Trong xã hội, nghề nào cũng cần nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Nhưng riêng nghề y thì đạo đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nghề chữa bệnh cứu người. Tuy nhiên để cứu người thì tâm không chưa đủ, mà người thầy thuốc (NTT) phải có tài, ham học hỏi để nâng cao kiến thức, trình độ mới có thể cứu được nhiều người bệnh hơn.
Y đức của thầy thuốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Lương y như từ mẫu”. NTT phải là lương y, phải rèn đức, luyện tài và hết lòng với người bệnh. Nhưng trong điều kiện cơ sở vật chất chật hẹp, trang thiết bị lỗi thời và bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải khiến không ít bệnh nhân (BN) đánh giá thấp y đức của NTT. Bác sĩ (BS) Văn Quang Tân, Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Tận sâu trái tim của NTT đều có cái tâm, có tấm lòng thương yêu BN. Tuy nhiên do áp lực công việc, làm cho NTT không đủ thời gian để chia sẻ, cảm thông với BN. Họ làm để hoàn thành nhiệm vụ... So sánh ở nước ngoài, một NTT chỉ khám khoảng 10 BN, để người ta có thời gian suy nghĩ, hội chẩn, nghiên cứu và nâng cao trình độ. Còn ở Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, có ngày NTT phải khám có khi lên đến 200 BN.
Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đòi hỏi cái tâm và tài của người thầy thuốc
Ghi nhận thực tế tại các bệnh viện, nhất là tuyến tỉnh cho thấy, hàng ngày NTT luôn phải “đối mặt” với hàng trăm BN. Đông đúc, bực bội khiến bản thân người bệnh không thoải mái; còn NTT thì chẳng khá hơn... vì thế, không ít lời than phiền từ phía BN “sao BS tiết kiệm lời quá”, “BS gì chẳng khi nào thấy cười”...
BS Văn Quang Tân dẫn chứng, tỷ lệ BS, dược sĩ đại học của tỉnh thấp hơn so với bình quân cả nước. Theo chuẩn của Bộ Y tế thì 7 BS/10.000 dân, 1 dược sĩ/10.000 dân. Trong khi đó, đến hết năm 2010, tỉnh ta chỉ đạt 5,7/10.000 dân; tỷ lệ dược sĩ, cử nhân vẫn còn rất thấp. Tính đến tháng 9-2010, cán bộ trên đại học chỉ có 226 người, cán bộ đại học 514 người... Trong nhiều năm qua, Sở Y tế đã chú trọng đến công tác đào tạo nhưng thiếu hụt nguồn nhân lực vẫn diễn ra ở cả 3 tuyến: xã, huyện, tỉnh. Thực trạng “khát” nhân lực y tế đang diễn ra đối với các ngành như dược, chuyên khoa tim mạch, chuyên khoa sâu...
Nhưng dù trong điều kiện nào thì y đức của NTT luôn được đặt lên hàng đầu. BS Văn Quang Tân cho biết, thời gian qua, sở luôn chỉ đạo các bệnh viện thực hiện 12 điều y đức của NTT gắn với Quy tắc ứng xử và cuộc vận động làm theo lời Bác. Trên cơ sở đó, tại các bệnh viện đều triển khai, quán triệt cho cán bộ y tế; xem đây là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp thi đua cá nhân, đơn vị hàng năm. Đặc biệt, hàng năm, Hội Điều dưỡng tỉnh còn tổ chức Hội thi điều dưỡng giỏi, giao tiếp tốt. Bà Nguyễn Thị Thanh Thương, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh cho biết, hội thi là dịp để các điều dưỡng nâng cao tay nghề, từ đó đáp ứng nhu cầu chăm sóc BN tốt hơn. Qua hội thi cũng giúp các điều dưỡng tự tin trong giao tiếp, ứng xử để làm vừa lòng BN.
Nâng cao trình độ
BS Hàn Khởi Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh cho biết, nguyên tắc hàng đầu của NTT là không được làm tổn hại người bệnh. NTT có trái tim nhân hậu, thương yêu BN không chưa đủ, mà phải có kiến thức, tài năng. Vì thế, bản thân NTT luôn tự học hỏi, nâng cao tay nghề. Ở tuyến tỉnh, hầu như BS phải tác chiến một mình, trong khi trang thiết bị lạc hậu. Vì vậy, đòi hỏi NTT phải nỗ lực nhiều hơn. Cùng với sự phát triển của y học, những sáng kiến, phương pháp mới trong khám chữa bệnh cũng được y, BS áp dụng phục vụ nhân dân. Về phía BVĐK cũng có sự quan tâm đúng mức. Năm 2010, có 104 người được đào tạo dài hạn, trong đó có 2 thạc sĩ tu nghiệp ở nước ngoài; 342 cán bộ y tế được đào tạo ngắn hạn thông qua hội thảo, hội nghị, huấn luyện. Ngoài ra, công tác nghiên cứu khoa học, sáng kiến cũng được chú trọng. Với 35 đề tài nghiên cứu khoa học và 6 sáng kiến khoa học.
BS Văn Quang Tân cho biết, nâng cao, phát triển nguồn nhân lực y tế về chất lượng, số lượng, hiệu quả sử dụng là một vấn đề cấp bách, cần thiết. Theo quy hoạch phát triển nhân lực y tế giai đoạn 2011-2020, đến năm 2015, đội ngũ cán bộ y tế của tỉnh đạt 6,8/10.000 dân, với số lượng cần có là 1.458 BS; 1,2 dược sĩ/10.000 dân, số lượng cần có là 257 dược sĩ... và đến năm 2020, con số tương ứng là 8 BS/10.000 dân với 2.000 BS và 3 dược sĩ/10.000 dân với 750 dược sĩ. Để đạt được mục tiêu đó thì tỉnh chú trọng công tác đào tạo như đào tạo theo địa chỉ, hệ cử tuyển, liên kết với nhiều trường đại học trong cả nước đào tạo nguồn nhân lực...
THU THẢO