Tận dụng tốt cơ hội để phát triển

Cập nhật: 28-04-2021 | 07:27:59

 Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp song đến nay đa số doanh nghiệp (DN) lạc quan, kỳ vọng về những cơ hội kinh doanh và lợi ích trong giai đoạn “bình thường mới” cũng như trong dài hạn, đặc biệt là sự thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

 Sản xuất linh kiện bán dẫn tại một doanh nghiệp thuộc KCN VISIP 2 mở rộng

 Kỳ vọng vào các FTA

Phân tích, dự báo của các chuyên gia cho thấy, trong trung hạn, DN phải chuẩn bị kịch bản kinh doanh chấp nhận “sống chung” với Covid-19. Trong đó, việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất gắn với phòng, chống dịch bệnh cần được các DN đặc biệt quan tâm. Đến nay, các DN đã có nhận thức rất rõ giữa lợi ích trực diện và các cơ hội phát triển lâu dài từ các FTA. Nếu vận dụng và phát huy hiệu quả sẽ là bệ phóng vững chắc để DN Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Theo bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, lợi ích cụ thể được DN kỳ vọng vào các FTA đó là cơ hội hợp tác, liên doanh với các đối tác nước ngoài, môi trường kinh doanh thuận lợi, có thể tiếp cận, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu có giá trị gia tăng cao hơn, nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu giá tốt...

Để tích cực hỗ trợ DN nâng cao năng lực, hội nhập sâu rộng, Sở Công thương đã thành lập các tổ thực hiện những đề án đã được phê duyệt để theo dõi, triển khai. Hàng tháng, các tổ báo cáo kết quả hoạt động của tổ trong cuộc họp giao ban. Ngoài ra, nội dung các đề án đều được sở triển khai cho các địa phương, sở, ngành liên quan biết và triển khai thực hiện. Hiện Sở Công thương đang triển khai 2 đề án và đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương lần 2. Trong đó, đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương” đang thu thập thông tin từ các phòng, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, đề án “Đánh giá tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đến kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương”, đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương về dự thảo đề cương thực hiện.

Nâng tầm chuỗi giá trị

Bà Bùi Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty Vinut (TP.Dĩ An), cho biết trên thực tế bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, Bình Dương còn đặc biệt quan tâm đến công tác cải cách hành chính, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời chia sẻ khó khăn của DN. Đặc biệt trong năm 2020 và quý I-2021, Bình Dương luôn quan tâm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho DN đẩy mạnh đầu tư, nâng cao sản lượng và tiêu thụ sản phẩm, nhờ vậy DN duy trì tốt độ tăng trưởng. Các DN cũng bày tỏ kỳ vọng sẽ sớm hình thành các chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm “Made in Bình Dương”.

Liên tục trong thời gian gần đây, tại Bình Dương các DN đã khởi công những nhà máy sản xuất hiện đại, thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị đầu cuối. Mới đây, Tập đoàn Spartronics LLC - nhà sản xuất các thiết bị phức hợp điện tử và cơ điện tử cho lĩnh vực hàng không dân dụng, quốc phòng, không gian vũ trụ, điều khiển, khoa học đời sống và y tế, chính thức khởi công nhà máy mới tại KCN Nam Tân Uyên. Nhà máy mới hiện đại bậc nhất này sẽ tăng cường năng lực gia công và sản xuất điện tử tiên tiến.

Ông Paul Fraipont, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Spartronics, cho biết nhà máy của Spartronics tại Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm phức hợp đòi hỏi độ chính xác cao. Toàn bộ chuỗi giá trị được đặt tại Việt Nam bao gồm từ việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mẫu, sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và dịch vụ hậu mãi. “Việt Nam chiếm vị trí quan trọng, không chỉ vì sự phát triển thần tốc trong khu vực mà còn là vị trí trọng yếu trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Nhà máy mới thể hiện cam kết đầu tư lâu dài vào Việt Nam, đáp ứng kỳ vọng rất cao của khách hàng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung”.

Ông Trần Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Spartronics Việt Nam cũng đồng tình với nhận định trên. Ông cho biết thêm công ty rất kỳ vọng và tin tưởng nhà máy mới sẽ đáp ứng tốt nhu cầu tăng trưởng trong tương lai. “Với doanh thu 400 triệu USD, mạng lưới nhà máy sản xuất của chúng tôi đặt tại Mỹ và Việt Nam, cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật phát triển sản phẩm bao gồm từ đầu đến cuối, hỗ trợ chuẩn bị sản xuất hàng loạt”, ông Trần Dũng nói.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1161
Quay lên trên