Tái diễn tình trạng lừa đảo người lao động – Bài 1

Cập nhật: 21-03-2016 | 08:42:11

Bài 1: Sập bẫy vì lương “ảo”

Sau Tết Bính Thân, nhận thấy nhu cầu tìm việc tăng cao, nhiều đối tượng tự đặt tên công ty, in số điện thoại lên tờ rơi rồi dán trên trụ điện để tuyển dụng lao động với mức lương hấp dẫn. Thực ra đây là thủ đoạn lừa đảo người tìm việc được “xào đi xào lại” và khiến nhiều nạn nhân sập bẫy. P.V Báo Bình Dương đã vào cuộc điều tra, vạch trần những đường dây lừa đảo này.

Lương… “ảo”

Năm 2015, Báo Bình Dương đã đăng loạt bài phóng sự điều tra với nhan đề “Lập công ty lừa đảo người lao động”, phản ánh hàng loạt công ty “ma” được lập tại khu vực TX.Dĩ An, TX.Thuận An nhằm lừa đảo người tìm việc. Sau khi báo phản ánh sự việc trên, ngành chức năng đã quyết liệt vào cuộc điều tra, chính quyền cơ sở, Câu lạc bộ Chủ nhà trọ ở các địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền về hành vi, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng xấu đến người ở trọ tại địa phương. Từ đó, nhiều người lao động đã “né” được những chiêu lừa của các đối tượng trong Công ty Đại Dương, Công ty TNHH Hoàng Anh… Hiện nay, những tờ rơi của các công ty lừa đảo bị báo chí phanh phui không còn xuất hiện trên thị trường lao động.

Tuy nhiên, do nắm bắt được cung cầu lao động sau Tết Bính Thân 2016, nhiều đối tượng tự “khai sinh” ra tên công ty, như: Công ty Nghị Lực, Công ty bốc xếp dỡ hàng hóa Hoàng Long… để trục lợi bất chính bằng việc yêu cầu người lao động đóng tiền cọc, sau đó bội ước hợp đồng sử dụng lao động. Theo tìm hiểu của P.V, trong thời gian gần đây, nhiều đối tượng trong các “công ty ma” này đã tinh vi hơn trong việc thực hiện hành vi tuyển người, cho đến việc giở trò khi bị nạn nhân đòi lại tiền cọc.


Từ những tờ rơi này, nhiều nạn nhân đã sập bẫy lừa của các đối tượng lừa đảo người lao động

Từ thông tin trên Facebook, anh Lữ Văn Dũng (SN 1984, quê Nghệ An) đã đón xe vào TP.Hồ Chí Minh để nhận công việc bốc xếp hàng hóa với mức lương 350.000 đồng/ngày. Khi xuống xe tại ngã tư An Sương (TP.Hồ Chí Minh), Dũng được đưa về văn phòng của công ty tuyển dụng lao động nhưng không hề treo bảng hiệu gần ngã tư An Sương để nhận việc. Tại đây, Dũng phải đóng 400.000 đồng để được ký hợp đồng. Sau đó, Dũng được giới thiệu đến bến bãi trung chuyển hàng hóa của Công ty TNHH M.K.P tọa lạc trên tuyến đường ĐT743, thuộc KP.Bình Đáng, phường Bình Hòa, TX.Thuận An để nhận việc. Điều đáng nói là sau khi được tiếp nhận công việc tại kho hàng này anh Dũng mới biết mình bị lừa tiền cọc. Anh cho biết: “Tiền công 350.000 đồng/ ngày được bọn chúng quảng cáo trên tờ rơi là “ảo”. Khi tiếp nhận công việc, người tổ trưởng ở kho hàng này đã thu lại bản hợp đồng không có dấu mộc và cho rằng công việc bốc xếp của tôi chỉ làm ăn theo sản phẩm là 25.000 đồng/tấn bánh kẹo, nước ngọt chứ không phải là 350.000 đồng/ ngày như đã thỏa thuận trước đó. Nếu một người khỏe mạnh, làm hết sức chỉ được 50.000 đồng/ ngày mà thôi. Khi tôi đòi lại bản hợp đồng thì người tổ trưởng ở kho hàng này quát tháo và kiên quyết không trả lại bản hợp đồng để tôi làm cơ sở đòi lại tiền cọc”.

Tương tự, theo thông tin trên tờ rơi của Công ty bốc xếp dỡ hàng hóa Hoàng Long được dán trên trụ điện ở đường ĐT743, anh Nguyễn Hữu Vinh (SN 1987, ngụ Đắk Lắk) đã liên hệ theo số điện thoại 0961.798 2… gặp người tên Long để ký hợp đồng khoán việc. Tuy nhiên, người đứng ra ký hợp đồng với anh Vinh trong một quán cà phê tại KP.Thống Nhất 1, phường Dĩ An, TX.Dĩ An không phải là Long mà một thanh niên tên Xuân. Tại buổi giao dịch này, hai bên đã thỏa thuận: Người nhận việc bốc xếp hàng hóa với trọng lượng từ 5 đến 17kg, hưởng lương 350.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, trong lúc nhận việc tại một kho hàng trong Khu công nghiệp Sóng Thần (phường Dĩ An, TX.Dĩ An) đã không đúng theo nội dung trong hợp đồng.

