Tai nạn đuối nước vẫn còn nhức nhối

Cập nhật: 02-08-2024 | 09:28:06

Thời gian gần đây, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn là vấn đề nhức nhối dù được các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống. Đây là vấn đề cấp thiết, đòi hỏi từng gia đình, các ngành, địa phương cần quan tâm triển khai các giải pháp để bảo đảm an toàn tính mạng cho trẻ.

Học bơi là phương pháp hiệu quả giúp trẻ em phòng, chống đuối nước. Ảnh: THÁI HẢI

 Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước

Hiện đang là thời điểm học sinh nghỉ hè, tham gia vào nhiều hoạt động vui chơi tự do, nên nguy cơ bị đuối nước rất cao. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính trong khoảng 3 tháng gần đây, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ đuối nước làm 6 em tử vong. Cụ thể, tại TP.Tân Uyên, em H.Q.K., 13 tuổi, quê huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ vào Bình Dương thăm mẹ ở TP.Tân Uyên trong dịp hè bị đuối nước khi tắm ở đập. Ngày 15-7, K. cùng một số bạn đi bơi tại đập nước giáp ranh giữa phường Tân Phước Khánh (TP.Tân Uyên) và phường Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một). Khu vực đập nước này được lực lượng chức năng cắm nhiều cảnh báo nguy hiểm nhưng nhóm thiếu niên vẫn xuống tắm khi trời mưa, K. trèo lên lan để nhảy xuống tắm nên bị đuối nước.

Trước đó vào đầu tháng 6, tại TP.Bến Cát cũng xảy ra vụ đuối nước ở gần bến đò Bù Cạp, khu phố Rạch Bắp, phường An Tây làm 3 thiếu niên tử vong. Hay vào tháng 5, trên địa bàn thành phố này đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm tại một hồ nước ở phường Thới Hòa khiến 1 em tử vong.

Gần đây, ngày 26-7, tại khu vực hồ đá thuộc tổ 11, khu phố Bình Thung 2, phường Bình An, TP.Dĩ An lại xảy ra vụ đuối nước làm 2 em tử vong. Cả 2 em đều ở trọ khu phố Trung Thắng, phường Bình Thắng. Bà Vũ Thị Hiền, Phó Chủ tịch UBND phường Bình An, TP.Dĩ An, cho biết: “Ngay sau vụ việc xảy ra, UBND phường Bình An đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổ chức kiểm tra, thiết lập lại rào chắn quanh khu vực hồ, đặt thêm các biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết. UBND phường cũng chỉ đạo các lực lượng tổ chức tuần tra, nhắc nhở người dân, trẻ em tụ tập gần khu vực hồ đá; phối hợp cùng các địa bàn giáp ranh tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở người dân tăng cường công tác quản lý trẻ em trên địa bàn để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra”.

Chung tay kéo giảm tai nạn đuối nước

Trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng tránh đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị đuối nước vẫn xảy ra ở một số địa phương, công tác phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trẻ em bị tai nạn, thương tích nói chung, bị đuối nước nói riêng vẫn ở mức cao. Công tác phòng, chống đuối nước còn gặp rất nhiều khó khăn, người dân còn thiếu ý thức chấp hành các quy định an toàn về phòng, chống đuối nước cho trẻ, đặc biệt là thiếu sự quan tâm giám sát từ gia đình.

Hiện ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh tăng cường tập huấn, tuyên truyền trên mạng xã hội, giáo dục trẻ về cách bảo vệ bản thân; xây dựng môi trường sống an toàn cho trẻ. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội để bảo đảm an toàn cho trẻ; tiếp tục tăng cường rà soát trẻ em biết bơi, chưa biết bơi để dạy bơi và các kỹ năng an toàn dưới nước; đốc thúc các địa phương lắp đặt biển báo, cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực có nguy cơ cao.

Ngoài các biện pháp của các cơ quan chức năng, địa phương thì hơn hết trách nhiệm giám sát trẻ em thuộc về gia đình; cha mẹ phải luôn giám sát con, biết con đang ở đâu, đang làm gì. Nhiều phụ huynh chia sẻ cách bảo vệ con mình trước nguy cơ đuối nước là cho các con học bơi. Khi con biết bơi, con có thể tự cứu mình nếu rơi vào tình huống nguy hiểm khi không có người lớn bên cạnh. Học bơi cũng là cách rèn luyện sức khỏe.

Đề cập đến các giải pháp can thiệp nhằm kéo giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em, ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian qua, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác trẻ em. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản đốc thúc, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo về phòng, chống tai nạn thương tích và phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần có biện pháp hướng dẫn, tăng cường kiểm tra việc cắm biển báo nguy hiểm, cấm bơi lội ở các khu vực sông, suối, ao, hồ có nguy cơ đuối nước cũng như tuyên truyền sâu rộng các nội dung phòng, chống đuối nước tới các tầng lớp nhân dân, nhất là những vùng có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao. UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước, không để xảy ra tình trạng đuối nước trẻ em do sự lơ là, chủ quan, thiếu quyết liệt của địa phương.

 Ngoài các biện pháp của các cơ quan chức năng, địa phương thì hơn hết trách nhiệm giám sát trẻ em thuộc về gia đình; cha mẹ phải luôn giám sát con, biết con đang ở đâu, đang làm gì. Nhiều phụ huynh chia sẻ cách bảo vệ con mình trước nguy cơ đuối nước là cho con học bơi. Khi con biết bơi, con có thể tự cứu mình nếu rơi vào tình huống nguy hiểm khi không có người lớn bên cạnh. Học bơi cũng là cách rèn luyện sức khỏe.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=239
Quay lên trên
X