Theo đà phát triển công nghiệp và đô thị, xử lý rác thải là nhu cầu không thể thiếu để ổn định an sinh xã hội ở Bình Dương. Đáp ứng yêu cầu đó, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) đã mạnh dạn đầu tư các thiết bị tái chế chuyên sâu, vừa tạo ra sản phẩm xanh phục vụ xã hội, vừa hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải trên địa bàn.
Từ chất thải rắn, công nhân KLH xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đã sản xuất gạch các loại phục vụ thị trường
Những nguồn lợi từ rác
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Lui, Phó Tổng Giám đốc Biwase, cho biết qua 9 năm hoạt động, đến nay Khu Liên hợp (KLH) xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đã đầu tư đầy đủ các hạng mục để xử lý chất thải, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Theo số liệu thống kê mỗi ngày, toàn tỉnh thải ra khoảng 850 tấn rác sinh hoạt và 100 tấn rác công nghiệp, trong đó 90% lượng rác đô thị, rác từ các khu công nghiệp và các cụm sản xuất trên địa bàn khu vực Nam Bình Dương được thu gom kịp thời chuyển khỏi khu vực phát sinh đưa đi xử lý ở nhà máy xử lý rác.
Từ rác thải, thời gian qua, KLH xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đã tiến hành phân loại, tái chế, tái sử dụng, tạo ra nhiều sản phẩm xanh để phục vụ xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT). Cụ thể, rác sinh hoạt sau khi phân loại được sản xuất ra phân compost, NPK phục vụ cây trồng cho địa phương và các tỉnh lân cận. Nước rỉ rác được xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn loại A, rác công nghiệp, công nghiệp nguy hại chủ yếu là phối trộn để đốt như giẻ lau, bùn thải các nhà máy xử lý nước thải, cao su đế giày, rác, cặn sơn... Sau khi đốt, xỉ tro được phối trộn vào bê tông tươi, gạch tự chèn, giải quyết triệt để rác sau khi xử lý thành những vật liệu xây dựng có ích như bê tông tươi, gạch tự chèn, gạch 4 lỗ...
Ông Lui nói, từ nguồn rác thải tưởng chừng bỏ đi nhưng sau khi tái chế, chúng trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống con người. Quan trọng hơn, tái chế, tái sử dụng từ rác đã góp phần giảm thiểu tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo sự phát triển bền vững cho Bình Dương trong tương lai.
Còn nhiều cái khó
Hiệu quả của việc tái chế, tái sử dụng tạo ra sản phẩm, đem lại lợi ích cho xã hội ngày càng thể hiện rõ rệt. Tuy nhiên, theo ông Lui thì thực tế hiện nay, do ý thức của người dân còn hạn chế nên việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn còn nhiều cái khó. Vì vậy, sau khi thu gom rác về KLH để tái chế, chi phí nhân công phục vụ cho công tác phân loại rác sinh hoạt, rác công nghiệp nhiều, từ đó đã kéo theo chi phí giá thành của sản phẩm cao.
Trước tình hình đó, ông Lui đề nghị các cấp, các ngành phối hợp đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân cùng chung tay BVMT, cụ thể là vận động người dân phân loại rác tại nguồn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nên trang bị nhiều pô rác trên một điểm, trong đó có pô chứa rác thải sinh hoạt, có pô chứa rác công nghiệp; thậm chí xe vận chuyển cũng phải tính đến phân loại rác tại nguồn sao cho hiệu quả. Được như vậy, mọi chi phí đầu vào sẽ giảm và giá thành của sản phẩm xanh được tái chế, tái sử dụng cũng sẽ thấp hơn.
Về chính sách vĩ mô, ông Lui cho rằng để công tác tận thu tái chế, tái sử dụng có hiệu quả hơn nữa, Nhà nước cần ban hành nhiều chính sách phù hợp, chẳng hạn như miễn giảm thuế, đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp làm công tác này. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng hợp lực chung tay BVMT từ sản phẩm xanh, như tuyên truyền, khuyến khích họ sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm này.
Có thể nói, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, KLH xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương với công suất 420 tấn/ngày, xử lý nước rỉ rác với công suất 480m3/giờ và khu xử lý rác công nghiệp, rác công nghiệp nguy hại có công suất 500 tấn/ngày luôn được đánh giá cao, bởi hiệu quả xã hội mang lại rất lớn, đó là tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm quỹ đất, làm ra sản phẩm xanh và BVMT. “Nếu được Nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách vĩ mô thiết thực, song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BVMT bằng mọi hình thức phân loại rác tại nguồn, sử dụng sản phẩm tái chế thì BVMT để phát triển bền vững ở Bình Dương chắc chắn sẽ đến trong tương lai gần”, ông Lui cho biết thêm.
Khuôn viên khu xử lý rác được quy hoạch hợp lý từng khu chức năng khang trang sạch đẹp, đúng nghĩa là KLH tái chế rác. Mùi phát sinh trong KLH không đáng kể, tất cả xe vận chuyển rác ra khỏi KLH đều phải rửa sạch, đây là điều bắt buộc. Bằng những việc làm có trách nhiệm với môi trường nên KLH xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương đã nhận được nhiều lời ngợi khen.
MAI HUY