Nếu như trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều DN sản xuất và phân phối đã phải tạm dừng hoạt động thì đến nay, số DN trình phương án hoạt động trở lại ngày càng nhiều. Các DN đang dần khôi phục sản xuất trở lại với những nỗ lực và cả những trăn trở về hành trình phía trước.
Trước mắt, DN đang tăng tốc trong giai đoạn “nước rút” để có thể hoàn thành kế hoạch trong những tháng cuối năm 2021. Cùng với xây dựng “DN xanh”, từng công ty đang tích cực tìm kiếm cơ hội, đổi mới tư duy kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số. Bên cạnh việc thị trường trong nước, DN tiếp tục thúc đẩy xuất nhập khẩu thông qua các hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm những cơ hội, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, đầu tư thông qua thương mại điện tử, online.
Trong tâm thế này, mỗi DN quay trở lại quá trình sản xuất với tư cách là một “tế bào” của nền kinh tế. Thời điểm hiện tại, các “tế bào” cần được “tiếp máu”, hỗ trợ từ các cấp, ngành. Trước mắt, các DN mong muốn cần có cơ chế thông thương hàng hóa từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, tạo ra sức mạnh liên kết nội vùng và liên vùng để bảo đảm không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.
Về giải pháp tổng thể lâu dài, các DN cần có một kế hoạch tái khởi động phục hồi sản xuất bền vững. Không chỉ quay trở lại mà phải sáng tạo nên một trạng thái mới, một diện mạo mới. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải tập trung nâng cao trình độ quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn. Và đặc biệt là phải đặt vào trong mọi chiến lược phát triển một kế hoạch về quản trị, phòng ngừa rủi ro, phương án xử lý. Đây sẽ là một yêu cầu rất quan trọng cho DN trong bối cảnh thế giới ngày càng biến đổi khó lường.
KHẢI ANH