Khởi xướng từ năm 1998, đến nay phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng ấp, khu phố và xã, phường văn hóa tại Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội và diện mạo nông thôn đổi mới ngày một giàu đẹp. Cũng qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều địa phương có thành tích xuất sắc, nổi bật trong số đó là khu phố Tân Phước, phường Tân Bình, TX.Dĩ An, một điển hình khu phố văn hóa tiêu biểu của tỉnh. Bê tông nhựa hóa nhiều tuyến đường đã góp phần nâng tầm bộ mặt của khu phố Tân PhướcVới đặc điểm thuần nông, đại bộ phận người dân của khu phố có thu nhập chính từ trồng trọt và chăn nuôi heo, bò theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”. Những năm 1998-1999, số hộ nghèo của khu phố (khi đó là ấp) là 12 hộ, chiếm tỷ lệ 3,12%. Đến năm 2005 tiêu chí hộ nghèo thay đổi 400.000 đồng/người/tháng đã làm số hộ nghèo trong khu phố tăng lên đến 25 hộ, chiếm tỷ lệ 2,89%; số nhà tạm bợ cần được hỗ trợ xây mới là 29 căn. Đường sá trong khu phố lúc này đa phần lầy lội, ổ gà, ổ voi là phổ biến. Đây thật sự là một thách thức lớn cho Ban lãnh đạo, Ban vận động đời sống văn hóa (ĐSVH) của khu phố Tân Phước. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt tình, năng động và luôn quan tâm đến việc giúp nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Kết hợp việc tiếp thu các tiến bộ khoa học - kỹ thuật từ các lớp khuyến nông do Hội Nông dân tổ chức đã giúp người dân chuyên trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi thay đổi các kiểu sản xuất cũ, lạc hậu chuyển đổi sang các phương thức nuôi, trồng mới tiên tiến và đạt nhiều hiệu quả hơn. Qua đó đã góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập của người dân nơi đây, xóa đi nghèo nàn lạc hậu, phấn đấu tiến lên khá giàu. Đến nay, trên địa bàn khu phố đã cơ bản không còn hộ nghèo, thiếu ăn. Cũng qua các mô hình này đã xuất hiện nhiều gương nông dân sản xuất giỏi như Nguyễn Văn Cầu, Huỳnh Tấn Thiện, Lý Thanh Long... Ngoài ra, trong nhiều năm qua, Ban vận động khu phố đã tạo mọi điều kiện để các hộ nghèo khó, hộ gia đình chính sách neo đơn được hưởng lợi từ các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta về an sinh xã hội. Trong lĩnh vực này còn có sự chung tay giúp sức của các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng địa phương và đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Bên cạnh phát triển kinh tế, lĩnh vực đời sống văn hóa - tinh thần của người dân cũng luôn được quan tâm. Hàng năm, số hộ đăng ký gia đình văn hóa đều đạt 100%, số hộ đạt gia đình văn hóa các năm đều đạt mức trên 80% và năm sau đều cao hơn năm trước cả về số lượng lẫn chất lượng. Khu phố cũng thường xuyên tổ chức phát động các phong trào tập thể dục, thể dục dưỡng sinh, nhất là môn đi bộ nhằm rèn luyện tăng cường sức khỏe đã được đông đảo người dân tham gia. Y tế, giáo dục cũng có những chuyển biến khá. Tổ y tế ấp hoạt động chất lượng tốt, đóng góp vào việc phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Về vệ sinh nước sạch, bên cạnh các nguồn vốn vệ sinh nước để hỗ trợ khoan giếng, xây nhà tắm, nhà vệ sinh, người dân đã có ý thức cao trong việc giữ gìn sức khỏe. Đến nay, 100% hộ trong khu phố đều sử dụng nước sạch. Hàng năm, tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 100%. Những trường hợp trẻ em nghèo khó đều được các ngành, đoàn thể địa phương quan tâm giúp đỡ thông qua vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo, sách vở, kinh phí để giúp các em vượt khó đến trường.
Ngoài những thành tựu trên, trong thời gian qua, Ban vận động đời sống văn hóa của khu phố đã tranh thủ sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương trong việc xây dựng, chỉnh trang đường làng ngõ xóm. Con đường Mã 35 nối dài được đổ bê tông nhựa nóng khang trang, sạch đẹp đã nâng tầm bộ mặt của khu phố, đồng thời qua đó cũng đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đặc biệt trong việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở được đẩy mạnh triệt để.
Với thực tiễn trong việc xây dựng khu phố văn hóa, Tân Phước đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm quý: đó chính là phải có biện pháp chỉ đạo đúng đắn, kiên trì và phù hợp cùng với sự phối hợp nhuần nhuyễn, hợp lý giữa các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng rộng rãi, tích cực của quần chúng nhân dân; đồng thời trong quá trình đẩy mạnh phong trào, địa phương cũng cần phải kịp thời nhân rộng những điển hình tiên tiến để đưa phong trào đi vào chiều sâu cũng như nhìn nhận các khiếm khuyết, hạn chế để khắc phục, bổ sung đưa phong trào đi lên. Từ những kết quả đạt được, khu phố Tân Phước (trước là ấp Tân Phước) đã được tỉnh công nhận là ấp văn hóa 5 năm liền 2001-2005, năm 2006 đạt ấp tiên tiến; năm 2007-2008 được huyện công nhận là ấp văn hóa. Đặc biệt, đầu năm 2011, khu phố đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho những nỗ lực không biết mệt mỏi và đầy xứng đáng của chính quyền và người dân nơi đây.
Ông Phan Thanh Hồng, Trưởng khu phố văn hóa Tân Phước:
Khu phố Tân Phước có được kết quả trên là do nhận được sự quan tâm từ Đảng, chính quyền, mặt trận các cấp và của Ban chỉ đạo ĐSVH và đặc biệt là từ sự đồng thuận rất lớn của nhân dân địa phương. Ngoài ra còn phải kể đến Ban vận động ĐSVH, là một tập thể năng động, nhiệt tình, cho dù công tác với mức thù lao không bao nhiêu so với thời gian và công sức bỏ ra, tuy nhiên không vì vậy mà các thành viên lại so đo tính toàn, mà ngược lại, mọi người rất vui và phấn khởi khi kết quả vận động của mình đạt hiệu quả cao. Trong thời gian tới, Ban VĐĐSVH quyết tâm, phấn đấu vận động nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm vốn có của mình để giữ vững danh hiệu cao quý mà khu phố đã đạt được.
BÌNH MINH - TỐ TÂM