành, phát triển lối đánh đặc công ra cả nước. Chiến khu Đ còn là nơi gắn liền với những chiến công vang dội của quân và dân miền Đông Nam bộ, trong đó có những trận đánh tiêu biểu, như trận Bảo Chánh (5-1947), Trảng Táo (6-1947), Bảo Chánh 2 (6-1947), trận tấn công tiểu khu Phước Thành (9-1961), trận pháo kích vào sân bay Biên Hòa (10-1964)…

(còn tiếp)

ĐỖ TRỌNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên