Tác phẩm “Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản” của Lênin và sự nghiệp xây dựng Đảng ta hiện nay

Cập nhật: 21-01-2024 | 10:27:21

(BDO) Ngày 21-1-2024 tròn 100 năm ngày mất của  V.I.Lênin, nhà lý luận, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, lao động Nga và toàn thế giới. Với 54 năm tuổi đời, 40 năm hoạt động cách mạng, Lênin đã để lại kho tàng lý luận vô giá, gồm 56 tập sách (tiếng Việt). Để tưởng nhớ tới Lênin vĩ đại, chúng ta cần quán triệt, vận dụng sáng tạo những nguyên lý mà Người để lại.

Theo đó, xin khái quát những nguyên lý cốt lõi của tác phẩm “Bệnh ấu trĩ “tả khuynh” trong phong trào cộng sản” (gọi tắt là tác phẩm) và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng Đảng ta hiện nay.

 Đoàn công tác tỉnh Bình Dương tặng quà cán bộ, chiến sĩ Trạm 625, Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân. Ảnh: Thu Thảo

Những giá trị cốt lõi của tác phẩm

Tháng 5-1918, Lênin viết tác phẩm nhằm phê phán sai lầm của phái “tả” trong nội bộ đảng Bôn-sê-vích Nga. Tác phẩm dày 129 trang, gồm 10 mục chính và 5 mục bổ sung (V.I.Lênin TT, tập 41, Hà Nội 2006), hoàn thành ngay trước khi khai mạc Đại hội II của Quốc tế cộng sản (CS). Tác phẩm được coi là “phát triển sáng tạo” lý luận về xây dựng đảng kiểu mới, là “sách để đầu giường” của lãnh tụ các đảng CS.

Những nội dung cốt lõi của tác phẩm, gồm: Thứ nhất, Lênin đã dành 4 mục để tổng kết kinh nghiệm thành công của chủ nghĩa Bôn-sê-vích thông qua lịch sử đấu tranh của đảng CS (B) Nga. Trong đó nổi lên mấy nguyên lý quan trọng: Một là, đảng phải tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác, phải thường xuyên trau dồi để nắm vững và vận dụng sáng tạo học thuyết Mác vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng; hai là, đảng phải giữ vững mối liên hệ thường xuyên với quần chúng nhân dân và các tổ chức của họ, phải bằng mọi cách lôi kéo quần chúng, tranh thủ các tổ chức của họ để vận động các mục tiêu của đảng; ba là, đảng phải kiên quyết đấu tranh chống bọn tư sản phản động, bọn cơ hội hữu khuynh, nhưng phải bằng những sách lược hết sức mềm dẻo, linh hoạt; bốn là, V.I.Lênin đã phát triển lý luận mới về chuyên chính vô sản (VS), về liên minh công - nông và về việc giữ vững sự lãnh đạo của đảng CS với chuyên chính VS và khối liên minh công - nông trong suốt quá trình cách mạng XHCN.

Người nhấn mạnh, không có sự lãnh đạo của đảng CS với chiến lược, sách lược đúng đắn thì cách mạng VS không thể nổ ra và thắng lợi được. Khi đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng CNXH thì phải giữ vững vai trò lãnh đạo của đảng trong hệ thống chuyên chính VS.

Thứ hai, thông qua việc phân tích quan điểm về cách mạng VS và vai trò của những người CS tại Anh, Đức, Ý… Lênin đã phát triển nguyên lý kết hợp tính dân tộc và tính quốc tế trong cách mạng VS của học thuyết Mác. Người cũng phê phán nghiêm khắc những sai lầm tả khuynh, như: Tệ sùng bái cá nhân lãnh tụ; sự nguyên tắc cứng nhắc trong hoạch định các sách lược; phê phán những biểu hiện cơ hội, sai lầm tả khuynh, coi “tả” là căn bệnh ấu trĩ cần khắc phục ngay.

Người nhấn mạnh: “Những người tả chỉ nói cách mạng chứ không làm cách mạng”. Lênin yêu cầu những người CS cần triệt để chống lại chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa giáo điều trong chính trị.

Thứ ba, đề ra những nguyên tắc xây dựng đảng trong điều kiện mới, nhấn rất mạnh vai trò kỷ luật trong đảng. Đảng phải có kỷ luật nghiêm minh, chặt chẽ mới giữ được khối đoàn kết nội bộ, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất, tăng cường được sức chiến đấu của đảng để chiến thắng được mọi kẻ thù. Người viết: “Những người Bôn-sê-vích sẽ không giữ vững được chính quyền, tôi không nói được tới hai năm rưỡi, mà ngay cả đến hai tháng rưỡi cũng không được nữa, nếu đảng ta không có kỷ luật hết sức nghiêm minh, kỷ luật sắt thực sự”.

