Tận dụng tốt cơ hội, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng

Cập nhật: 14-03-2022 | 08:09:41

 2 tháng đầu năm, Bình Dương tiếp tục triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kinh tế của tỉnh đã khởi sắc rõ nét. Cùng với đó là sự nỗ lực, chủ động của doanh nghiệp (DN), lĩnh vực sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng, đóng góp tích cực vào kết quả kinh tế - xã hội toàn tỉnh, nhất là tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.

 Nhờ sự nỗ lực của tỉnh và các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là sự sáng tạo, linh hoạt, chủ động của DN, sản xuất công nghiệp đã đạt kết quả tích cực. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Tôn Đông Á, KCN Đồng An 2, phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một

Chuyển động tích cực

Ngay từ đầu năm 2022, Bình Dương triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gắn với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường hỗ trợ cho sự phát triển của DN thông qua hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội. Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, tiếp tục bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời có phương án hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau tết, hỗ trợ người lao động quay trở lại nơi làm việc.

Tháng 2-2022, hoạt động sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc, các DN chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết nhiều đơn hàng xuất khẩu, đẩy mạnh sản xuất, tạo ra khối lượng sản phẩm dồi dào phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm bằng gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng, các DN tuyển dụng với số lượng lớn lao động. Đây là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của Sở Công thương, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bình Dương đã xây dựng và triển khai kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nhờ đó sản xuất công nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Với nhiều giải pháp cụ thể, tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chương trình liên kết giữa Bình Dương với các tỉnh, thành trong cả nước về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm phụ trợ... đã đưa đến kết quả rất khả quan. Ước tính chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 2 tháng đầu năm 2022 tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số ngành công nghiệp chế biến tăng 6,2%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,7%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 11,3%...

Linh hoạt, tận dụng tốt cơ hội

Sau khi đạt doanh số quý IV-2021 và tháng 1-2022 cao kỷ lục, Công ty Tôn Đông Á tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng thị phần, tận dụng tốt cơ hội khi xu hướng đặt hàng của các công ty còn cao. Ông Hồ Song Ngọc, Giám đốc Công ty Tôn Đông Á, cho biết năm 2021, dù dịch bệnh ảnh hưởng, công ty không ngừng bất kỳ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào nhờ việc tận dụng tốt cơ hội, linh hoạt chuyển đổi thị trường từ nội địa sang xuất khẩu, sản lượng xuất khẩu cả năm tăng 136% so với cùng kỳ, doanh thu 2021 đạt hơn 25.200 tỷ đồng (157% so với kế hoạch). Năm 2022, công ty đặt kế hoạch sản lượng 820.000 tấn, trong đó 50% sản lượng bán ở thị trường nội địa và 50% sản lượng dành cho xuất khẩu.

Bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, cho biết Nghị quyết số 128/NQ-CP đã tạo động lực lớn cho các DN. Nếu như trong quý III-2021, nhiều DN thiếu lao động nên không bảo đảm tiến độ giao hàng, sang quý IV-2021 và những tháng đầu năm 2022, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành chế biến gỗ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình đã khởi sắc nhanh chóng. Đặc biệt là người lao động đã trở lại làm việc với tỷ lệ rất cao. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp công ty phục hồi sản xuất, kinh doanh và đạt được các kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, nhiều ngành, sản phẩm chủ lực bị đứt gãy chuỗi cung ứng... Song 2 tháng đầu năm, hầu hết những ngành công nghiệp trọng điểm đều có chỉ số sản xuất tăng, trong đó ấn tượng nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,2% so với năm 2021, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Năm 2022, cùng với tích cực lấy lại đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu do dịch bệnh, Bình Dương xác định thúc đẩy ngành công nghiệp tiếp tục trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,9%. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Sở Công thương sẽ tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giúp DN khôi phục sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 Trong bối cảnh hiện nay, để giữ đà tăng trưởng sản xuất công nghiệp, việc triển khai tốt biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp, Sở Công thương đang tập trung thực hiện các giải pháp phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi thu hút thêm nhiều dự án đầu tư, ưu tiên những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, đem lại giá trị kinh tế lớn; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=610
Quay lên trên