Để tỷ lệ hộ nghèo (HN) theo tiêu chí của tỉnh còn 0,71% (8 hộ), thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tân Hiệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án hỗ trợ người nông dân phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Gia đình chị Phạm Thị Hết (SN 1982) ở ấp 6, là một trong những hộ gia đình của xã Tân Hiệp đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo trong năm 2017. Gia đình chị có 6 nhân khẩu, gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con. Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị gặp nhiều khó khăn, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất. Năm 2014, gia đình chị được xét vào diện HN. Thực hiện chương trình giảm nghèo của địa phương, chị được tham gia các buổi tập huấn trồng trọt, chăn nuôi do các tổ chức đoàn thể phối hợp hướng dẫn. Đồng thời, được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách và được hỗ trợ 2 con bò giống. Nhờ có sự chủ động trong việc phát triển kinh tế của gia đình, đến nay gia đình chị đã gây dựng được đàn bò với 6 con bò cái đang trong giai đoạn sinh sản. Ngoài thời gian chăm sóc đàn bò, vợ chồng chị còn đi làm thuê để có thêm thu nhập. Trước nỗ lực của gia đình chị, năm 2017, UBND xã xét công nhận là hộ thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.
Bà Tống Thị Tuyết Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã (trái) cùng Hội Chữ thập đỏ thăm, tặng quà HN
Gia đình chị Hết là một trong những hộ đã được hỗ trợ thoát nghèo trong suốt thời gian qua. Để công tác giảm nghèo của xã thực hiện có hiệu quả và bền vững, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra, hàng năm, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các thành viên trong Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã đến từng ấp, hộ gia đình rà soát. Từ đó, tùy thuộc vào những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo để triển khai các giải pháp phù hợp, kịp thời giúp đỡ từng hộ gia đình.
Bà Tống Thị Tuyết Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết hiện nay, nhiều chương trình, dự án, mô hình đang được xã thực hiện có hiệu quả như: Hỗ trợ về nhà ở, chính sách miễn giảm học phí, cấp thẻ BHYT, chính sách tiền điện… Là xã thuần nông của huyện, Tân Hiệp xác định trồng trọt, chăn nuôi là hướng sản xuất chính, do vậy những năm qua xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, khuyến khích các hộ có điều kiện lợi thế về đất đai để trồng cây cao su, góp phần nâng cao mức thu nhập cho gia đình. Được tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là được tạo điều kiện cho vay vốn để mở rộng phát triển kinh tế, các hộ gia đình ở xã nói chung, HN nói riêng đã nâng cao nhận thức, tích cực thi đua lao động sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo theo đúng kế hoạch của xã đề ra trong năm.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả trong công tác giảm nghèo, nhưng số HN theo tiêu chí của tỉnh, HN thuộc chính sách bảo trợ xã hội vẫn còn 45 HN (số liệu đầu năm 2018) theo tiêu chí của tỉnh. Do vậy, để công tác giảm nghèo mang lại kết quả bền vững, không có tái nghèo, xã rất cần các cấp, các ngành đầu tư hỗ trợ, mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình tốt, cách làm hay trong phát triển kinh tế để bà con tin tưởng, làm theo. Chính sách cho vay vốn đối với HN, hộ cận nghèo cần được quan tâm mở rộng hơn nữa để bà con được tiếp cận với tất cả các nguồn vốn vay, giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững.
T.LÝ