Anh Nguyễn Hữu Vinh nói trong bức xúc: “Khi tôi vừa đến nhận việc thì người tổ trưởng trong kho hàng đã đề nghị nộp lại bản hợp đồng. Nội dung trong bản hợp đồng đã không đúng với thực tế. Khi tôi điện thoại cho người tiếp nhận tôi để phản ánh sự việc thì họ trả lời là đã hết trách nhiệm! Họ nói tôi tự thỏa thuận với tổ trưởng tại kho hàng để làm việc, còn tiền cọc 400.000 đồng tôi đã đóng trước đó sẽ không được trả lại. Họ cho rằng tôi phá vỡ hợp đồng nên phải mất tiền. Lúc này bản hợp đồng do tổ trưởng kho hàng đang giữ thì kiên quyết không trả lại cho tôi. Bất lực, biết mình bị lừa nên tôi đành bỏ việc”.

Nạn nhân không dám báo công an vì sợ bị trả thù

Vì sao bị bội ước hợp đồng, bị chiếm đoạt tiền cọc nhưng nhiều nạn nhân lại không dám trình báo sự việc cho cơ quan chức năng điều tra xử lý các đối tượng này? Theo tìm hiểu của P.V, phần lớn những người lao động khi đến Bình Dương tìm việc làm phổ thông đều xuất thân trong gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, muốn có một việc làm ổn định để có tiền trang trải cho cuộc sống. Từ đó, nhiều nạn nhân sợ bị những đối tượng xấu trả thù, làm ảnh hưởng đến việc kiếm tiền gửi về lo cho cuộc sống gia đình.

Tiếp chuyện với P.V, nạn nhân Nguyễn Văn An (quê An Giang, tạm trú phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Để có được số tiền ký hợp đồng lao động với công ty tuyển dụng bốc xếp H.T, vợ tôi phải đi vay mượn, hiện cuộc sống của gia đình đang rất khó khăn. Bị bọn chúng lừa đảo nhưng tôi không dám đến cơ quan công an trình báo sự việc vì sợ bị trả thù. Thôi đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” để được yên thân mà tìm việc làm khác gửi tiền về trả nợ. Trước lúc quyết định bỏ việc bốc xếp hàng ở Khu công nghiệp Sóng Thần, tôi có điện thoại cho người ký hợp đồng lao động đòi lại tiền cọc liền bị bọn chúng hăm dọa đánh. Tôi cho rằng đây là những đối tượng du côn chuyên tổ chức lừa đảo người khác. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng sớm vào cuộc điều tra xử lý những đối tượng này để người kế tiếp không bị sập bẫy lừa của chúng”.

Tương tự, nạn nhân Trần Nhựt (25 tuổi, quê Quảng Trị), chia sẻ: “Sau khi bị nhóm người trong công ty bốc xếp Nghị Lực lừa 450.000 đồng tiền cọc, tôi đòi lại tiền và nói nếu không hoàn trả sẽ nhờ đến công an can thiệp, ngay lập tức bọn chúng hăm dọa là sẽ cho người đánh tôi. Vì sợ bọn chúng trả thù nên tôi chuyển nhà trọ và bỏ luôn ý định làm đơn trình báo sự việc với cơ quan chức năng”.

Trong khi đó ông Đặng Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Dĩ An, cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TX.Dĩ An cũng chưa tiếp nhận được đơn thư tố cáo của người dân về hành vi lừa đảo của các đối tượng tuyển dụng lao động theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. Vì thế, đơn vị cũng rất khó khăn trong công tác đấu tranh với những đối tượng lừa đảo kiểu này”.

Giữ hợp đồng để nạn nhân không có chứng cứ?

Trong thời gian xâm nhập thực tế, P.V đã tiếp xúc với nhiều nạn nhân và được họ cho biết người tổ trưởng tại các kho hàng và những đối tượng dán tờ rơi tuyển dụng là một “ê-kíp” lừa đảo người lao động. Bởi, khi tổ trưởng tại các kho hàng tiếp nhận người vào làm công việc bốc xếp, họ bắt buộc phải nộp lại bản hợp đồng nhưng lại không giải thích rõ lý do. Nhưng khi người lao động phát hiện mình bị lừa, đòi lại bản hợp đồng thì những người tổ trưởng tại các kho hàng đã lộ rõ bộ mặt du côn. “Khi chúng tôi đến nhận việc tại kho hàng của Công ty TNHH M.K.P, tổ trưởng bốc xếp tại kho này đề nghị tôi nộp lại bản hợp đồng đã ký kết với công ty tuyển dụng trước đó cho anh ấy. Người này cứ nói là giữ hộ bản hợp đồng giúp tôi nhưng khi tôi đòi lại thì họ quát tháo, lộ rõ bộ mặt du côn. Bởi, nếu lấy lại được bản hợp đồng đó thì tôi sẽ kiện họ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn bây giờ họ không chịu trả lại bản hợp đồng thì xem như không còn chứng cứ pháp lý để tôi đi kiện”, nạn nhân Lữ Văn Dũng bức xúc nói.

Bài 2: Vạch trần thủ đoạn lừa người lao động

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1065
Quay lên trên