Tháng 2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cán bộ ngành y tế. Trong thư Người đã nói: “…cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Thấm nhuần lời Bác dạy, ở mỗi giai đoạn lịch sử, người thầy thuốc luôn trau dồi y đức, coi người bệnh như người thân của chính mình. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) năm nay, chúng tôi xin điểm lại những cống hiến của người thầy thuốc qua các thời kỳ.
Các thầy thuốc kháng chiến trong một lần họp mặt truyền thống quân dân y Sài Gòn - Gia Định
Bài 1: Y đức của người thầy thuốc kháng chiến
Trong chiến tranh ác liệt, những chiến sĩ áo trắng cũng lăn xả trên chiến trường. Họ vừa là người chiến sĩ cầm súng đánh giặc, vừa là người y tá, y sĩ, bác sĩ chăm sóc cho các thương binh. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, đòi hỏi người thầy thuốc vừa có lòng yêu nước vừa có tình thương yêu đồng chí đồng đội và lòng yêu nghề.
Đi theo tiếng gọi của non sông
Khi đất nước lâm nguy, mọi người, già trẻ, gái trai, từ anh nông dân đến trí thức đều nhất tề đứng lên đánh giặc. Với những thầy thuốc kháng chiến, trước khi tham gia cách mạng, chỉ có số ít là y tá, y sĩ, còn lại hầu hết trong số đó là đi theo tiếng gọi của non sông đất nước. Họ tình nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Những người trí thức cũng không toan tính cho bản thân để tham gia cách mạng. Mọi người đều sống theo nhịp thở của cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Cô Nguyễn Thị Huệ, thầy thuốc kháng chiến, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, nhớ lại năm 1965 cô là nữ sinh Sài Gòn. Tham gia phong trào sinh viên yêu nước, cô đã được giác ngộ cách mạng nên cô tạm gác việc học lên đường đi kháng chiến. Thấy cô lanh lợi, có trình độ văn hóa, biết tiếng Pháp, tổ chức đưa cô đi học lớp cứu thương, sau đó học lên y tá, kế đến là y sĩ. Những năm đó cô công tác ở đội phẫu thuật đóng ở Hố Bò (đền Bến Dược, huyện Củ Chi, TP.HCM), đồng thời phục vụ cứu chữa thương binh ở khu vực Bến Súc (Dầu Tiếng).
Với cô Nguyễn Thị Danh, nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế TP.TDM, cô cũng có những kỷ niệm đáng nhớ về một thời lăn lộn trên chiến trường. Năm 1964 cô mới mười tám, đôi mươi, cái tuổi thật đẹp của người con gái. Không thể ngồi nhìn đất nước bị giặc xâm chiếm, cô và người anh trai theo người cậu vào rừng đi kháng chiến. Trước khi đi cô đã xác định là làm bất cứ việc gì, miễn là góp sức mình cho sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc. Ban đầu cô công tác ở Huyện ủy K17 tỉnh Phước Long. Sau đó cũng được tổ chức cho đi học y sĩ, rồi về làm ở ban dân y phục vụ thương binh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quên mình vì nhiệm vụ, không đắn đo suy tính, đó là điểm chung của những trí thức yêu nước thời bấy giờ. Mới 15 tuổi, còn đang là cô học trò, cô Nguyễn Thị Hà Sinh, nguyên Giám đốc Sở Y tế đã làm giao liên mật. Một năm sau đó, cô thoát ly vô rừng. Tháng 5-1963 cô học lớp cứu thương phục vụ cứu chữa thương binh. Tuy bản thân cô không cầm súng chiến đấu, nhưng trận đánh nào cô Hà Sinh cũng có mặt để cấp cứu cho thương binh.
