Tôi cũng như nhiều phóng viên, nhà báo khác đã được vinh dự tham gia chuyến công tác của Đoàn công tác số 7, do Quân chủng Hải quân tổ chức đến với huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào những ngày đầu tháng 5-2022. Lần đầu tiên vinh dự được tác nghiệp ở Trường Sa đã để lại trong lòng mỗi phóng viên, nhà báo nhiều cảm xúc, trải nghiệm đáng nhớ cũng như có thêm những bài học kinh nghiệm.
Phóng viên Báo Bình Dương cùng các đồng nghiệp tác nghiệp tại đảo An Bang, quần đảo Trường Sa
Cảm xúc nơi đầu sóng
Xuất phát từ Cam Ranh, sau 37 giờ giữa trùng khơi miên man sóng vỗ, tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-491 đưa chúng tôi tới các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). Phóng viên Đoàn Như Nam (Đài PT-TH và Báo Bình Phước), cho biết đây là lần đầu tiên vinh dự tác nghiệp ở Trường Sa. “Sau khi trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ, tìm hiểu những hoạt động để làm tư liệu cho những bài viết, tôi mới cảm nhận được hết, giữa mênh mông biển cả sóng nước, cuộc sống còn những khó khăn, vất vả, song các chiến sĩ ở đây có trong mình một “tinh thần thép” ngày đêm canh giữ biển, đảo, trời không gì sánh được...”, phóng viên Nam bày tỏ.
Còn phóng viên Trần Thị Thanh Xuân (Đài PT-TH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) chia sẻ, đây lần thứ 2 chị được đi tác nghiệp ở Trường Sa và Nhà giàn DK1. Dù vậy, khi chị đến đây và đặt những bước chân lên đảo, một cảm xúc như mới lần đầu lại ùa về rộn ràng, háo hức và vinh dự. “Mỗi chuyến đi, tôi đều cảm nhận được tinh thần hối hả, khắc phục những khó khăn về thời tiết nắng nóng, say sóng... nỗ lực tiếp cận thông tin, hình ảnh đẹp để có những thước phim, ảnh đẹp, nội dung sinh động phản ánh về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ đang công tác và làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa của các đồng nghiệp để nhân dân ở đất liền biết…”, chị Xuân tâm sự.
Với Trung tá, nhà báo Hoàng Ngọc Triệu, Thư ký Ban Biên tập Báo Hải quân Việt Nam, dù thường xuyên đi tác nghiệp ở Trường Sa nhưng mỗi lần đi lại đem lại cho anh những cảm xúc mới, nhiều câu chuyện thú vị để viết. “Một trong những kỷ niệm nhớ nhất, là trong chuyến đi tác nghiệp vào dịp Tết Nguyên đán 2015, tôi đến đảo Song Tử Tây có phỏng vấn và quen mấy hộ dân tại đây. Chuyến sau ra công tác (chuyến đi tháng 3) tôi gọi điện ra hỏi xem bọn trẻ con thích ăn món gì để mua ra tặng. Các cháu thích ăn bánh mì (bánh mì ổ ở trong đất liền). Tôi đã mua 100 cái, chia ra thành các bịch nhỏ, bọc giấy báo sau đó cho vào túi ny lông. Sau hơn 1,5 ngày lênh đênh trên biển, bánh mì đã đến tay gia đình và các cháu, mở ra vẫn thơm phức như vừa được lấy ở trong lò ra vậy. Lần sau có dịp quay lại công tác tiếp, mọi người ở đây vừa nhìn thấy tôi đã chào “A! Chào chú phóng viên bánh mì!”, anh Triệu kể.
Còn với tôi, đây cũng là lần đâu tiên được vinh dự tác nghiệp ở Trường Sa. Đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in không khí rộn ràng, hối hả, háo hức của buổi chiều ngày đầu tháng 5-2022 trên cầu cảng quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) mọi người làm thủ tục để lên tàu KN-491. Gần 10 ngày của hải trình đến với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi đã được tận mắt chứng kiến cuộc sống và cảm nhận tình quân dân thắm thiết ở nơi đảo xa.
Biển, đảo Trường Sa đẹp hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. Các đảo nổi Sinh Tồn Đông, An Bang, Trường Sa Lớn... không khác gì những làng quê thanh bình ở đất liền với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, những ngôi chùa có mái cong vút, hàng cây xanh mát, những vườn rau xanh tốt...
Những trải nghiệm không thể quên
Khác hẳn với điều kiện tác nghiệp ở đất liền, cánh phóng viên chúng tôi khi tác nghiệp tại Trường Sa, nhất là những phóng viên mới đi lần đầu như tôi, gặp nhiều khó khăn hơn vì điều kiện thời tiết ở đây rất khắc nghiệt nắng nóng.Việc di chuyển từ tàu bằng xuồng nhỏ vào đảo và nhà giàn gặp nhiều khó khăn do sóng lớn, lịch trình làm việc dày đặc, thời gian thăm đảo diễn ra không nhiều nên việc tác nghiệp cũng rất gấp gáp, chóng vánh... Ở trên tàu hay lên đảo thì lúc nào cánh phóng viên cũng phải “căng mình” mới “theo kịp” được những khoảnh khắc cảm xúc, tất bật phỏng vấn, ghi nhận thông tin làm tư liệu để viết những tác phẩm báo chí sau này.
Tác nghiệp ở Trường Sa khó khăn hơn nhiều so với đất liền, mọi thứ đồ dùng phục vụ cho việc tác nghiệp cần phải chuẩn bị trước thật kỹ lưỡng ngay ở đất liền trước khi lên tàu. Cái khó nữa là do thời gian vào thăm đảo có hạn chỉ gói gọn khoảng 3 tiếng đồng hồ, trong khi nhiều hoạt động cần phải ghi hình, chụp hình, phỏng vấn thông tin... Do vậy, phóng viên phải có kế hoạch, dự định chủ đề, những nội dung, thông tin cần tìm hiểu phỏng vấn..., khi lên tới đảo phải tranh thủ “chộp ngay” cán bộ, chiến sĩ để khai thác thông tin thì mới kịp.
Qua những lần trò chuyện, phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ đã giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn về những người lính biển. Dù nơi đầu sóng ngọn gió, họ luôn có tinh thần lạc quan, yêu đời, bền lòng, vững chí, sẵn sàng chiến đấu hy sinh với quyết tâm “còn người, còn đảo”, “còn người, còn nhà giàn”.
Chuyến đi Trường Sa tuy vất vả nhưng chúng tôi ai cũng cảm thấy tự hào khi được làm những “nhịp cầu” nối Trường Sa lại gần hơn với đất liền…
ĐỖ TRỌNG