Có thể nói căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là nơi cụ thể hóa các chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng miền Nam, từ đó cho ra đời nhiều chỉ thị, nghị quyết về đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam và triển khai thành công trong phạm vi chiến trường miền Nam. Trong đó phải kể đến việc thành lập căn cứ Tà Thiết, cơ quan đầu não chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam nằm cách “thủ đô” ngụy quyền chưa đầy 90km…
Hội trường Bộ Chỉ huy Miền trong khu di tích. Ảnh: TRÍ DŨNG
Từ căn cứ Trung ương Cục (Tây Ninh) thời chiến, theo đường mòn băng rừng khoảng 30km ven biên giới Campuchia sẽ đến Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam (Bộ Chỉ huy Miền) nằm trong khu vực ấp Tà Thiết, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian lao và anh dũng, căn cứ Tà Thiết là nơi hoạch định những chiến dịch quân sự trên khắp chiến trường miền Nam.
Nhà cố Thượng tướng Trần Văn Trà trong Khu di tích Bộ Chỉ huy Miền (Tà Thiết, Lộc Ninh). Ảnh: TRÍ DŨNG
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), quân đội Mỹ rút về nước, tình hình giữa ta và ngụy có sự biến chuyển thuận lợi cho ta trên cả chiến trường miền Nam. Để phù hợp với tình hình mới, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền đã có cuộc thảo luận quan trọng di chuyển Bộ Chỉ huy Miền về sóc Tà Thiết, nơi trước đây là Sở Chỉ huy chiến dịch Nguyễn Huệ. Việc chọn Tà Thiết là nơi đứng chân của Bộ Chỉ huy Miền cho thấy các cấp chỉ huy đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, bởi Lộc Ninh là vùng giải phóng rộng lớn, là huyện giải phóng đầu tiên của miền Nam (1972), là thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là đoạn cuối đường Trường Sơn - nơi tiếp nhận và dự trữ sức người, sức của, có thế rừng rộng lớn, khí hậu ít khắc nghiệt, gây được yếu tố bất ngờ đối với địch.
Chúng tôi đến thăm Khu di tích lịch sử Bộ Chỉ huy Miền vào những ngày tháng 12 lịch sử khi cả nước đang chào đón những ngày lễ lớn của dân tộc. Khu rừng xưa nay vẫn nguyên vẹn chứng tích về một thời mưa bom bão đạn. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là căn nhà của cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Thượng tướng Trần Văn Trà nay đã về cõi vĩnh hằng nhưng khí phách, lòng yêu nước của ông vẫn còn rọi mãi cho thế hệ mai sau. Bên bàn thờ của ông, chúng tôi đọc được những vần thơ: “Ra đi hai bàn tay trắng/ Trở về một dải giang san/ Trăng xưa hạc cũ dòng sông lặng/ Mây nước yên bình thiên mã thăng”. Những vần thơ nói lên ý chí của những con người anh hùng một đời vì nước vì dân. Từ nhà cố Thượng tướng Trần Văn Trà đi khoảng 200m theo đường mòn, dưới những tán cây rừng che phủ, chúng tôi ghé thăm hội trường Bộ Chỉ huy Miền. Nghe có vẻ to tát nhưng chỉ là mái nhà đơn sơ lợp bằng một loại lá cây gọi là Trung quân. Đây là nơi đón tiếp các phái đoàn lãnh đạo cấp cao Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, Trung ương Cục để bàn kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang và triển khai các chỉ thị của Trung ương Đảng.
Dẫn chúng tôi đi thăm khu di tích căn cứ Tà Thiết, chị Trần Thị Yến - một người con quê hương Việt Bắc, bằng giọng nói trầm ấm, xúc động kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng hoạt động đầy cam go gian khổ của các đồng chí cán bộ. Chị dẫn chúng tôi thăm nhà nữ tướng Nguyễn Thị Định, người con gái Nam bộ đầu tiên được Bác Hồ phong quân hàm thiếu tướng. Nữ tướng Nguyễn Thị Định là hiện thân cho phẩm chất người phụ nữ Việt Nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang. Bà là niềm tự hào của quê hương Nam bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Cho đến hôm nay, nhiều giai thoại về nữ tướng trong những năm hoạt động ở khu rừng này vẫn làm say đắm bao trái tim của thế hệ trẻ.
Ngày nay chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, nhìn lại quá trình đấu tranh của dân tộc, sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cha ông, những người con đất Việt càng thấm thía giá trị về nền độc lập tự do của đất nước. Chiến tranh đã gây ra biết bao đau thương chết chóc và chiến tranh cũng đã làm nên lịch sử hào hùng của một dân tộc bất khuất bên dãy Trường Sơn. Việt Nam - một dân tộc yêu chuộng hòa bình nhưng luôn phải đối đầu trong thế bắt buộc với những thế lực dã tâm bành trướng. Từ hào khí Việt Bắc, Điện Biên lẫy lừng năm châu đến rừng Chiến khu Đ miền Đông gian lao mà anh dũng…, đối với người Việt Nam, đó là sự quật cường bảo vệ tự do và thắp lên ngọn đuốc hòa bình nhân loại.
Vào những ngày tháng tư lịch sử năm 1975, căn cứ Tà Thiết đã đón đoàn cán bộ cấp cao của Bộ Tổng Tham mưu do Đại tướng Văn Tiến Dũng dẫn đầu từ Buôn Ma Thuột đến để xây dựng kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Ngày 7-4-1975, tại đây đồng chí Chính ủy Phạm Hùng đã chủ trì cuộc họp quan trọng, đánh giá tình hình, quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm giải phóng Sài Gòn với phương châm “phải thần tốc, thần tốc, toàn thắng, nhất định toàn thắng”. Cũng tại hội trường này, ngày 8-4-1975, đồng chí Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị đã phổ biến nghị quyết của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định gồm: Tư lệnh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Chính ủy Phạm Hùng; Phó Tư lệnh gồm các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện. Để có một tên gọi xứng tầm với chiến dịch lớn này mang ý nghĩa nhất, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bộ Chỉ huy Miền đã đề nghị Trung ương đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh. 19 giờ ngày 14-4-1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã nhận được bức điện số 37/TK do Tổng Bí thư Lê Duẩn ký: “Đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
KIẾN GIANG - ĐÌNH HẬU