Cái tâm của người thầy thuốc kháng chiến
Đất nước ta có được thống nhất toàn vẹn, non sông thu về một mối như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của toàn quân, toàn dân, trong đó có những người thầy thuốc kháng chiến. Không thể kể hết sự gian khổ, hy sinh của người thầy thuốc trong thời gian này. Phương tiện y tế, thuốc men thiếu thốn, làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nhưng những người thầy thuốc đã khắc phục khó khăn chăm sóc cho thương binh. Cô Nguyễn Thị Huệ kể, chiến tranh ác liệt lắm. Trạm quân y cũng phải nghi trang, cảnh giác để tránh bị giặc oanh tạc. Nhưng với tinh thần “lương y như từ mẫu”, chúng tôi làm việc quên mình, coi thương binh như anh em ruột. Khi thương binh được đưa về từ chiến trường, mọi người cùng tập trung chăm sóc. Có thể nói, vì tình đồng chí đồng đội, chúng tôi không kể sống chết, hiểm nguy”. Bản thân cô Huệ trong khi phục vụ thương binh cũng bị thương ở cả 2 chân nhưng cô vẫn không chịu lui về tuyến sau. Bởi cô nghĩ, nếu chỉ lo cho bản thân mình thì những đồng đội của cô sẽ không có ai chăm sóc.
Sự hy sinh quên mình của người thầy thuốc kháng chiến càng làm sáng ngời thêm y đức của họ. Cô Nguyễn Thị Danh bộc bạch, thời đó gian khổ, ác liệt lắm, nếu tư tưởng không ổn định, lập trường không vững vàng thì rất dễ đầu hàng giặc. Cô xác định, đã là thầy thuốc thì phải có y đức, phục vụ làm sao cho thương binh bớt đau đớn, sớm hồi phục sức khỏe để họ trở lại chiến trường. Với cô, những lúc khó khăn cô luôn nhớ đến Bác Hồ, nhớ đến lời Bác dạy: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền” và ra sức phục vụ, chăm sóc thương binh. Cô nói, thời đó điều kiện phương tiện y tế thiếu thốn, băng, gạc sau khi sử dụng phải giặt, hấp sử dụng lại. Nếu không có tình thương, lòng yêu nghề thì không thể hoàn thành nhiệm vụ. Đâu chỉ lo cho sức khỏe của thương binh, người thầy thuốc còn phải ăn rau rừng, củ mài, củ chụp, nhường gạo để nấu cơm, nấu cháo cho thương binh. Thời ấy, y đức của người thầy thuốc tỏa sáng hơn bao giờ hết.
Bác sĩ quân y Nguyễn Hồng Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cũng có những chiến công thầm lặng, góp sức mình cứu chữa cho biết bao thương binh. Trong chiến dịch xuân Mậu Thân (1968), ông là đội trưởng đội phẫu thuật. Trong 2 đợt chiến dịch, ông cùng đồng đội phục vụ cứu chữa cho hàng ngàn thương binh nặng nhẹ. Ông còn nhớ, có những lúc làm việc suốt ngày đêm, quên ăn, quên ngủ. Nếu như không có tinh thần đồng đội, y đức của người thầy thuốc thì không thể có được sức mạnh kiên cường như vậy. Những sự hy sinh của đội ngũ thầy thuốc kháng chiến nói chung cũng vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có biết bao chiến sĩ đã ngã xuống nơi chiến trường, trong đó có những người thầy thuốc áo lính. Họ đã góp phần tô điểm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc nói chung và của đội ngũ thầy thuốc nói riêng. Sau giải phóng, những thầy thuốc kháng chiến tiếp tục tham gia công tác trong ngành y. Hầu hết trong số họ được đào tạo trở thành bác sĩ. Nhiều người đảm đương những vị trí quan trọng trong ngành y tế cho đến khi về hưu. Bản thân họ vừa là tấm gương mẫu mực về y đức của người thầy thuốc, vừa dìu dắt đàn em thực hiện lời Bác dạy: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.
Bài 2: Trong khó khăn vẫn sáng ngời y đức
HỒNG THÁI