Tấm gương cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ noi theo
(BDO)
Bác sĩ Nguyễn Thành Danh nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19
Nâng cao hiệu quả chữa bệnh
Gắn bó với ngành y từ năm 1981 tại các cơ sở y tế của TP.Hồ Chí Minh, năm 1998 bác sĩ Nguyễn Thành Danh chuyển về Bình Dương công tác cho đến nay. Trải qua nhiều vị trí việc làm, đến năm 2019 ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc CDC Bình Dương. Dù ở cương vị nào, bác sĩ Danh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và luôn là tấm gương cho đội ngũ y, bác sĩ trẻ noi theo.
Trong công việc, bác sĩ Danh luôn ý thức học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, từ thực tiễn công tác, tích cực học tập, nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật mới nhằm phục vụ công tác chữa bệnh cho người bệnh ngày càng tốt hơn. Với đề tài nghiên cứu khoa học “Kiến thức thực hành về bệnh đái tháo đường ở người 30 - 64 tuổi có nguy cơ cao tại Thuận An, tỉnh Bình Dương năm 2014” đã giúp cho việc sàng lọc đái tháo đường thường quy tại trạm y tế xã, phường bằng máy thử đường huyết mao mạch đạt kết quả cao. Bác sĩ Danh cho biết qua nghiên cứu tỷ lệ kiến thức, thực hành đúng và xác định tỷ lệ đái tháo đường trên đối tượng nguy cơ cao thực hiện tại Thuận An đã phát hiện được các đối tượng mắc đái tháo đường, bị rối loạn đường huyết để đưa vào quản lý, tư vấn tại tuyến cơ sở nhằm hạn chế biến chứng và sự xuất hiện bệnh đái tháo đường. Biết được tỷ lệ có kiến thức và thực hành đúng của đối tượng nguy cơ cao từ đó xây dựng mô hình giáo dục phòng, chống đái tháo đường phù hợp và hiệu quả nhằm nâng cao kiến thức, thay đổi hành vi để thực hành đúng hơn về phòng, chống đái tháo đường và các bệnh không lây nguy hiểm trong cộng đồng, giảm chi phí do gánh nặng cho người dân.
Bác sĩ Danh còn nhiều đề tài khoa học có tính áp dụng thực tế cao, góp phần nâng công tác chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe cho người dân, như: Tình trạng nhiễm lao của người sống chung với bệnh nhân lao AFB+ tại tỉnh Bình Dương từ 2013 -2015; đặc điểm lâm sàng, xã hội của bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Bình Dương (nay được sáp nhập thành CDC) năm 2016; tình trạng sử dụng kính cấp và các yếu tố liên quan của học sinh THCS tỉnh Bình Dương năm 2017; đặc điểm người bệnh lao phổi không kháng thuốc có trẻ em dưới 5 tuổi cùng sinh sống trong hộ gia đình tại tỉnh Bình Dương năm 2018; tình trạng suy giảm thể lực, mù lòa và các yếu tố liên quan của học sinh tỉnh Bình Dương năm 2018...
Không chỉ giỏi chuyên môn, với cương vị là một người lãnh đạo, bác sĩ Danh thường xuyên nhắc nhở đội ngũ y bác sĩ trẻ giữ gìn thái độ ứng xử, giao tiếp, tránh gây phiền hà, tạo niềm tin đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân; đồng thời tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp, đặc biệt là những y, bác sĩ trẻ mới vào nghề.
Trên tuyến đầu chống dịch bệnh
CDC tỉnh Bình Dương là một tập thể trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, trong tình hình dịch bệnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khó lường, đội ngũ y bác sĩ của CDC luôn trong tâm thế sẵn sàng về lực lượng, vật chất, trang thiết bị, các kịch bản ứng phó với dịch bệnh khi cần thiết. Bác sĩ Danh cho biết ngay sau khi phát hiện các ca bệnh và tiếp nhận được thông tin có trường hợp nghi ngờ liên quan đến dịch bệnh Covid-19, CDC đã chủ động phối hợp ngay với các trung tâm y tế của các địa phương tiếp cận, điều tra dịch tễ; từ đó tham mưu cho Ban chỉ đạo địa phương xử lý kịp thời, đặc biệt áp dụng biện pháp truy vết thần tốc. Khi phát hiện ca dương tính (F0), CDC phân công ngay cán bộ tiến hành điều tra dịch tễ, đồng thời phân công cho đội điều tra dịch tễ liên hệ với người tiếp xúc gần (F1). Khi xác định được F1 lập tức thông báo cho đội truy vết tại xã, phường, thị trấn tiếp cận và đưa vào khu cách ly tập trung. Đội điều tra dịch tễ tiếp tục điều tra dịch tễ F1 để xác định người tiếp xúc cận F1 (F2) và thông báo cho đội truy vết tại xã, phường, thị trấn tiến hành cách ly tạm thời tại nơi cư trú. Để quản lý các đối tượng F0, F1, F2 CDC sử dụng ứng dụng file excel chạy trên phần mềm Google drive kết nối các tuyến, giúp công tác phối hợp trong truy vết nhanh hơn và hiệu quả; từ đó tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 địa phương tiến hành khoanh vùng y tế để tiến hành sàng lọc và cách ly để tránh lây nhiễm chéo. “Nhờ vậy mà các điểm bùng phát dịch kịp thời được khống chế, thuận tiện cho công tác dập dịch triệt để và việc điều trị cho các trường hợp nhiễm Covid-19 hiệu quả cao”, bác sĩ Danh nói.
Không thể kể hết được những công sức, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, đặc biệt là sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Giám đốc CDC tỉnh. Nhờ sự cống hiến âm thầm nhưng cao cả của họ, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được khống chế kịp thời và được kiểm soát. “Niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao khi chọn khoác lên mình chiếc áo blouse trắng chính là niềm tin của bệnh nhân. Đó là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”, bác sĩ Nguyễn Thành Danh chia sẻ.
ĐỖ TRỌNG