Tác hại từ thực phẩm có chứa DEHP

Cập nhật: 09-07-2011 | 00:00:00

Vừa qua, trước thông tin về những sản phẩm, phụ gia thực phẩm của một số công ty Đài Loan có liên quan đến việc nhiễm DEHP đang lưu hành trên thị trường, dư luận XH đang rất xôn xao, lo lắng nhất là sự quan tâm của các đối tượng tiêu dùng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh.

 - Chất DEHP là gì và có hại đối với sức khỏe con người như thế nào, thưa ông?

- DEHP là tên viết tắt của Bis (2-ethylhexyl) phthalate, tên gọi khác là Dioctyl phthalate (viết tắt DOP), là một hợp chất hữu cơ lỏng, nhớt, không màu, hòa tan trong dầu, không tan trong nước, có công thức C6H4 (C8H17COO)2. DEHP được sản xuất với số lượng lớn để sử dụng như một chất làm dẻo nhựa PVC, được sử dụng trong công nghiệp xây dựng, bao bì và các thiết bị y tế, như ống truyền máu và lọc máu.

Các nghiên cứu ảnh hưởng của DEHP trên sức khỏe con người được thực nghiệm phần lớn trên động vật thí nghiệm và cho thấy DEHP có tác dụng như một estrogen nội tiết tố giống cái, có thể dẫn đến sẩy thai, phát dục sớm ở giống cái, kém phát triển sinh dục và giảm số lượng tinh trùng ở giống đực. Các nghiên cứu này cũng cho thấy DEHP có khả năng gây khối u gan ở chuột, nhưng không thấy tác dụng đó trên gan của heo, khỉ.

- Hàng loạt các sản phẩm khác cũng bị nghi nhiễm DEHP ở các tỉnh, thành lân cận, thì công tác thanh kiểm tra ở Bình Dương như thế nào?

- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, ngành y tế phối hợp với Sở Công Thương thành lập đoàn thanh, kiểm tra nhằm giám sát phát hiện và thu hồi các sản phẩm có chứa DEHP từ ngày 1-6 đến ngày 30-6-2011. Kết quả, phát hiện 3 mẫu nghi ngờ có chứa chất DEHP đã được báo cáo Cục ATVSTP xác minh và đã công bố tên sản phẩm trên website của Cục ATVSTP vừa qua. Hiện nay, các sản phẩm có DEHP đã được các doanh nghiệp tổ chức thu hồi hoàn tất và đoàn thanh, kiểm tra cũng không phát hiện còn sản phẩm có DEHP theo danh sách công bố của Cục ATVSTP trên thị trường tỉnh Bình Dương.

 Sản phẩm rau câu thạch khoai môn của New Choice Foods nghi ngờ nhiễm DEHP đã được thu hồi

- Trước những phản ánh về sản phẩm rau câu, thức uống đóng lon, siro... không bảo đảm ATVSTP. Vậy về phía Chi cục ATVSTP có những khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng để bảo đảm ATVSTP như hiện nay?

- Chất DEHP nói riêng và các hóa chất độc hại khác để có ảnh hưởng đến sức khỏe phải có quá trình tiếp xúc lâu dài với một hàm lượng nhất định vượt quá khả năng đào thải của cơ thể. Hiện nay, các sản phẩm có chất DEHP đã được thu hồi hoàn tất và trên thị trường không còn các sản phẩm này. Đài Loan sẽ phải có trách nhiệm thông báo các hậu quả và trách nhiệm đối với 70 quốc gia có nhập khẩu hàng của Đài Loan.

Trước mắt, người tiêu dùng đừng quá lo lắng, nên ăn uống thức ăn được chế biến trực tiếp từ thực phẩm tươi sống, không sử dụng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc thực phẩm lạ khi chưa rõ thực phẩm có độc hay không.

T.PHƯƠNG (thực hiện)

Các nghiên cứu cho thấy DEHP có tác dụng như một estrogen nội tiết tố giống cái, có thể dẫn đến sẩy thai, phát dục sớm ở giống cái, kém phát triển sinh dục và giảm số lượng tinh trùng ở giống đực. Các nghiên cứu này cũng cho thấy DEHP có khả năng gây khối u gan ở chuột, nhưng không thấy tác dụng đó trên gan của heo, khỉ. Từ các nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xác định ngưỡng NOAEL (No observedadverse effect level - Mức ảnh hưởng không quan sát được) là 2,5mg/kg trọng lượng cơ thể. Nghĩa là chưa có bằng chứng khoa học để kết luận DEHP có gây ảnh hưởng đến sức khỏe đối với 1 người hấp thụ dưới 2,5mg DEHP/kg trọng lượng cơ thể. TDI (TolerableDaily Intake - Mức hấp thụ mỗi ngày có thể chấp nhận được) theo quy ước 1% NOAEL là 25 µg/kg trọng lượng cơ thể. Trên thế giới, DEHP không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ chỉ cho phép ô nhiễm DEHP có trong nước và các thực phẩm chứa nước ở giới hạn rất thấp, giới hạn trong nước uống là 6 ppb (6µg/l). Ở Việt Nam, chất DEHP không có trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm và hiện nay Bộ Y tế đã có quy định về giới hạn hàm lượng ô nhiễm DEHP trong thực phẩm rắn là 1,5mg/kg và thực phẩm lỏng là 1,5mg/l.

Chất tạo đục là hỗn hợp một số phụ gia thực phẩm nhằm để tăng độ huyền phù, giữ hương vị và màu của sản phẩm. Sự cố DEHP có trong phụ gia chất tạo đục là do nhà sản xuất phụ gia thực phẩm ở Đài Loan đã cố ý đưa chất DEHP vào chất tạo đục thay vì phải dùng tinh chất dầu cọ hoặc dầu mè vốn đắt tiền hơn.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=563
Quay lên trên