Đó là những ý kiến bức xúc tiếp tục được cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VIII và đã được các đại biểu giải trình có trách nhiệm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn tại kỳ họp
Bình ổn giá cả thị trường bằng mọi cách
Giám đốc Sở Công Thương
Võ Văn Cư
Thời gian gần đây, giá cả tăng cao, làm ảnh hưởng đời sống người dân. Vì thế, nhiều ý kiến cử tri đã thắc mắc. Để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Giám đốc Sở Công Thương Võ Văn Cư giải trình, góp phần kiềm chế lạm phát bình ổn giá cả thị trường, sở đã phối hợp với UBND các huyện, thị xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dụng cụ học tập... Trong đó giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tham gia bình ổn như Công ty TNHH Một thành viên Thời Trang Việt Nam, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sài Gòn - Bình Dương, Công ty TNHH Đông Hưng...Các doanh nghiệp tham gia bình ổn được vay với tổng vốn 123 tỷ đồng lãi suất 0% và phải bán hàng với giá mức thấp hơn giá thị trường từ 10 - 15%. Sở Công Thương đã làm việc với UBND các huyện, thị và các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường thống nhất thành lập 82 điểm bán hàng ở các xã nông thôn, các khu cụm công nghiệp; giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn, phụ trách từng địa bàn và tổ chức bán luân phiên, bán từ 2 đến 4 lần trong một tháng; đồng thời, mỗi điểm bán và gian hàng bình ổn giá tại các siêu thị hiện hữu bắt buộc phải có băng rôn có nội dung “gian hàng chương trình bình ổn thị trường” để dân biết.
Giáo dục - đào tạo không đi xuống mà đang đi đúng đường, đúng lối
Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo
Dương Thế Phương
Giải trình về những ý kiến cử tri, cho rằng chất lượng giáo dục hiện nay còn thấp, Giám Đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Dương Thế Phương, cho biết chất lượng giáo dục - đào tạo Bình Dương không đi xuống mà đang đi đúng đường, đúng lối. Bằng chứng là điểm thi vào đại học trung bình 3 môn của học sinh THPT là 10,4 điểm, so với 7,8 điểm trong năm trước; tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 90%; số học sinh tiểu học tham gia các kỳ học sinh giỏi toàn quốc ngày càng tăng...Sẽ phối hợp Interpol giải thoát con bạc bị bắt ở Campuchia
Vấn đề dư luận đang quan tâm làm thế nào xử lý các đường dây dụ dỗ thanh niên sang Campuchia đánh bạc và đòi tiền chuộc người? Giám đốc Công an tỉnh Võ Thành Đức phân tích rất kỹ thực trạng này. Ông Đức cho biết các con bạc sang Camphuchia đánh bạc thường sử dụng hộ chiếu qua cửa khẩu chính hoặc theo đội quân cò mồi vượt biên theo đường tiểu ngạch, giá mỗi lần sang từ 200.000 - 400.000 đồng. Sau khi sang biên giới có xe đưa rước và được phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi. Khi đánh bạc hết tiền, các đối tượng ở các sòng bạc cho vay để tiếp tục đánh bạc, khi hết tiền trả các chủ sòng bạc bắt giữ người để đòi tiền chuộc.
Giám đốc Công an tỉnh
Võ Thành Đức
Đáng lo ngại là hiện nay có một số đối tượng dụ dỗ trẻ em chưa thành niên sang Campuchia chơi sau đó dụ đánh bạc, khi hết tiền sẽ cho mượn và thế thân ở lại, rồi điện thoại cho người thân mang tiền sang chuộc về. Có trường hợp ở lại bị đánh đập, cắt lỗ tai, chặt ngón tay gửi về gia đình gây áp lực buộc người nhà mang tiền sang chuộc về.
Xử lý vấn đề này, ông Đức còn cho biết ngành đã tổ chức tuyên truyền phổ biến các phương thức, thủ đoạn dụ dỗ của các đối tượng để dân biết, khi phát hiện các đối tượng có hoạt động như trên nên tố giác với chính quyền để cơ quan chức năng xử lý; đồng thời, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức xã hội, các bậc làm cha mẹ, giáo dục quản lý thanh thiếu niên học sinh.
Về biện pháp pháp luật nghiệp vụ, Công an tỉnh phối hợp cùng các lực lượng thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng cò mồi, câu móc, cho vay nặng lãi đòi nợ thuê. Về biện pháp ngoại giao, Công an tỉnh cũng yêu cầu Sở Ngoại vụ, Interpol Việt Nam thông báo cho phía cảnh sát Campuchia để phối hợp giải thoát cho những người Việt Nam còn bị bắt giữ ở Campuchia...
Hôm nay 29-7-2011, kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VIII sẽ tiếp tục làm việc, giải trình rõ hơn những vấn đề cử tri quan tâm.
Chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, nói chúng ta hỗ trợ lãi suất 0% cho doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp bán hàng giá thấp hơn thị trường 10-15%, thực hiện chủ trương bán hàng bình ổn giá như cách làm này đã hiệu quả chưa? Ông Cư cho biết, việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường được thực hiện từ năm 2008, 2009 và 2010, thời gian thực hiện trước trong và sau Tết Nguyên đán. Riêng năm 2011, chương trình được thực hiện suốt năm. Sở Công Thương đã chỉ đạo ngành quản lý thị trường kiểm tra xuất xứ nguồn hàng rõ ràng, kiểm tra giá bán cũng như chất lượng hàng hóa... Nhìn chung, thời gian qua chưa phát hiện có trường hợp sai phạm nào. Ông Cư cũng nói thêm rằng việc tham gia thực hiện chương trình bình ổn thị trường cũng là một trong những hoạt động góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương nhằm bảo đảm an sinh xã hội nhất là đối với nhân dân ở nông thôn và khu vực có đông công nhân lao động.
Mặc dù đồng ý cơ bản với trả lời của Giám đốc Sở Công Thương, song đại biểu Sơn vẫn chưa thấy thỏa đáng và đề xuất một giải pháp đó là thay vì hỗ trợ vốn vay lãi suất bằng 0 cho các doanh nghiệp để thực hiện việc bán hàng thì nên chăng cần hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng hộ nghèo từ số tiền lãi của nguồn vốn 123 tỷ đồng đó. Có như vậy thì chương trình sẽ thực hiện đúng đối tượng và hiệu quả hơn. Ông Võ Văn Cư cho rằng đó là một đề xuất hay nhưng trong điều kiện hiện nay chưa thể thực hiện vì khó khăn về công tác tổ chức, thống kê...
H.NHÂN - Đ.HẬU