Ông Lê Văn Em và nơi ngày trước là chỗ chôn cất lệt sĩ Nguyễn Văn ThanhChiến tranh đã qua đi trên 35 năm, mọi người đã và đang được sống trong thanh bình, yên vui nhưng đâu đó trên khắp mọi miền đất nước vẫn còn nhiều hộ gia đình, nhiều người thân, bạn bè vẫn còn đọng lại nỗi buồn khi con, em, chồng, cha, ông, bạn bè cùng chiến đấu của họ vẫn còn nằm lại ở những cánh rừng, con suối, mảnh ruộng... nào đó dù gia đình, người thân nhiều năm liền đã trải qua bao vất vả nhưng vẫn chưa tìm thấy.
Theo những dòng thư cảm ơn của ông Chu Văn Tốt, nguyên là trinh sát D23 - E13 - F2 Binh chủng Đặc công, có địa chỉ liên lạc: Ban Quản lý chợ Trung tâm thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi tìm về xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, Bình Dương để gặp ông Lê Văn Em, người theo thư cảm ơn của ông Chu Văn Tốt là đã hết lòng chăm sóc giữ gìn ngôi mộ của một liệt sĩ có tên là Nguyễn Văn Thanh suốt 10 năm trời, trước khi ngôi mộ được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ huyện.
Được biết, xã Tân Mỹ xưa là 1 trong 3 xã vùng trung tâm của Chiến khu Đ. Tại nơi đây, đơn vị D23 - E13 - F2 Binh chủng Đặc công được giao nhiệm vụ điều nghiên đánh chốt Vườn Bưởi vào đêm 20-10-1974. Trong trận đánh ấy có một chiến sĩ hy sinh, đó chính là liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh (quê quán ở thôn Tiên Tiến, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình), cũng là bạn của ông Chu Văn Tốt. Mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh được đồng đội chôn tại hố pháo bìa rừng hốc Ông Ở, cách sông Đồng Nai và trận địa khoảng 2km... Đã nhiều lần gia đình của liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh cũng như ông Chu Văn Tốt cất công tìm kiếm mộ liệt sĩ này nhưng chưa có kết quả. Ngày 30-4-2010, được sự giúp đỡ của người dân và chính quyền địa phương, gia đình đã tìm được nơi yên nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Uyên và gia đình vô cùng cảm kích khi được biết, trước khi được quy tập vào nghĩa trang thì mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh đã được ông Lê Văn Em thường xuyên trông giữ, vun đắp suốt 10 năm ròng.
Ông Lê Văn Em nay đã 78 tuổi, hiện đang sinh sống tại ấp Vườn Dũ, xã Tân Mỹ. Dáng người nhỏ bé, khắc khổ nhưng trông vẫn còn khá khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Ông đang sống một mình chủ yếu bằng nguồn thu nhập từ việc làm cần câu, làm đó để bán và từ nguồn tiền trợ cấp cho người già neo đơn của địa phương. Gia cảnh tương đối khó khăn, ông hiện đang sống tại căn nhà đại đoàn kết do địa phương giúp đỡ xây dựng. Tài sản chẳng có gì, đến nhà ông chúng tôi thật chạnh lòng khi thấy thứ giá trị nhất có lẽ chỉ là chiếc xe đạp cọc cạch đã hoen rỉ mà ông đang sử dụng để đi đồng. Ông kể vắn tắt cho chúng tôi nghe: Hồi ấy, đêm trước nghe tiếng nổ ở phía sông Đồng Nai, hôm sau ông ra lạch nước thì thấy có một ngôi mộ chôn ở hố pháo gần lạch nước, ông suy nghĩ, có lẽ đây là bộ đội miền Bắc và từ đó ông là người trông giữ mộ, khi mưa gió mộ bị xói mòn ông để ý vun đắp lại. Ngày lễ, ngày tết ông ra mộ thắp hương để vong linh người đã khuất được ấm áp dù không có người thân ở gần. Và chúng tôi cũng được biết, không chỉ trông nom, giữ gìn ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh, trước đây ông còn chăm sóc, giữ gìn 7 ngôi mộ khác được chôn cất từ năm 1964 và cũng được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ huyện những năm sau này. Khi được hỏi vì sao không họ hàng, thân thích mà lại bỏ công chăm sóc 8 ngôi mộ nhiều năm liền, ông Em chỉ nói ngắn gọn: con em của người khác cũng như con em mình, người ta chôn trên đất mình thì mình càng nên quan tâm chăm sóc để vong hồn những người đã chết không lạnh lẽo...
Được biết, khi tìm được ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Thanh gia đình đã hết lòng cảm ơn ông Lê Văn Em, riêng chính quyền địa phương cũng đã đến hỏi thăm, tặng quà để khích lệ tấm lòng cao cả của ông.
Thật đáng quý biết bao tấm lòng của ông Lê Văn Em nói riêng và tấm lòng của những người dân Tân Mỹ, người dân Chiến khu Đ nói chung với cách mạng. Những việc làm tuy nhỏ ấy nhưng có ý nghĩa biết bao vì nó đã làm ấm lòng những gia đình có người hy sinh vì Tổ quốc đã góp phần rất lớn vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của đất nước ta. Xã hội cần tôn vinh những người có tấm lòng và việc làm thiết thực thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta như ông Lê Văn Em. Và cũng mong sao chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể, các đơn vị Mạnh Thường Quân quan tâm hỗ trợ cho các đối tượng như ông Em để cuộc sống lúc tuổi xế chiều của ông bớt đi phần nào vất vả.
HUY BÌNH - CHU VĂN TỐT