Lênin nêu ba điều kiện để giữ kỷ luật trong đảng: Sự giác ngộ và lòng trung thành, tinh thần kiên cường, tính hy sinh và chí khí dũng cảm của đội tiên phong; đội tiên phong biết liên hệ, gần gũi, hòa mình với quần chúng rộng rãi; đội tiên phong có sự lãnh đạo chính trị, có chiến lược và sách lược đúng đắn và được quần chúng tin tưởng.

Lênin coi tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc căn bản để bảo đảm sự tồn tại, phát triển của đảng. Vì, trong lãnh đạo, đảng không tránh khỏi mắc sai lầm, khuyết điểm. Theo Người, các đảng CS phải có thái độ đúng đắn trong việc nhận ra sai lầm, khuyết điểm đó: “Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đã đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy - đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình, đó là giáo dục và huấn luyện giai cấp, quần chúng”. Mỗi đảng viên CS phải thường xuyên thực hiện tốt tự phê bình.

Lênin viết: “Người thông minh không phải là người không phạm sai lầm... Người nào phạm sai lầm mà không nặng lắm và biết sửa chữa một cách dễ dàng và nhanh chóng thì người đó là người thông minh”. Và, nếu “cứ giữ mãi sai lầm, đi sâu thêm để bào chữa cho nó, đưa nó đến chỗ tột cùng thì từ một sai lầm nhỏ, người ta luôn luôn có thể làm cho nó thành một sai lầm lớn ghê gớm”.

Giá trị thời sự của tác phẩm với sự nghiệp xây dựng Đảng ta

Trong lịch sử vẻ vang hơn 93 năm qua, Bác Hồ, các thế hệ lãnh đạo và đa số đảng viên của Đảng ta luôn trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo nhân dân đạt nhiều thắng lợi vĩ đại trong giành và giữ độc lập, đưa nước ta đi lên CNXH.

 Đoàn Thanh niên địa phương của tỉnh Bình Dương trao tặng quà tại tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Thu Thảo

Đảng ta luôn coi trọng xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh trên cả ba mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức, trong đó xây dựng Đảng về chính trị là quan trọng hàng đầu. Xây dựng Đảng về chính trị là tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng cương lĩnh, đường lối, chiến lược, sách lược đúng đắn, phù hợp yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Điển hình như, để đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới, Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đã bổ sung và thông qua tại Đại hội lần thứ XI.

Với bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng, Cương lĩnh đã, đang và sẽ bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng XHCN đạt nhiều thắng lợi.

Tuy nhiên, hơn 93 năm qua, Đảng ta cũng mắc những thiếu sót, có lúc “tả khuynh”, dẫn đến những hạn chế nhất định. Một số đảng viên, có cán bộ cao cấp, phạm sai lầm, cơ hội, cá nhân chủ nghĩa, làm giảm sức chiến đấu của tổ chức, mất uy tín của Đảng, mất niềm tin của nhân dân ở những vụ việc và thời kỳ cụ thể. Vì vậy, trong “Sửa đổi lối làm việc” tháng 10-1947, Bác Hồ viết: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Theo TTXVN ngày 27-12-2023, từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay, Đảng đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Ngành thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân; đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Năm 2023, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 183 tổ chức Đảng và 6.302 đảng viên, có 1.975 cấp ủy viên; trong đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 29 tổ chức Đảng và 65 đảng viên.

Có thể thấy, ngay từ 104 năm trước, Lênin đã nhận ra và cảnh báo về những nguy cơ, sai lầm mà các đảng CS dễ mắc trong lãnh đạo cách mạng, nhất là khi đảng cầm quyền. Các biện pháp sửa chữa sai lầm, củng cố, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh mà Người nêu ra vẫn rất có giá trị trong tình hình của đảng ta hiện nay. Thiết nghĩ, trong hai năm còn lại thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và đại hội Đảng các cấp, các cấp ủy, cán bộ chủ chốt nên nghiên cứu lại tác phẩm, quán triệt những nguyên lý của V.I.Lênin vào chương trình hành động; đồng thời vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết của Trung ương Đảng để đạt kết quả cao trong mọi hoạt động, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra.

 Thực hiện di huấn của Lênin và Bác Hồ, Đảng ta đã nghiêm khắc tự phê bình, nhận rõ những sai lầm, thiếu sót để tích cực sửa chữa. Trong ba kỳ đại hội gần đây, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã đẩy mạnh xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; quyết liệt thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã tổ chức 3 hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ban hành trên 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng; Chính phủ, Thủ tướng ban hành 335 nghị định, 86 quyết định; các bộ, ngành ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực.

Việc xuất bản, quán triệt cuốn “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. 

    Phó Giáo sư - Tiến sĩ BÙI TRUNG HƯNG (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên