Cây tre từ lâu đã là hình tượng quen thuộc của làng quê Việt Nam, xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học. Hình ảnh tre bất khuất, hiên ngang như chính con người Việt Nam gan góc, dũng cảm không bao giờ cúi đầu trước kẻ thù xâm lăng. Và khi đến với Làng tre Phú An (xã Phú An, TX.Bến Cát), hình ảnh những bụi tre to, có những cây cao vút tận 20m và màu xanh tràn ngập không gian giúp du khách có nhiều hứng khởi khám phá, trải nghiệm.
Du khách tham gia các trò chơi tại Làng tre Phú An
Làng tre Phú An là một dự án bảo tồn sinh thái nguồn gen tre và thảm thực vật ven sông Sài Gòn của tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam bộ. Dự án này được hình thành từ ý tưởng khoa học của tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh từ năm 1999. Trải qua hơn 20 năm thăng trầm, đến nay Làng tre Phú An đã thực sự trở thành điểm đến lý tưởng, góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái đối với người dân, đặc biệt là thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng.
Nơi đây được chia thành hai khu vực riêng biệt, gồm khu bảo tàng tre và khu vực nghiên cứu. Hiện Làng tre Phú An có khoảng 1.500 bụi tre với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam. Vì vậy, nơi đây cũng đang trực tiếp hỗ trợ các nhà khoa học và các nhóm sinh viên thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen tre và hệ thống thảm thực vật ven sông Sài Gòn. Với sự chung tay, góp sức của các thầy cô, chuyên gia, nhà khoa học và các thế hệ sinh viên, hiện Làng tre Phú An đang là điểm đến lý tưởng cho hình mẫu vườn sinh thái. Ngoài ra, nơi đây cũng là nơi từng diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của Việt Nam và quốc tế, mà mới đây là hội thảo thế giới về tre lần thứ 4 năm 2022.
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và thế giới đã trình bày các báo cáo chuyên đề liên quan đến cây tre, như: Giới thiệu các loài tre của Việt Nam; các giải pháp bảo tồn và nhân giống tre từ kinh nghiệm của thế giới; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre bằng kỹ thuật tiên tiến; vai trò và ứng dụng của cây tre trong kiến trúc và xây dựng; chiến lược phủ xanh đất trống, đồi trọc của các địa phương bằng cây tre để giảm phát thải khí nhà kính; các loại vật liệu mới, tiên tiến từ tre và sợi tre trong tiến trình thay thế vật liệu gỗ truyền thống.
Để khám phá những nét độc đáo, tận hưởng không gian xanh mát và thưởng thức những món đặc sản của Làng tre Phú An như bánh xèo măng, gỏi măng, lẩu măng…, mời quý độc giả đón xem tập tiếp theo của Chương trình “Tôi yêu Bình Dương”. Chương trình do Báo Bình Dương thực hiện sẽ phát vào 6 giờ sáng chủ nhật (16-4-2023) tại địa chỉ www.baobinhduong.vn.
THỤC VĂN