Sáng nay tuyến đường ra vào cầu Bình Triệu bị kẹt cứng, dòng người không thể di chuyển, ôtô xếp hàng dài 4-5 km, vì cầu Bình Triệu 1 đóng cửa sửa chữa.
Đầu tuần, theo thói quen lưu thông bình thường, dòng người đổ từ nội thành ra quốc lộ 13 từ hướng cầu Bình Triệu, cửa ngõ phía đông thành phố, đều khựng lại bởi một dải phân cách chặn ngay chân cầu cấm tất cả phương tiện lưu thông.
Nhiều người đi đường Bình Triệu ra vào TP HCM sáng nay bị tắc nghẽn giao thông nhiều tiếng đồng hồ liền, đến trưa vẫn chưa giải tỏa được.
Do không được biết trước thông tin cấm qua cầu, ai nấy nháo nhào tìm cách quay đầu xe lại, một số tiếp tục lưu thông theo quán tính khiến giao thông rối loạn. Khoảng 6h sáng, giao thông khu vực gần như không thể điều tiết, tiếng còi xe inh ỏi vang khắp nơi, xe quay đầu tứ phía.
“Mọi hôm lấy bánh mì bán là 10 phút về tới cửa hàng, hôm nay tôi đi hơn một tiếng đồng hồ vẫn còn kẹt trên đường”, chị Thanh, đang chở một xe bánh mì, nói.
Cảnh sát giao thông phải tăng cường lực lượng để hướng dẫn lưu thông. Các phương tiện được quay đầu đi theo cầu Bình Triệu 2. Vốn là cầu dùng cho hướng lưu thông một chiều từ Bình Dương vào TP HCM, hôm nay cầu Bình Triệu 2 cho lưu thông hai chiều và cấm ôtô trên 16 chỗ, xe tải trên 3,5 tấn.
Tuy vậy, do lưu lượng phương tiện quá đông nên cầu Bình Triệu 2 lập tức quá tải, dòng xe mỗi lúc một đông, ùn tắc từ dưới chân cầu kéo dài đến hướng Thủ Đức và ngã tư Bình Phước.
Nhiều người đi đường Bình Triệu ra vào TP.HCM sáng nay bị tắc nghẽn giao thông nhiều tiếng đồng hồ liền, đến trưa vẫn chưa giải tỏa được.
“Lỡ biết bao nhiêu công chuyện ngày đầu tuần, chết thật!”, một bác tài vừa bước xuống ôtô, lắc đầu ngán ngẩm nói. Nhiều người kẹt trên các xe hơi cũng mở cửa xuống hỏi thăm cảnh sát giao thông nguyên nhân tắc đường. Một số người đi xe máy thì tìm trỗ trú trong những khoảng đất trống gần đó để tránh nắng chờ hết kẹt.
Dòng phương tiệc xếp hàng nhau kéo dài gần 4-5 km từ cầu Bình Triệu 2 hướng về phía Bình Dương đến gần công ty cân Nhơn Hòa. “Chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn xe để tránh ùn tắc, chứ không thể giải tỏa được vì lưu lượng xe lớn quá”, ông Thân Thành Hy, đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh nói.
Cầu Bình Triệu 1 có tuổi thọ gần 50 năm nằm trên tuyến huyết mạch từ TP.HCM đi Bình Dương theo quốc lộ 13. Hằng ngày phải gánh lượng xe lớn từ TP HCM đi các tỉnh Đông Nam bộ và ra phía Bắc, cầu Bình Triệu 1 đã xuống cấp trầm trọng, được Cục Đường bộ cảnh báo có nguy cơ sập. Cầu Bình Triệu 2 được xây dựng từ tháng 10-1998 để giảm tải cho cầu cũ và cho xe lưu thông theo chiều ngược lại.
Kể từ ngày 14 đến ngày 29-6, cầu Bình Triệu 1 cấm hầu hết ôtô lưu thông, thay vào đó cầu Bình Triệu 2 được đi lại hai chiều. Riêng xe buýt vẫn được phép qua lại. Theo Sở Giao thông vận tải, lộ trình thay thế cho các loại phương tiện giao thông bị hạn chế qua cầu Bình Triệu 2 là xe tải trên 3,5 tấn và ôtô trên 16 chỗ ngồi có nhu cầu lưu thông hướng từ quận Bình Thạnh về quận Thủ Đức, đi từ Điện Biên Phủ đến Xa lộ Hà Nội - Quốc lộ 1A - Quốc lộ 13.
Xe tải trên 3,5 tấn và ôtô trên 16 chỗ ngồi đi từ quận Thủ Đức về quận Bình Thạnh theo tuyến Quốc lộ 13 - Quốc lộ 1A - Xa lộ Hà Nội - Điện Biên Phủ.
Kể từ ngày 30-6 đến ngày 10-9, cấm các loại xe tải có trọng lượng trên 3,5 tấn và ôtô trên 7 chỗ ngồi lưu thông qua cầu Bình Triệu 1, hướng từ quận Bình Thạnh sang quận Thủ Đức. Lộ trình thay thế cho các loại phương tiện bị hạn chế như sau: Xô Viết Nghệ Tĩnh - Quốc lộ 13 - cầu Bình Triệu 2 - Quốc lộ 13.
Cầu Bình Triệu 2 cấm xe hai bánh lưu thông. Hướng từ quận Bình Thạnh về quận Thủ Đức được sử dụng cho các xe tải trên 3,5 tấn và ôtô trên 7 chỗ ngồi. Chiều ngược lại, các loại xe lưu thông bình thường.
THEO VNE