Tác động từ thu hút FDI đến sự phát triển kinh tế

Cập nhật: 19-09-2012 | 00:00:00

Bài 1: Bức tranh tổng thể qua hơn 20 năm

Bài 2: Tác động từ thu hút FDI đến sự phát triển kinh tế

Qua hơn 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Bình Dương, đến nay nguồn FDI có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và tác động tích cực để nhiều mặt thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc đóng góp ngân sách, tạo việc làm cho người lao động, gia tăng xuất khẩu, nguồn FDI còn góp phần mở rộng thị trường, chuyển giao công nghệ mới và  tăng tính hội  nhập...

Đóng góp ngân sách, gia tăng công nghệ

Bên cạnh tác động về mặt kinh tế, nguồn FDI còn tác động tích cực đến nhiều mặt của xã hội, đến nay đã tạo công ăn việc làm cho 473.097 lao động trực tiếp và hàng trăm ngàn lao động gián tiếp. Qua đó góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống một bộ phận trong cộng đồng dân cư, góp phần đưa mức GDP đầu người tăng lên hàng năm. Nguồn FDI từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, có tay nghề và có tác phong công nghiệp hiện đại; đồng thời nguồn FDI còn góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới...

 

Các doanh nghiệp (DN) vốn FDI đi vào hoạt động đạt hiệu quả cao đã đóng góp lớn vào nguồn ngân sách Nhà nước. Nếu năm 1997, khu vực kinh tế vốn FDI đóng góp cho ngân sách chỉ 817 tỷ đồng thì đến năm 2011, khu vực này đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước 183,2 triệu USD, chiếm khoảng 16% ngân sách tỉnh và bằng 34,22% GDP của tỉnh; xuất khẩu hơn 8,309 tỷ USD, chiếm 80,35% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh... Đầu tư nước ngoài còn tác động tích cực đến các cân đối lớn của nền kinh tế như cân đối ngân sách, cải thiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế thông qua việc chuyển vốn vào Việt Nam và mở rộng nguồn thu ngoại tệ gián tiếp qua khách quốc tế, tiền thuê đất, tiền mua máy móc và nguyên vật liệu. Bên cạnh đó, các DN FDI còn góp phần nâng cao năng lực sản xuất cho ngành công nghiệp Bình Dương, thành phần kinh tế này không những chiếm tỷ trọng cao mà còn có xu hướng tăng lên đáng kể trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp theo đó đã tăng từ 43,91% năm 1997 lên 55,93% vào năm 2001, đến cuối năm 2011 tăng lên 67,4% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Trong năm 2012 này, trước tác động không thuận lợi của tình hình suy thoái kinh tế thế giới nhưng nhờ nguồn FDI, Bình Dương vẫn đạt được giá trị sản xuất cao với tổng giá trị lên đến 58.493 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 11,1% so cùng kỳ năm trước.  

Doanh nghiệp từ nguồn vốn FDI trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động

Nhận định của ông Lê Việt Dũng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế. Lý giải điều này, ông Dũng cho rằng trong những năm bắt đầu thời kỳ đổi mới khi nguồn vốn đầu tư trong nước còn hạn chế thì Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành kịp thời, qua đó đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của địa phương. Nên có thể nói thu hút FDI đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần đắc lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh trên đường phát triển.

Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Trần Văn Liễu, cũng cho rằng FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. Theo ông Liễu, trong thời gian qua vốn FDI đóng một vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và cho ngành công nghiệp nói riêng, trong đó từng bước trở thành nguồn đầu tư quan trọng, góp phần phát triển các ngành công nghiệp và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhiều công trình lớn đã hoàn thành đưa vào sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư, nhiều công trình trọng điểm làm cơ sở cho tăng trưởng giai đoạn sau đó được khởi công và đẩy nhanh tiến độ. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của khu vực kinh tế có vốn FDI cao hơn mức tăng trưởng công nghiệp chung của cả tỉnh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ý kiến chung của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý các KCN đều cho rằng, nguồn FDI đã tạo nhiều ngành công nghiệp mới và tăng cường năng lực của nhiều ngành công nghiệp hóa chất, ô tô, xe máy, thép, điện tử và điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may... Trong những năm đầu có Luật Đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như: chế biến gỗ, sản xuất đũa tre, sản phẩm cao su... Tuy nhiên, những năm sau này và đến nay, vốn FDI tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, như: sản xuất hàng linh kiện điện tử, phụ tùng xe ô tô, xe máy, sản xuất nhựa PVC, kính cao cấp, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa...

