Kỳ 1: Linh hoạt mô hình, bắt nhịp trở lại
Bình Dương đã trở về trạng thái “bình thường mới” với những tín hiệu khả quan về khống chế dịch bệnh, các doanh nghiệp (DN) từng bước khắc phục khó khăn, linh hoạt thích ứng, bắt nhịp sản xuất, nỗ lực lớn trong những tháng còn lại của năm 2021 để thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở lại sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Uyên Hưng (TX.Tân Uyên)
Phấn khởi quay lại sản xuất
Hiện nhiều DN nỗ lực tìm mọi giải pháp, xây dựng phương án duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. DN đang hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ” chuyển sang sang mô hình “3 xanh”, giải tỏa áp lực khi tập trung lao động tại nhà máy kéo dài. Tính đến nay, tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh có đến 90% DN đăng ký, chuyển đổi mô hình sản xuất để hoạt động trở lại. Ngoài khu, cụm công nghiệp, có 2.300 DN đăng ký phương án trở lại, trong đó có khoảng 1.900 DN đang hoạt động với 130.000 lao động.
“Trước tác động lớn của dịch bệnh thời gian qua, việc chạy đà phục hồi hay “nước rút” chưa thể có một mẫu số chung cho tất cả các loại hình sản xuất, kinh doanh, không thể so sánh giữa các địa phương trong thời điểm này. Tỉnh kêu gọi các DN linh hoạt thích ứng, mạnh dạn thay đổi để mở cửa sản xuất bảo đảm phục hồi, tăng trưởng ổn định. DN chủ động, phối hợp với địa phương trên tinh thần bảo đảm an toàn, giữ vững sản xuất”. (Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) |
Theo ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, hiện trên địa bàn huyện có 13 DN đã chuyển đổi từ mô hình “3 tại chỗ” sang “3 xanh”. Theo đó, công nhân được đi về từ nhà máy đến các khu nhà trọ xanh có tâm lý thoải mái hơn, tích cực sản xuất. Chính quyền địa phương cũng phối hợp hỗ trợ giám sát giữ vững các khu nhà trọ xanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN chuyển đổi mô hình sản xuất.
Ông Len Ching Chao, Tổng Giám đốc Cụm công nghiệp Phú Chánh (TX.Tân Uyên), cho biết với tốc độ tiêm chủng thần tốc mà Bình Dương đang thực hiện là một trong những điều kiện rất thuận lợi để DN trở lại sản xuất. Với 100% công nhân của các DN trong cụm đã được tiêm vắc xin, đến nay đã có 90% DN hoạt động trở lại cùng với phương án phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt. “Việc thành lập trạm y tế lưu động ngay tại cụm công nghiệp giúp chúng tôi giảm bớt lo lắng về dịch bệnh. Các DN đang kết nối với đối tác để chủ động nguồn nguyên liệu, tăng công suất. Bên cạnh bắt nhịp sản xuất, kinh doanh, chúng tôi luôn nhắc nhở các DN tiếp tục duy trì các phương án phòng, chống dịch bệnh”, ông Len Ching Chao phấn khởi nói.
Địa phương xanh, nhà trọ xanh
Ông Nguyễn Quang Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Bình (TP.Dĩ An), Chủ tịch Hiệp hội Giày da - Túi xách Bình Dương, thông tin công ty giữ vững sản xuất với khí thế sôi nổi. Chủ động các phương án phòng, chống dịch bệnh từ sớm, triển khai hiệu quả mô hình “1 cung đường, 2 địa điểm” nên hạn chế được tác động của dịch bệnh. Đây cũng là điều kiện rất thuận lợi để sớm chuyển sang mô hình “3 xanh”. “Tuy phải cắt giảm lao động nhưng chúng tôi vẫn bảo đảm duy trì sản xuất ngay trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tín hiệu đáng mừng là công ty đang phục hồi tốt với tỷ lệ lao động tăng lên. Công ty tiếp tục linh hoạt tổ chức sản xuất để bảo đảm các đơn hàng trong và ngoài nước. Tinh thần của công nhân rất phấn khởi, tập trung giai đoạn “nước rút” cho thị trường xuất khẩu và nội địa dịp cuối năm”, ông Vũ chia sẻ.
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định tỉnh đang dần chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đồng hành cùng DN giữ chân người lao động, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19, phối hợp với các địa phương để đón chuyên gia, người lao động quay lại làm việc. Đặc biệt, tỉnh thành lập tổ công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện phục hồi sản xuất. Tỉnh luôn công khai, minh bạch các nguồn lực, sát cánh, hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng DN.
Đặc biệt, ông Võ Văn Minh chỉ đạo các địa phương linh động trong việc hỗ trợ DN thực hiện xây dựng mô hình “nhà trọ xanh”. Các địa phương ở “vùng xanh” phía bắc thì đương nhiên các khu nhà trọ phải xanh. Vì thế không cần phải buộc các DN sắp xếp tập trung công nhân tại một khu nhà trọ xanh, công nhân chỉ cần ở tại các khu nhà trọ xanh thì có thể đến nơi làm việc. Đối với các địa phương phía nam của tỉnh, nguy cơ vẫn còn cao, chính quyền cần tích cực hỗ trợ DN chuyển đổi các nhà trọ thành các nhà trọ xanh. Quyết liệt phối hợp để bóc tách hết F0, giữ xanh nhà trọ, tạo mọi điều kiện để DN giữ vững an toàn khi quay lại sản xuất. (Còn tiếp)
TIỂU MY