Tận dụng cơ hội,đẩy mạnh thu hút đầu tư

Cập nhật: 01-10-2021 | 07:16:21

Kỳ 1: Phát huy lợi thế, gặt hái thành quả

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Bình Dương triển khai giãn cách xã hội nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, trong đó có khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy vậy, trong khó khăn cũng xuất hiện những tín hiệu tích cực, đặc biệt là niềm tin của các DN FDI vẫn đang được củng cố vững chắc trước những nỗ lực chống dịch và phục hồi kinh tế của tỉnh.

Dòng vốn FDI vẫn tăng

Bất chấp những khó khăn, thách thức, từ đầu năm đến nay dòng vốn FDI vào tỉnh vẫn tăng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đến ngày 20-9, Bình Dương đã thu hút hơn 1,5 tỷ đô la Mỹ (đạt đạt 83,8% kế hoạch, tăng 25% so với cùng kỳ). Trong đó, có 44 dự án mới (483 triệu đô la Mỹ), 22 dự án điều chỉnh tăng vốn (799 triệu đô la Mỹ), 81 dự án góp vốn (225 triệu đô la Mỹ). Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.990 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 36,85 tỷ đô la Mỹ.

Các DN FDI trong tỉnh đã thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe của người lao động, nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Orion Vina (KCN Mỹ Phước 2)

Trong 9 tháng năm 2021, có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục “rót vốn” vào Bình Dương. Trong đó, vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 1,2 tỷ đô la Mỹ, chiếm 80,45% tổng vốn FDI đăng ký trên toàn tỉnh, bao gồm 40 dự án đầu tư mới, 19 dự án điều chỉnh vốn, 53 dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần. Vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt gần 230 triệu đô la Mỹ, chiếm 15,22% tổng vốn đầu tư.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Để vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, một trong những nhóm giải pháp cần thực hiện những tháng cuối năm là tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư thông qua việc xây dựng hình ảnh, địa điểm đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đẩy nhanh công tác quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng xử lý công việc thông qua các hình thức công nghệ thông tin đối với các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện phương châm luôn nỗ lực sát cánh, đồng hành cùng DN, nhà đầu tư. Bình Dương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư làm ăn hiệu quả, gắn bó lâu dài.

Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở KH-ĐT, kết quả thu hút vốn FDI cho thấy tín hiệu vui trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Bình Dương cũng như nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp. Dùảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng tỉnh vẫn thu hút được các dự án phùhợp với định hướng đã đề ra trong quy hoạch phát triển công nghiệp của địa phương, phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, như công nghiệp chế biến, chế tạo... Bên cạnh đó, DN FDI vẫn đang là thành phần kinh tế góp phần quan trọng giúp Bình Dương hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế.Một số dự án lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn vào tỉnh như: Dự án sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình của Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một), vốn đầu tư 185 triệu đô la Mỹ; dự án nhà máy sản xuất dao cạo râu của Công ty TNHH Rocter & Gamble Đông Dương tại KCN Đồng An với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 44,8 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 247,8 triệu đô la Mỹ; dự án nhà máy sản xuất giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper tại KCN Quốc tế Protrade với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 100 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,1 tỷ đô la Mỹ; dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) tại KCN Bàu Bàng với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,37 tỷ đô la Mỹ…

Tiếp tục phát huy lợi thế

Trong bối cảnh đầu tư toàn cầu và cả nước suy giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch bệnh Covid-19, Bình Dương cũng chịu không ít tác động. Giữa muôn vàn khó khăn, nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy Bình Dương là “đất lành” để gắn bó, phát triển lâu dài. Điều đó thể hiện rõ khi đến thời điểm này, đã có nhà đầu tư của 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại Bình Dương.

Đáng chú ý, dùtình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, nhưng mới đây, Công ty Tetra Pak đã công bố sẽ đầu tư thêm 5 triệu Euro cho nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu Euro tại Bình Dương. Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Công ty Tetra Pak Việt Nam cho biết: “Khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu Euro thể hiện niềm tin của chúng tôi vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng sau đại dịch. Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hàng năm của nhà máy từ 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực. Tetra Pak Bình Dương cũng là một trong những nhà máy đầu tiên trong tỉnh thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì hoạt động sản xuất”.

Nhờ chiến lược thu hút đầu tư hiệu quả, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ năm 2020 đến nay, vẫn có những “làn sóng” đầu tư mới từ một số nhà đầu tư nước ngoài có uy tín trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo tin tưởng “rót vốn” vào Bình Dương. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của tỉnh trong việc tiếp tục đi tiên phong về xúc tiến, “tiếp thị” đầu tư bằng hình thức trực tuyến từ rất sớm. Theo ông Lê Phú Hòa, Giám đốc Sở Ngoại vụ, trước những khó khăn bởi dịch bệnh, tỉnh vẫn quan tâm khai thác hiệu quả mối quan hệ với các đầu mối xúc tiến đầu tư tại các thị trường nước ngoài được tỉnh đặc biệt chú trọng. Cụ thể, lãnh đạo các sở, ngành, Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp với Tổng Công ty Becamex IDC thường xuyên chủ động kết nối, làm việc với các tổ chức, DN, cá nhân trong và ngoài nước để khai thác cơ hội xúc tiến đầu tư…

Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn khó khăn này các nhà đầu tư vẫn rót vốn vào tỉnh. Theo các nhà đầu tư nước ngoài, bên cạnh việc nhất quán về phương pháp đổi mới trong thu hút đầu tư, môi trường đầu tư được cải thiện mạnh mẽ, việc DN được đặt ở vị thế ngày càng cao với những bảo đảm về quyền lợi lâu dài, cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đồng bộ... là những điểm tựa vững chắc để nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương. Đánh giá về triển vọng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới, phần lớn DN FDI đều có kế hoạch duy trì hoặc gia tăng số lượng nhân viên, tăng vốn để mở rộng sản xuất.

Ông Kim Won Sik, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc (Kocham) tại Bình Dương, nhận định bất chấp cú sốc ngắn hạn của làn sóng dịch thứ tư này, các DN Hàn Quốc vẫn tính tới việc duy trì sản xuất tại địa phương. Trong thời gian tới, khi Bình Dương trở lại trạng thái bình thường mới, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, Bình Dương sẽ tiếp tục là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. (Còn tiếp)

Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh) về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 3.990 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 36,8 tỷ đô la Mỹ, chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,2 triệu đô la Mỹ.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=486
Quay lên trên