Tam Lập (Phú Giáo) bây giờ là vùng đất “vàng”. Không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của nông dân đã đổ xuống hàng chục năm qua để khai hoang “thuần hóa” vùng đất này. Giờ đây, dòng vàng trắng trả công người đi mở đất. Và tưởng chừng Tam Lập đã giàu lên, nhưng khi Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) đến xét các tiêu chí, mức độ đầu tư cho Tam Lập, mới giật mình: Tam Lập chỉ đạt 2 tiêu chí NTM, thấp nhất trong 60 xã được xét xã NTM. Điều này có nghĩa, dù đời sống được nâng lên nhưng người dân Tam Lập vẫn chưa được thỏa mãn đúng mức đời sống vật chất lẫn tinh thần.
Nhà anh Trần Văn Thiềm khá khang trang
Cuộc sống sung túc nhờ sự tần tảo vươn lên
2 tiêu chí xây dựng NTM mà Tam Lập đạt được: Một là phát triển thủy lợi, hai là hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh. Nếu suy xét kỹ 2 tiêu chí, về thủy lợi, Tam Lập đâu cần phát triển gì nhiều. Bởi phần lớn đất nông nghiệp là cây cao su nên người dân hầu như không đòi hỏi đầu tư thủy lợi. Nhưng đối với tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị - xã hội, có thể khẳng định, Tam Lập là một trong những xã điển hình xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh. Cán bộ xã trẻ tuổi chiếm đại đa số, trên 50% được đào tạo qua đại học. Đa phần họ đều có tinh thần nhiệt huyết, yêu mến, tự hào nhiều về Tam Lập.
Tâm sự với chúng tôi, Phó Chủ tịch HĐND xã Trần Ngọc Giang không giấu những định hướng phát triển Tam Lập: “Tam Lập có rất nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đất đai được hình thành trên nền đất xám phù sa cổ, thích hợp cho phát triển cây lâu năm, hình thành vùng chuyên canh cây cao su có chất lượng mủ cao, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình chăn nuôi tập trung công nghiệp. Theo đó, Tam Lập có điều kiện kết hợp quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su với sản phẩm chăn nuôi gia súc gia cầm, gia công các ngành công nghiệp ít ô nhiễm... góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, thu hút thêm nguồn nhân lực tại các địa phương lân cận, thúc đẩy KT-XH phát triển lên tầm cao mới”.
Anh Thức nuôi heo rừng
Tam Lập còn có đội ngũ cán bộ ấp sâu sát, gần dân, hiểu người dân tường tận. Đơn cử như ông Từ Đức Cương, Bí thư Chi bộ ấp Cây Khô. Ông nắm rõ từng hộ khi chúng tôi đề cập đến ấp: “Ấp tôi có 105 hộ, trong đó 95 hộ có cao su. Tất cả họ đều có nhà cửa kiên cố. Ấp ngày càng xuất hiện nhiều hộ giàu nhờ cao su và biết kết hợp các mô hình chăn nuôi thuần túy như heo, gà công nghiệp. Hộ Nguyễn Văn Tầng có 60 ha cao su, thu nhập hàng năm trên 200 triệu đồng; hộ Nguyễn Văn Kén có 15 ha cao su, thu nhập bình quân hàng năm cũng 100 triệu đồng, hộ Nguyễn Văn Sáng nuôi 12.000 con gà công nghiệp, thu nhập hàng năm cũng trên cả trăm triệu đồng...”.
Anh Thức làm giàu nhờ nuôi cá nước ngọt
Nhắc đến chuyện làm ăn, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Vũ cho biết Tam Lập có nhiều nông dân sản xuất giỏi, được cấp tỉnh công nhận. Điển hình như hộ nông dân Phùng Văn Thức hay Trần Văn Thiềm với mô hình VAC. Tất cả họ đến Tam Lập từ hai bàn tay trắng, tự khai phá, tự suy nghĩ tìm lời giải cho mảnh đất của mình. Anh Thức đã đánh thức mảnh đất “trắng” thành đất “vàng” với mô hình nuôi cá nước ngọt, thu lợi hàng năm trên 200 triệu đồng/ha.
Niềm tự hào của lãnh đạo địa phương đối với người dân là vậy. Còn với anh Thức niềm vui nhân lên gấp bội khi được chính quyền địa phương sát cánh bên mình. “Nhờ tập huấn nuôi cá rô đồng rồi tiếp xúc với các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp... Sự giúp đỡ đó là động lực lớn giúp tôi yên tâm đầu tư làm ăn trên mảnh đất này”. Ít ai ngờ rằng, vùng đất không thuận lợi nuôi trồng thủy sản như Tam Lập lại xuất hiện 1 câu lạc bộ (CLB) nuôi cá nước ngọt với 19 thành viên. Hàng năm xuất ra thị trường trên 300 tấn cá rô đồng và 100 tấn cá các loại khác. Anh Thức cho biết: “Thành lập CLB là mong muốn của người nuôi cá ở đây. Vì nuôi cá vốn lớn, cần rất nhiều dịch vụ đầu vào, đầu ra và đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi. Vì thế, thành lập HTX mới đủ khả năng xây dựng thương hiệu, giúp con cá có đầu ra ổn định và giảm thiểu rủi ro”.
Vẫn còn nghịch lý...
Trải qua 8 năm tái lập, nhờ vào nguồn lực con người, Tam Lập đã gặt hái nhiều thành quả đáng tự hào, góp phần hình thành và phát triển vùng nông nghiệp chuyên canh hợp lý. Cụ thể như tốc độ tăng trưởng hàng năm của Tam Lập thuộc dạng khá, cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư tương đối đồng bộ, đời sống người dân không ngừng được nâng lên, sự nghiệp giáo dục được chú trọng đầu tư và chất lượng dạy học nâng cao, chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm...
Lợi thế là vậy, nhưng khi xét theo từng tiêu chí xây dựng NTM, Tam Lập vẫn là xã có hạ tầng KT-XH còn nhiều hạn chế. Bởi đến nay, Tam Lập chưa xây dựng được quy hoạch chi tiết về sử dụng đất, phát triển kinh tế, hạ tầng xã hội, môi trường theo chuẩn mới; quy hoạch phát triển các khu dân cư và chỉnh trang các khu dân cư hiện có theo hướng văn minh, bảo toàn bản sắc văn hóa dân tộc và các thiết chế văn hóa giai đoạn 2010-2015. Về giao thông, việc bê tông hóa, nhựa hóa chỉ mới 50%; điện mới đạt 80%; xã cũng chưa được đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, ấp; đội ngũ cán bộ thiếu và chưa đạt trình độ; người tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 30%...
Điều đó cho thấy, dù đời sống người dân có nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của huyện và tỉnh. Công tác giảm nghèo, việc làm chưa thật bền vững, số hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao (toàn xã hiện còn 100 hộ nghèo, 99 hộ cận nghèo); chưa chủ động trong phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Cụ thể là đợt dịch heo tai xanh vừa qua, nhiều hộ lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT còn thấp, thậm chí các hoạt động mang tính quần chúng nội dung chưa phong phú, đa dạng để thỏa mãn các nhu cầu đời sống tinh thần cho người dân.
Tuy nhiên, người dân Tam Lập có quyền mừng vì những hạn chế cản trở phát triển đó đã được Đảng bộ, chính quyền xã Tam Lập sớm nhận ra. Nhiều mục tiêu giải pháp cụ thể vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa Tam Lập, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển KT-XH địa phương bền vững được Đảng bộ và nhân dân ở đây trình lên các cấp, các ngành. Đó là việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, điện, đường, trường, trạm bảo đảm theo quy định chuẩn của Trung ương; phát triển nhà ở nông thôn, khu vui chơi phục vụ công ích công cộng; duy trì phát triển giáo dục y tế, đào tạo nghề, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với mở rộng và phát huy dân chủ cơ sở, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững về kinh tế gắn với thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, xây dựng thành công mô hình nông nghiệp, NTM.
Những mục tiêu đó hoàn toàn phù hợp với những gì mà người dân Tam Lập mong đợi. Rõ ràng, chủ trương có, chính sách có và quyết tâm cũng có. Chính vì vậy, điều mà người dân Tam Lập quan tâm lúc này là chính sách xây dựng NTM chừng nào thành hiện thực?!
HÒA NHÂN