Tân trang... đình cổ!

Cập nhật: 19-05-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Long đong số phận đình làng

Đình làng Phú Cường còn có tên khác là đình Bà Lụa, một di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của địa danh Thủ Dầu Một. Sau nhiều lần di dời, sửa chữa, tôn tạo do chiến tranh và thời gian, ngôi đình được an vị ngay bến sông Bà Lụa rất hữu tình, hợp thế phong thủy. Cũng như phận người, “số phận” đình làng Phú Cường cũng lắm long đong...

Dấu xưa, tích cũ

Theo sách Nam Kỳ Phong Tục Diễn Ca của Nguyễn Liên Phong (1901) và Lịch sử Đảng bộ phường Phú Cường, TX.TDM thì đình thần Phú Cường được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX trên khu đất gò cao của làng Phú Cường (khu vực Tỉnh ủy hiện nay), thuộc tổng Bình Điềm trước khi thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và đặt địa danh Thủ Dầu Một. Tên gọi ban đầu không phải là đình mà là một ngôi miếu nhỏ mái tranh, cột gỗ có tên Phú Cường Linh Tự để dân thập phương đến nhang khói, cúng bái. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ chúng đã đốt cháy ngôi miếu để chiếm địa thế gò cao làm nơi đóng quân, sau đó biến nơi đây thành lỵ sở của quân viễn chinh. Khi Pháp đã đặt ách đô hộ, mở trường bách nghệ cũng là lúc dân làng Phú Cường chọn vùng đất mới Bà Lụa để dựng lại thành ngôi đình làm nơi thờ tự, thể hiện tín ngưỡng, thờ cúng tổ tiên và các bậc tiền bối. Lúc này vùng miền Đông Nam bộ có rất nhiều gỗ quý, với bàn tay khéo léo của những người thợ chạm khắc đã dựng nên ngôi đình bằng gỗ quý kiểu nhà rường chữ đinh rất đẹp, tọa lạc bên bờ sông Bà Lụa rất hữu tình, thu hút không chỉ sự quan tâm của người dân bản địa, mà cả quân viễn chinh, sĩ quan Pháp lúc đó.

  Chính điện Đình thần Phú Cường ngày nayDo quá nổi tiếng với phong cách kiến trúc mới lạ và nghệ thuật trang trí, điêu khắc độc đáo của người Việt trong con mắt người Pháp, nên vào năm 1911 ngôi đình đã bị thực dân dở ra xếp gọn lại rồi đưa lên tàu viễn dương chở về Pháp để dựng lại rồi tham gia đấu xảo (triển lãm), nhằm thể hiện tính “văn minh” và thành quả khai thác thuộc địa của quân thực dân lúc bấy giờ. Dù bị tước đoạt hết mọi thành quả lao động, nhưng với niềm tin và tình cảm cháy bỏng của dân làng Phú Cường, ngôi đình đã được dựng lại trên nền đất cũ bằng vật liệu đơn giản hơn vào năm 1956, đến năm 1957 thì hoàn thành nhằm tránh sự dòm ngó của chính quyền tay sai. Thời gian sau do chiến tranh, ngôi đình nhiều lần bị đốt cháy rồi dựng lại, nên hình ảnh uy nghi một thời của ngôi đình chỉ còn lưu dấu trong sử sách và ký ức của người xưa.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể

Sau ngày đất nước thống nhất, mọi hoạt động cúng bái đều bị tạm dừng vì tình hình kinh tế khó khăn chung lúc bấy giờ. Ngôi đình và bến sông rộng phía trước cũng bị trưng dụng làm xí nghiệp đường sông, xưởng cưa. Đến năm 1982, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bé (Út Bé) cùng với một số bô lão trong làng đã trực tiếp lên tỉnh để xin được phục hồi nghi lễ cúng đình truyền thống và cũng từ đó việc cúng bái được duy trì cho đến nay.

Cụ Nguyễn Văn Cai (Bảy Cai), sinh năm 1933, Trưởng ban Nghi lễ Đình thần Phú Cường cho biết: “Ban đầu có ít người quan tâm, vận động được ít tiền mình tổ chức cúng nhỏ nhưng cũng phải đủ lễ là một con heo với đầy đủ ban, bộ, áo dài khăn đóng, có học trò lễ đi rước linh vị, sắc phong hẳn hoi. Dân làng cũng đến dâng hương ở miếu thần nông đặt ở giữa sân đình cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; rồi sang miếu tả hữu hộ vệ thờ Thanh Long - Bạch Hổ để cầu cho gia đình có sức khỏe, việc làm ăn phát tài, sau cùng mới vô chánh điện thắp nhang cầu cho quốc thái dân an”.

Cũng theo lời cụ Bảy Cai, sau này việc làm ăn của dân làng khá lên, kinh phí đóng góp ngày một nhiều thì nghi lễ có thêm phần hát bội, hát hồ quảng kéo dài mấy ngày đêm để phục vụ bà con, đúng theo phong tục cổ truyền. Được mấy năm như vậy thì có người đề nghị chuyển sang hát cải lương, thu hút nhiều người đến xem. Nhưng Ban Nghi lễ họp bàn với chính quyền địa phương rồi đi đến thống nhất: “Cải lương là loại hình văn hóa nghệ thuật ra đời sau, đưa cải lương vào phục vụ cúng đình cho thêm vui phần hội thì không sai. Nhưng nếu cứ dễ dãi hoặc chiều chuộng theo một sở thích riêng tư nào đó thì sẽ đến lúc người ta đưa luôn kịch nói, tấu hài vào biểu diễn trong lễ hội cúng đình thì kỳ lắm! Không phải Ban Nghi lễ là những người già không chịu tiếp thu cái mới, mà nhiệm vụ của ban này là góp phần gìn giữ, bảo tồn truyền thống, nét văn hóa phi vật thể mà tổ tiên đã lưu truyền hằng bao đời nay”. Ông Bảy nói thêm: “Lễ cúng năm sau nếu có điều kiện kinh tế khá hơn chúng tôi sẽ mời nghệ sĩ Phương Quang, Thanh Tòng về biểu diễn hát bội với những tuồng tích lịch sử, hoặc soạn ra một đoạn hát riêng nói về vị thành hoàng có công với xã tắc, địa phương được thờ trong đình thì bà con sẽ thấy được ý nghĩa, giá trị của lễ hội cúng đình nói chung và hiểu biết sâu hơn về lịch sử ngôi đình, làng quê của mình”.

Trích lục lại đạo sắc phong

Theo các tài liệu lịch sử  thì do ảnh hưởng chiến tranh và việc di dời nhiều lần, trong đó có trận đánh năm 1972 bộ đội ta đã tấn công vào nhà làm việc (Nhà Việc Phú Cường) nhằm gây hoang mang cho quân địch, nhà việc bị đốt cháy cùng với đạo sắc phong phong thần của triều đình nhà Nguyễn cấp cho vị thành hoàng được thờ trong đình làng Phú Cường được cất giữ ở đó. Kể từ đó không còn ai biết rõ vị thần (quan) được thờ trong đình là ai, chức vụ gì, mà chỉ nói chung chung là đình thờ thành hoàng cùng các vị tổ đã khai sáng nghề mộc, nghề gốm của làng Phú Cường, tỉnh Thủ Dầu Một... Phó ban Nghi lễ Đình thần Phú Cường Kim Đình Quảng cho biết: Căn cứ vào tài liệu, sử sách và những câu chuyện kể của những người đi trước, bà con chỉ áng chừng đình được lập vào thời vua Tự Đức thứ V, để thờ một vị võ quan dựa trên nghi thức rước đạo sắc phong truyền thống là khi lễ sanh (học trò lễ) đội mão kim cang, tay cầm binh khí trong lễ rước sắc phong thì đó là võ quan. Ngược lại lễ sanh đội mũ cánh chuồn, tay cầm quạt hoặc một đạo văn thì đó là sắc phong của vị quan văn... nên suy đoán ra đây có thể là các quan võ Nguyễn Công Trứ hoặc Nguyễn Tri Phương đã được triều đình nhà Nguyễn phong thần để dân làng thờ phụng. Là những người được giao nhiệm vụ bảo tồn, tổ chức nghi lễ, chúng tôi đều rất ray rứt trước câu hỏi “Đình thần thờ ai”? Đặc biệt với ngôi đình vang bóng một thời, đã được công nhận là di tích lịch sử mà những người có trách nhiệm tổ chức nghi lễ như chúng tôi không trả lời được, hoặc trả lời chung chung thì khó coi quá! Nhưng khi chúng tôi tham khảo ý kiến các nhà văn hóa, nhà sử học... thì giả thuyết trên đã bị bác bỏ vì một lý do rất khoa học là “Năm Tự Đức thứ V là năm 1853 (nhà vua lên ngôi vào năm 1848 và kết thúc năm 1873), lúc đó cụ Nguyễn Tri Phương chưa chết, nên không thể phong thần được và hai vị thần này chỉ gắn liền với người dân phía Bắc”!

Sau nhiều năm sưu tầm, tìm hiểu, nhờ sự giúp đỡ của Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Ban Nghi lễ được tiếp xúc với Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế và đã được nơi đây giúp sao lục, phục chế lại đạo sắc phong. Tuy trong sắc phong chỉ dùng toàn mỹ từ mà không nêu cụ thể họ tên, chức vụ, nhưng căn cứ vào tài liệu lưu trữ các nhà khoa học đã cho biết vị thành hoàng được thờ trong đình Phú Cường chính là “Tiền quân Nguyễn Văn Thành, một khai quốc công thần thời Gia Long đã có công khai phá đất phương Nam”. Nên Đình thần Bà Lụa hay còn gọi là Đình thần Phú Cường có liên hệ chặt chẽ với Đình thần Tân An vì cùng thờ một vị thành hoàng và có cùng một đạo sắc phong. Từ đó không còn ai hỏi han hay nghi ngờ gì về đạo sắc phong bị thất lạc. Sau một thời gian dài long đong do ảnh hưởng biến cố thời cuộc, vào năm 2004 Đình thần Phú Cường đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và được lập danh sách bảo tồn theo đúng Luật Di sản.

Kỳ 2: Bảo tồn bằng cách... tân trang!

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên