Tái lập sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - Kỳ 3

Cập nhật: 18-10-2021 | 08:20:13

Kỳ 3: Dốc lực để hồi phục

 Bên cạnh quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, Bình Dương đang gấp rút chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh cùng với việc xây dựng kịch bản phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

 Bình Dương luôn lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển bền vững. Trong ảnh: Đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương phát biểu tại hội nghị gặp gỡ lãnh đạo tỉnh

Hỗ trợ doanh nghiệp

Phát biểu về lộ trình và hướng đi cụ thể, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định Bình Dương thực hiện việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc xin. Ngoài ra, Bình Dương xem các DN là một chủ thể trong ứng phó với dịch bệnh Covid-19, tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các DN. Để chống dịch lâu dài, DN chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tùy theo khả năng, điều kiện, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Để tạo điều kiện cho người dân, trong đó có công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tính đến ngày 10-10 tỉnh đã chi hỗ trợ cho 3,5 triệu lượt người với gần 2.241 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã có kế hoạch đón công nhân trở lại Bình Dương và đề nghị các DN phối hợp thực hiện với các ngành chức năng.

Để tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết các DN sẽ thực hiện mở cửa dần, tùy theo từng loại hình, quy mô và cơ cấu lao động mà DN sử dụng. DN cũng rất phấn khởi khi được trao quyền chủ động về mô hình và phương thức tổ chức sản xuất. Trường hợp có F0 trong phạm vi hẹp của một dây chuyền, phân xưởng, bộ phận riêng biệt thì không cực đoan phong tỏa, đóng cửa cả DN. Ông Toàn nhấn mạnh quan điểm, để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện “bình thường mới”, vắc xin, ý chí và ý thức cộng đồng DN, người lao động là điều kiện tiên quyết để trở lại thành công.

Theo nhiều lãnh đạo DN, sau thời gian ứng phó với dịch bệnh, nguồn lực tài chính của DN đang dần suy yếu, nhất là các DN vừa và nhỏ. Tuy vậy, DN vẫn chần chừ tiếp cận các gói hỗ trợ vì thời hạn cho vay ngắn, khó quay vòng vốn để trả gốc và lãi trong điều kiện hiện nay. Về vấn đề này, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương, cho biết Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cơ bản đã giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn của DN. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Dương đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ DN và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Đặt nền tảng cho đường dài

Tuy phải đối diện với khó khăn trước mắt song trong chặng đường sắp tới, Bình Dương có nền tảng khá vững chắc cho việc hồi phục và phát triển kinh tế với sự nỗ lực và cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN. Một trong những cơ sở để lạc quan đó là 9 tháng đầu năm, chỉ số công nghiệp của tỉnh vẫn tăng 2,93%, thương mại dịch vụ tăng 1,9%, xuất khẩu tăng 26,7%; thu ngân sách đạt 47.900 tỷ đồng (82% dự toán)…

Đồng lòng với hướng đi của tỉnh, ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Becamex IDC, cho biết sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Becamex IDC sẽ phối hợp với các ngành tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để truyền đi thông điệp Bình Dương vẫn tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Becamex IDC cũng kiến nghị với UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư các khu công nghiệp, các tuyến giao thông trọng điểm để chuẩn bị cho chặng đường phát triển tiếp theo.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết cùng với việc nỗ lực khống chế dịch bệnh, Bình Dương cũng đã sẵn sàng cho kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cho hạ tầng giao thông, công nghiệp, công nghệ… ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính và quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tỉnh cũng sẽ thường xuyên đối thoại với DN để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cùng phát triển bền vững.

 Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: “Trong những tháng cuối năm 2021, Bình Dương tập trung thực hiện các giải pháp, vừa chủ động phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Trên mặt trận chống dịch, hiện hữu rõ nhất là sức mạnh của sự đoàn kết, của tinh thần hỗ trợ lẫn nhau giữa chính quyền và cộng đồng DN. Hy vọng trong thời gian tới, sức mạnh ấy, tinh thần ấy sẽ giúp Bình Dương sớm khôi phục và phát triển, trở về với sức bật vốn có và vươn xa hơn”.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên