Tái hợp sau ly hôn: Chuyện không giản đơn!

Cập nhật: 16-05-2019 | 09:07:03

Hiện nay có một thực trạng khiến nhiều cán bộ phụ nữ “đau đầu” là các cặp vợ chồng sau ly hôn lại quay về sống chung… như chưa có chuyện gì xảy ra. 

Chị Lê Ngọc Châu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 5, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một cho biết tại khu phố mình có đến 2, 3 trường hợp như vậy. Họ mâu thuẫn, cãi vã rồi ra tòa. Ra tòa xong lại quay về sống và cãi vã.

Về vấn đề này, bà Ngô Thị Liên, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết: “Trong những lần đi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho bà con tại các vùng sâu vùng xa, tôi thường gặp những trường hợp như thế này. Nhiều người tâm sự họ ly hôn rồi, về sống chung lại nhưng vẫn còn mâu thuẫn nên không biết có nên đăng ký kết hôn lại hay không, thủ tục đăng ký lại như thế nào? Phải nói rằng, hiện nay theo quy định thủ tục ly hôn của người vợ, người chồng không cần qua các bước hòa giải tại địa phương, có tranh chấp hoặc thuận tình ly hôn là họ sẽ nộp trực tiếp đến tòa án để giải quyết. Điều này tạo điều kiện thuận lợi, giúp giải quyết yêu cầu của người dân một cách nhanh chóng nhưng cũng vô tình khiến tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, nhiều cặp đôi kết hôn khi nhận thức pháp luật hôn nhân và gia đình còn hạn chế, các bên thiếu sự tìm hiểu khi kết hôn, chưa được trang bị, hiểu rõ về kiến thức hôn nhân và gia đình, kết hôn khi nghề nghiệp chưa ổn định... Khi kết hôn một thời gian, nhận ra chưa hợp nhau nên quyết định ly hôn. Sau khi ly hôn, lại tìm về sống chung như chưa có chuyện gì xảy ra. Khi chán thì lại bỏ đi, xong lại quay về. Về pháp lý, họ không vi phạm pháp luật nhưng lại gây ra những rắc rối cho công tác quản lý nhân khẩu tại địa phương. Nhiều cặp quay về sống hạnh phúc nhưng cũng nhiều cặp quay về gây gổ, mâu thuẫn, xung đột dẫn đến bạo lực...

Tôi nghĩ việc tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình thông qua các cuộc họp tổ dân phố, họp công đoàn, sinh hoạt chi bộ, họp phụ nữ, các cuộc thi trong đơn vị, cơ quan... để tăng cường nhận thức pháp luật cũng như gắn kết tình cảm giữa các thành viên trong gia đình, cùng nhau giữ lửa hôn nhân là điều vô cùng cần thiết”.

Một vấn đề dễ thấy chính là sau khi trở về sống chung một thời gian, hầu hết các cặp vợ chồng đều phát sinh mâu thuẫn. Những xung đột kéo dài thường đi kèm với xô xát, bạo lực, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại khu vực. Tại Bình Dương, tình trạng này không chỉ thấy ở các cặp vợ chồng là người cư trú ổn định mà còn xuất hiện nhiều ở các cặp vợ chồng sinh sống tại các khu nhà trọ. Khi các cặp vợ chồng đã ly hôn ở một địa bàn khác, người vợ hoặc người chồng đến địa bàn mới thuê nhà trọ sinh sống thì tái hợp với người cũ. Tái hợp được một thời gian thì lại cãi vã, mâu thuẫn gây ảnh hưởng đến cả khu nhà trọ. Sau xung đột, họ lại chia tay, đối phương đến nơi khác sinh sống rồi lại tái hợp.

Việc xem “hôn nhân như một trò đùa” này không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của những đứa trẻ là con chung của họ. Luật sư Lê Trần Vân Anh, Văn phòng luật sư Quang Tâm (TP.Thủ Dầu Một), cho biết: “Trong thực tiễn tiếp xúc nhiều khách hàng tại Văn phòng luật sư Quang Tâm, chuyện gương vỡ lại lành, vợ chồng sau khi ly hôn lại tái hợp với nhau thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Họ bỏ nhau vì nhiều lý do nhưng sau ly hôn lại thấy rằng họ vẫn cần nhau, vẫn có thể tái hợp. Việc tái hợp thường được nhiều người ủng hộ, tuy nhiên thực tiễn pháp lý cũng phát sinh những hệ lụy mà người trong cuộc chưa lường hết. Trước tiên, do vết thương ly hôn còn đó nên thường họ quay về ở với nhau sau ly hôn nhưng không đăng ký kết hôn lại. Như vậy, quan hệ của của họ chưa được thừa nhận là vợ chồng hợp pháp.

Kế đến, do không được coi là vợ chồng hợp pháp nên các tài sản hình thành trong thời kỳ chung sống sau ly hôn này sẽ không được đương nhiên xem là tài sản chung của 2 vợ chồng. Như vậy tranh chấp về tài sản chung này là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, do việc thay đổi nơi ở của cha, mẹ, con… khi ly hôn và sau đó tái hợp không được các đương sự đăng ký cư trú theo quy định dẫn đến khó khăn trong quản lý nhân khẩu địa phương...

Ngoài ra, những tổn thương tâm lý gây ra cho vợ, chồng, con cái do ly hôn là đương nhiên còn đó, dù các bên cố gắng khắc phục nó. Vì thế, để tránh những hệ lụy này, các bên tốt nhất cần suy nghĩ kỹ trước khi có những hành động gây tổn thương nhau, tổn thương con cái, để rồi ly hôn và tái hợp”.

 TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1707
Quay lên trên