Tại sao trái cây VN cạnh tranh yếu?

Cập nhật: 27-04-2010 | 00:00:00

Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tăng trưởng bình quân hàng năm của ngành rau quả đạt 20%, tuy nhiên mức tăng này chủ yếu do giá tăng, trong khi khối lượng gần như dậm chân tại chỗ.

 

Từ năm 2004 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 1,82 tỷ USD và có mặt tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đài Loan, Đức Pháp, Anh, Thái Lan…

 

Trong năm 2009, xuất khẩu rau quả tiếp tục tăng so với năm trước và đạt kim ngạch 438 triệu USD, tuy nhiên theo nhận định của TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (Bộ NN&PTNT), cơ hội cho trái cây Việt Nam còn rất lớn, bởi nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới trên thế giới còn rất lớn, đặc biệt là các loại đặc sản của Việt nam.

 

Vấn đề phân phối vẫn là diểm yếu nhất của ngành trái cây VN.

 

Phải gắn kết các kênh phân phối

 

Theo ông Châu, mặc dù đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng trái cây Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều thách thức rất lớn như sản xuất manh mún, chất lượng không đồng đều, chưa thế cơ giới hóa trong sản xuất, chưa có thưong hiệu lớn và đặc biệt là phải qua nhiều khâu trung gian mới tới được tay người tiêu dùng.

 

Ngoài ra, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng ngày một cao hơn, trong khi đó ý thức của người sản xuất lại chưa đầy đủ về vấn đề này. Điều này khiến trái cây Việt Nam luôn thua thiệt và bị các nước trong khu vực lấn át khi xuất khẩu, thậm chí thua ngay tại “sân nhà”, một thị trường với hơn 80 triệu dân.

 

Hiện Việt Nam có khả năng sản xuất được một số trái cây có trái quanh năm, như thanh long, bưởi cũng như những trái cây đặc sản nhiệt đới như xoài, nhãn, măng cụt, cam, chuối. Đó là lợi thế mà Việt Nam cần tận dụng. Hằng năm, Mỹ nhập khẩu hơn 10.000 tấn trái cây nhiệt đới các loại. Song, phía Mỹ lại đòi hỏi  rất cao về khâu kiểm dịch thực vật, bắt buộc phải chiếu xạ cho tất trái cây nhiệt đới nên chi phí bỏ ra quá cao.

 

Chính vì thế, trái cây Việt Nam cần gắn kết với các kênh phân phối bán lẻ khu vực, địa phương và xem đó là một phương tiện để trái cây Việt Nam xâm nhập vào thị trường toàn cầu. Theo ông John Hey, Tổng biên tập tạp chí Trái cây châu Á, là một thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam cần tận dụng phong trào công bằng mậu dich, liên kết với các nhà cung cấp tại các thị trường này để tận dụng hệ thống phân phối của họ để đưa trái cây Việt Nam đến tay người tiêu dùng nhanh nhất có thể.

 

“Các nhà xuất khẩu trái cây nên thông qua thương vụ Việt Nam tại các nước thuộc châu Âu, Mỹ để xây dựng được hệ thống vận chuyển trái cây hiệu quả và chủ động đến từng điểm bán lẻ”, ông John Hey gợi ý. Ngoài ra, ông John cho rằng, trái cây Việt Nam muốn chiến thắng với sự cạnh tranh với Thái Lan hay Trung Quốc tại thị trường châu Âu, và Mỹ thì phải cung cấp được số lượng trái cây lớn và liên tục.

 

Liên kết 4 nhà còn lỏng lẻo

 

Ngoài việc sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng chưa bảo đảm yêu cầu, tư duy canh tác còn tùy tiện, làm theo phong trào, căn bệnh cố hữu khó chữa của nông dân Việt Nam là tự ý phá hợp đồng khi giá thị trường cao hơn giá ký kết khiến doanh nghiệp không mặn mà hợp lực tiêu thụ sản phẩm.

 

Trên thực tế, việc liên kết "bốn nhà" đã phần nào đem lại lợi ích cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trái cây nhưng hiệu quả và tính bền vững thấp. Theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, liên kết "bốn nhà" vướng mắc chủ yếu là giữa doanh nghiệp và nông dân.

 

Để giải quyết vấn đề lợi ích giữa các bên, Nhà nước phải đứng ra làm trọng tài thống nhất các mối liên kết. Theo ông Phạm Quang Đấu, Giám đốc Công ty Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp An Giang, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác gắn với phát triển vùng sản xuất, từ đó hình thành các vùng nguyên liệu lớn tập trung, thống nhất một quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm chất lượng, có chính sách cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.

 

Ngoài ra, TS. Võ Mai cho biết thêm, chuyện liên kết bốn nhà trong nông nghiệp đã được đề cập từ rất lâu nhưng nói thì nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu. Thậm chí, thực tế sản xuất và kinh doanh nông sản cho thấy, bốn nhà chẳng những ít liên kết mà còn làm khó nhau.

 

Bà Võ Mai cho rằng, lâu nay chúng ta muốn nông dân đầu tư vào sản xuất "sản phẩm nông nghiệp an toàn" thường hô hào rằng sản phẩm an toàn sẽ có giá cao hơn từ 10% đến 30% so với sản phẩm thông thường. Song, khi sản phẩm an toàn ra đời lại không có kênh phân phối chính thức nên rau ,củ, quả an toàn phải bán chung với những sản phẩm sản xuất theo truyền thống. Nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn thường giải thể sau khi những dự án hỗ trợ hết hiệu lực.

 

Theo ông Đấu, cho dù Nhà nước và nhà khoa học đã tạo cho doanh nghiệp và nông dân một chiếc thuyền (nhà nước giúp cơ chế, nhà khoa học giúp kỹ thuật) nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông còn nhiều bất cập.

 

Theo VNN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên