Tác giả Nguyễn Luông: Còn khán giả nghe vọng cổ - cải lương đã là hạnh phúc

Cập nhật: 01-04-2015 | 11:24:31

Trong sân khấu cải lương, giới mộ điệu có thể kể vanh vách tên của những tuồng hay, những vỡ diễn “vang danh một thời”, song rất ít người có thể nhớ được soạn giả đã “sinh ra” những tác phẩm nghệ thuật ấy. Họ giống như những con tằm nhả tơ, thầm lặng đóng góp phía sau ánh đèn sân khấu. Tác giả Nguyễn Luông là một trong số đó...

Nguyễn Luông (ảnh) sinh năm 1945, tại Long An. Sau khi học hết phổ thông, vì đam mê cải lương, ông xin vào đoàn hát, đi khắp nơi để phục vụ bà con. Công việc ban đầu của ông là bán vé, phân vai và nhắc tuồng cho nghệ sĩ, vì lúc đó ông không biết hát và cũng chẳng biết sáng tác. Chỉ sau một thời gian ngắn theo đoàn, ông thuộc làu các vở diễn. Thấy vậy, soạn giả Văn Trung (Đoàn Thành Công - Ngọc Trinh) đã nhận Nguyễn Luông làm đệ tử. Đầu tiên, ông chỉ viết những bài vọng cổ ngắn. Sau đó, một số vở cải lương của ông cũng được dàn dựng và biểu diễn.“Niềm vui lớn của một tác giả là bài hát hay vở diễn của mình sáng tác đến được với khán giả. Những đứa con tinh thần ấy còn có người thích nghe, còn có người nhớ là một hạnh phúc rất lớn”. Tác giả Nguyễn Luông đã mở đầu câu chuyện như vậy khi tôi tìm gặp ông vào một ngày cuối tháng 3.

Sau giải phóng, Nguyễn Luông về làm rễ đất Bình Dương và gắn bó với quê hương thứ hai từ đó đến nay tại phường Đông Hòa, TX.Dĩ An. Cuộc sống gia đình với nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến ông không còn thời gian sáng tác. Song cải lương với Nguyễn Luông dường như là cái nợ khó dứt. Năm 1996, Nguyễn Luông bắt đầu tham gia vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sông Bé. Từ đây, các tác phẩm của ông đưa đến khán giả đều đặn hơn. Đến giờ, kho tư liệu sáng tác của ông ở thể loại vọng cổ lên đến vài trăm bài. Trong đó có thể kể đến những sáng tác gắn liền với tên tuổi Nguyễn Luông như: Xuân trên đồi bằng lăng (ca ngợi anh em ở trạm phát sóng Bà Rá), Sống đời và nhánh lan rừng (chuyện tình đẹp giữa cô gái Stiêng và chàng trai công nhân thủy điện Thác Mơ). Đây là những bài vọng cổ từng được nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Minh Vương, Kim Tử Long, Thoại Mỹ biểu diễn.

Năm 2000, Nguyễn Luông ghi lại dấu ấn với tác phẩm “Kiếp làm phu” (giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật do Công ty Cao su Dầu Tiếng tổ chức).

Với những đóng góp không ngừng cho nền nghệ thuật cải lương, năm 1999, tác giả Nguyễn Luông đã vinh dự nhận huy chương Vì sự nghiệp văn học quần chúng do Bộ Văn hóa - Thông tin trao tặng. Mới đây, ông cũng nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật tỉnh của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1084
Quay lên trên