Mở rộng thị trường, thúc đẩy hội nhập

Nhìn nhận từ ngành chức năng, nguồn FDI còn góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Bình Dương và phát triển một số ngành kinh tế quan trọng như cơ khí chế tạo điện tử, tin học, ô tô, xe máy... Nhìn chung, trình độ công nghệ của khu vực FDI cao hơn hoặc bằng các thiết bị tiên tiến đã có trong nước và tương đương các nước trong khu vực. Ngoài ra, khu vực FDI còn góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế. Nhiều công nghệ mới đã nhập vào tỉnh như lắp ráp sản xuất ô tô, sản xuất tổng đài điện thoại kỹ thuật số, sản xuất cáp quang, dây chuyền tự động lắp ráp hàng điện tử... Phần lớn trang thiết bị này có trình độ bằng hoặc cao hơn các thiết bị tiên tiến đã có trong nước. Qua đó giúp các DN tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng đạt tiêu chuẩn Việt Nam, một số đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn FDI còn tác động đến các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế. Bên cạnh tạo sự an tâm bỏ vốn đầu tư qua việc tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, nguồn FDI có tác động lan tỏa thông qua sự liên kết giữa DN có vốn FDI với các DN trong nước. Từ đó công nghệ và năng lực kinh doanh được chuyển giao từ DN có vốn FDI cho DN trong nước. Mặt khác, các DN FDI cũng tạo động lực giúp DN trong nước nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Vấn đề quan trọng đó là nguồn vốn FDI góp phần giúp Bình Dương hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế. Theo Sở Công Thương, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh, cao hơn mức bình quân chung của các loại hình đầu tư trong nước và đóng góp quan trọng vào việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2012, khu vực FDI đã xuất khẩu đạt 6,76 tỷ USD, chiếm gần 82% trên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 8,27 tỷ USD của tỉnh. Nhờ có sự chuyển giao công nghệ và kỹ năng marketing từ các công ty nước ngoài, nhiều sản phẩm của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường thế giới. Hơn nữa, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI chiếm một tỷ trọng cao trong xuất khẩu một số sản phẩm: hàng điện tử, máy tính và linh kiện, sản phẩm da giày, hàng may mặc, sản phẩm gỗ, cơ khí chính xác... Thông qua mạng lưới tiêu thụ của các tập đoàn đa quốc gia, nhiều sản phẩm sản xuất tại Bình Dương đã tiếp cận được với các thị trường quốc tế. Ngoài việc góp phần quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu vào 193 quốc gia và vùng lãnh thổ, sự tham gia của nguồn FDI giúp các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây; cụ thể như năm 2011, kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện điện tử đạt đến 271,3 triệu USD; dây điện và cáp điện àaåt 266,3 triïåu USD...

Bên cạnh những tác động tích cực về mặt kinh tế, nguồn FDI cũng gián tiếp có những đóng góp tích cực trong việc đổi mới cơ chế quản lý, cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như kích thích các ngành dịch vụ phục vụ FDI ở Bình Dương phát triển; đồng thời góp phần hình thành và phát triển nhiều khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Nhờ vậy, đến nay Bình Dương nức tiếng về đơn giản hóa trong thủ tục hành chính công; cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm... được đầu tư hiện đại và kết nối thông suốt; đặc biệt là những khu công nghiệp được quy hoạch đồng bộ thuộc hàng tốt nhất nước và bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là hiệu quả từ sự góp phần của nguồn FDI nhưng cũng là tiền đề tạo lực tiếp tục lý giải vì sao trong giai đoạn tình hình không thuận lợi như hiện nay mà nguồn FDI vẫn “chảy” mạnh vào Bình Dương.

Bài 3: Bình Dương dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài

TRỌNG MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên