"Cầu này không bắc qua sông. Cầu này nối những tấm lòng với nhau", là tâm niệm của nhóm kiều bào đã giúp xây hơn 100 chiếc cầu ở nông thôn Việt Nam. Nhiều người trong nhóm, mang tên VK, đã nhiều năm quyên góp tiền nhưng không mấy khi hiện diện ở những lễ tuyên dương khen thưởng hay khánh thành.
Một nữ kiều bào là doanh nhân thành đạt ở California, Mỹ, từ năm 2004 đến nay đã nhiệt tình góp tiền ủng hộ VK xây 6 cây cầu tặng quê hương, là một điển hình như thế. Vì hoàn cảnh và quan điểm khắt khe của gia đình, bà không công khai làm từ thiện. Thế nhưng, hễ hay tin ở đâu người dân kêu than vì ngăn sông cách suối, bà đều mở rộng tấm lòng quyên tiền giúp. Những cây cầu bà góp tiền xây đều mang tên Gia Long.
Thiếu nhi và thành viên của nhóm VK trong ngày khánh thành cầu bê tông mới.Gia Long là tên của ngôi trường nổi tiếng ở Sài Gòn mà bà theo học thuở thiếu thời. Một người bạn của bà cũng là thành viên trong nhóm VK cho hay, vì muốn lưu lại một điều có ý nghĩa nơi chôn nhau cắt rốn và kỷ niệm lứa học trò Gia Long ngày xưa, nữ mạnh thường quân này lưu lại tên trường học trên những cây cầu để tỏ chút lòng tha hương nhớ quê.
Hằng năm, trong những chuyến trở về nước của kiều bào dịp mừng xuân, nghỉ hè hay nghỉ đông ở trời Tây, VK lại đón thêm những tình nguyện viên, cảm tình viên mới dạt dào tình cảm với Việt Nam. Trong đó có cả thế hệ thứ 2, 3, con cháu của kiều bào từng ra đi những năm thập niên 30, 40, 50, nói tiếng Việt không rành. Một kỹ sư Pháp có bố là người Việt Nam, trong chuyến trở về nhân dịp khánh thành cây cầu anh tặng xã nghèo ở tỉnh Vĩnh Long, đã thức cả đêm để học cách đọc thông báo khánh thành chiếc cầu bằng tiếng Việt. Cha của anh kỹ sư ấy vì muốn con mình thấm thía cái tình "uống nước nhớ nguồn" nên cũng cùng con trai thức cả đêm để dạy con đọc nhuần tiếng Việt. "Nó là con tôi mà không nói được tiếng Việt thì tôi xấu hổ lắm", người bố giãi bày.
Trong số những kiều bào kiệm lời nhưng giàu lòng hào hiệp, có vị còn thuyết phục được cô giáo dạy mình tiếng Nhật quyên tiền xây cầu giúp dân nghèo Việt Nam. Nữ giáo viên người Nhật này vì cảm động cái tình sâu nặng của học trò với quê hương đã thu xếp sang Việt Nam một chuyến. Bị giật túi xách ở chợ Bình Tây, quận 6, khi đang chụp ảnh lưu niệm ngôi chợ cổ nhất nhì Sài Gòn, nữ mạnh thường quân xứ sở mặt trời mọc vẫn yêu quý làng quê Việt Nam. Bà ủng hộ một cây cầu cho xã nghèo Tây Yên, huyện Rạch Sỏi, tỉnh Rạch Gía.
Trong chuyến khảo sát chiếc cầu khỉ bị gãy đôi, vị khách Nhật bị kẹt xuồng trong đám lục bình nhưng vẫn kiên nhẫn chờ đến lúc được chạm vào cây cầu xiêu vẹo với niềm tin tiền của mình ủng hộ sẽ giúp nông dân có cây cầu bê tông kiên cố. Nhờ chuyến kẹt xuồng trong đám lục bình mùa nước nổi, người phụ nữ Nhật mới thấm thía cái khốn khó trăm bề của nông dân Việt Nam, của học trò vùng sâu vùng xa khi sông nước mênh mông không có cầu.
Trưởng nhóm VK, ông Nguyễn Văn Công, kiều bào Pháp đã hồi hương, cho biết, không có điều gì hạnh phúc bằng ngày trở lại những nhịp cầu đã xây tặng làng quê. Các cán bộ địa phương có cầu cho ông biết rằng nhờ những chiếc cầu đó mà trẻ em đi học dễ dàng hơn, người già và phụ nữ bớt cực khi có việc phải đi lại, ông Công kể. (Theo VNE)