Khi Yukio Hatoyama lên làm Thủ tướng Nhật Bản vào tháng 9 năm ngoái, một số người ủng hộ thân cận nhất của ông dường như đã hy vọng rằng quyền lực sẽ làm thay đổi chính trị gia này.
Thông minh, giàu có và có nhiều quan hệ tốt, Hatoyama sinh ra trong một trong những vương triều chính trị giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Nhật Bản. Ông được hưởng danh tiếng về sự trung thực và chủ nghĩa lý tưởng ở một đất nước đã quá quen với bê bối chính trị.
Ngay cả những sai lầm về quỹ tranh cử vốn góp phần dẫn tới quyết định từ chức của Hatoyama sáng 2-6 dường như cũng rất "ngây thơ", liên quan tới những khoản đóng góp không khai báo từ mẹ của chính trị gia này.
Tuy nhiên, dù với tất cả những lợi thế của mình, Hatoyama vẫn chứng tỏ ông không đủ cứng rắn và ít có khả năng thỏa thuận trong 2 thập niên ở Quốc hội. Những người ủng hộ Hatoyama từng lo ngại rằng ông sẽ không đủ cương quyết trong khi giữ vị trí Thủ tướng. Và lo ngại đó giờ đây đã có cơ sở, với việc Hatoyama tuyên bố từ nhiệm chỉ sau 8 tháng nắm quyền.
"[Yukio] cực kỳ lịch sự, đúng giờ, chân thành và hòa nhã, như kiểu trẻ con", Seiichi Mizuno, một học sinh trường tiểu học Gakushuin dành cho con em tầng lớp thượng lưu ở Nhật Bản - nói với tờ Thời báo Tài chính hồi năm ngoái. "Chẳng một người nào ở bên ông ấy nghĩ ông ấy sẽ tham gia chính trường - có lẽ ông ấy giống một học giả hơn".
Thực tế, chính Kunio - em trai của Hatoyama - đã bước vào chính trường trước anh trai mình. Kunio gia nhập Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và mở rộng sự nghiệp gia đình sang thế hệ thứ 4. Ba thế hệ trước đó đã cống hiến cho nước Nhật một chủ tịch Hạ viện, thủ tướng và ngoại trưởng.
Trong khi đó, Hatoyama bắt đầu sự nghiệp của mình trong giới học viện. Ông có bằng Tiến sĩ về khoa học của trường Đại học Stanford và trợ giảng tại trường Đại học Senshu, Tokyo.
Hatoyama cưới một diễn viên tên là Miyuki, người từng thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế khi tuyên bố mình bị một vật thể bay không xác định bắt cóc. Chính Miyuki đã chọn cho chồng những chiếc áo sơ mi sặc sỡ để ông mặc mỗi khi xuất hiện trước công chúng và kiểu cách ăn mặc này càng làm cho Hatoyama khác gu chính trị.
Không giống như em trai - người mới đây bỏ Đảng Dân chủ Xã hội để trở thành một người độc lập chỉ sau khi đảng này thất bại trước phe Dân chủ hồi năm ngoái, Hatoyama đã rời đảng cầm quyền bảo thủ từ năm 1993 ngay khi đảng này này bị đẩy khỏi liên minh của những người cánh tả và tự do.
Daijiro Hashimoto, em trai của cựu Thủ tướng Ryutaro Hashimoto, từng ca ngợi Hatoyama là một người dễ chịu và chân thật nhưng băn khoăn liệu ông có sẵn sàng làm lãnh đạo.
"Họ nói vị thế quyết định một người đàn ông. Có thể ông ấy sẽ trưởng thành thêm ở vị trí ấy và trở nên cương quyết hơn. Nhưng dù sao thì tôi cũng có chút lo ngại".
Rút cục thì thiếu quyết đoán đã chứng tỏ ở con người Hatoyama liên quan tới việc di dời căn cứ Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa - nguyên nhân chính khiến đương kim Thủ tướng Nhật phải từ chức.
Hatoyama tin vào học thuyết "yuai" (tình bằng hữu) của cá nhân mình, mà theo đó mọi vấn đề chính trị đều có một giải pháp thỏa mãn được tất cả các bên nếu họ đàm phán trong sự tin cậy. Nhiều người cho rằng, quan điểm đó không thể mang lại các quyết định cứng rắn vốn đôi khi bắt buộc phải có những tranh cãi quyết liệt.
Một người từng là trợ tá thân cận trong đảng của Hatoyama còn gay gắt hơn: "Từ sáng tới tối, ông ấy luôn muốn làm điều đúng đắn. Vấn đề là ông ấy không biết đâu là điều đúng đắn".
THEO VNN