UBND tỉnh và Tổng Công ty Becamex IDC vừa làm lễ khởi công 3 công trình trọng điểm ĐT742, 746, 747, có tổng chiều dài 57km thuộc địa phận huyện Tân Uyên. Được đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh, chuyển giao) với tổng vốn lên đến trên 4.000 tỷ đồng. Để rút ngắn thời gian thu phí, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế của huyện và toàn vùng, UBND tỉnh đã chia sẻ một phần trách nhiệm bằng việc góp trên 50% vốn vào dự án để bồi thường, giải tỏa, giúp dự án triển khai và hoàn thành đúng kế hoạch.
Ý Đảng, lòng dân
Đã nhiều năm nay kế hoạch nâng cấp, mở rộng các tuyến đường ĐT742, 746, 747 thuộc địa phận huyện Tân Uyên để kết nối vào hệ thống đường liên huyện, liên tỉnh và liên vùng, nằm trong quy hoạch hệ thống giao thông nội tỉnh và giao thông quốc gia đã từng nhiều lần “khởi” mà không “động” được vì nhiều lý do: Thiếu vốn, đơn vị thi công thiếu năng lực và quy mô công trình “thiếu sức sống” chưa phù hợp với yêu cầu phát triển thực tế chung, nên dự án cứ “cù cưa”, kéo dài. Điều này phần nào ảnh hưởng đến ý chí, niềm tin của người dân trong vùng đối với các cấp lãnh đạo.
Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên NGUYỄN THÀNH PHƯƠNG: Chính quyền và nhân dân Tân Uyên quyết tâm hỗ trợ dự án
Đây là 3 tuyến đường huyết mạch của huyện nhằm phát huy tiềm năng của địa phương và kết nối với bên ngoài. Trước đây giao thông của Tân Uyên chưa đồng bộ, đi lại khó khăn, cách trở. Có được những dự án lớn, những tuyến đường trọng điểm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Uyên cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Chúng tôi quyết tâm hỗ trợ dự án, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng để công trình về đúng kế hoạch.
Ông NGUYỄN VĂN VỐN, người dân xã Khánh Bình (Tân Uyên): Có cầu, có đường là mơ ước bao đời nay của chúng tôi
Chiến khu Đ gian khổ nhưng anh hùng vì đường sá cách trở giặc dễ vào mà khó ra. Đất nước thống nhất giấc mơ có cầu, có đường để con em được đi học, đi làm thuận lợi là điều mà người dân chúng tôi mong mỏi bấy lâu nay. Được Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng, bà con các xã cù lao đã có cầu lớn vững chắc, bây giờ lại làm đường rộng là quá hạnh phúc. Chúng tôi sẽ động viên nhau hợp tác với chính quyền, chủ đầu tư và nghiêm túc chấp hành chủ trương, chính sách của tỉnh.
Phát biểu tại lễ động thổ dự án, ông Nguyễn Văn Hùng vừa với tư cách là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa là đại diện chủ đầu tư đã chỉ ra nguyên nhân và cơ hội của “người đi sau” trong đầu tư cơ sở hạ tầng ở Tân Uyên, giúp bà con thêm nhẹ nhàng, tin tưởng, vì sự “chịu khó” của bà con những năm qua nay đã được đền đáp. “Tình hình kinh tế - xã hội của Bình Dương phát triển ổn định ở mức cao nhiều năm qua đang là lợi thế và cũng là thách thức to lớn trong thời gian tới. Yêu cầu cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh lại quy hoạch, đổi mới phương pháp quản lý để Bình Dương trở thành thành phố công nghiệp hiện đại” - ông Hùng nhấn mạnh. Theo ông Hùng, nếu triển khai theo phương án cũ trong điều kiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa đồng bộ sẽ vừa lãng phí, không phát huy hết giá trị đầu tư, đồng nghĩa với giá trị lợi ích mang lại cho người dân không trọn vẹn. Đến nay thì thời cơ đã chín muồi, điều kiện đầu tư đã thoải mái, ý Đảng và lòng dân đã là một nên tỉnh sẽ dồn hết tâm huyết, sức lực để làm bật dậy tiềm năng của vùng đất giàu truyền thống cách mạng được bao bọc bởi con sông Đồng Nai thơ mộng, hiền hòa.
Sức bật phát triển
3 tuyến đường ĐT742, 746 và 747 hoàn thành sẽ tạo thành sự kết nối liên vùng giữa huyện Tân Uyên và 6 huyện, thị trong tỉnh đồng thời mở ra hướng giao thông đối ngoại giữa Bình Dương tỏa đi các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn với hệ thống giao thông quốc gia để đến các trung tâm thành phố lớn, bến cảng, sân bay nhanh nhất, thuận lợi nhất. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam chia sẻ: “Khi còn là Bí thư Huyện ủy Tân Uyên tôi rất trăn trở về 3 tuyến đường này. Đến khi họp Quốc hội tôi đã tranh thủ gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Bộ GTVT để học hỏi kinh nghiệm, phương pháp thực hiện làm sao cho phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương và quy định hiện hành. Bởi vì tiêu chuẩn đường ĐT do tỉnh quản lý hoàn toàn khác với đường quốc lộ, đường cao tốc do Trung ương quản lý”! Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Thanh Cung cũng đã nhiều lần chỉ đạo các ngành hữu quan trong đó trọng tâm là ngành GTVT: “Tên gọi nói lên quy mô, tiêu chuẩn của con đường, nên chỉ cần một từ thiếu chính xác sẽ làm hỏng cả một quá trình chuẩn bị. Yêu cầu của chúng ta là cần có con đường đủ rộng, lan tỏa nhanh đến các trung tâm đô thị lớn, bến cảng, sân bay nhằm giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp... Yêu cầu đó chỉ được đáp ứng bởi các tuyến đường cao tốc, do Bộ GTVT đầu tư, quản lý. Chúng ta là cấp tỉnh, phạm vi quản lý nhỏ hẹp nên phải chịu khó suy nghĩ tìm ra cách làm, cách đặt tên cho phù hợp. Không làm được, không đủ sức quản lý đường cao tốc thì làm và quản lý đường tốc độ cao. Làm gì có lợi cho dân, cho nước thì tập trung hết sức hết lòng”.
ĐT 746 sẽ được nâng cấp mở rộng hơn
Ngoài khả năng kết nối mạnh mẽ vào hệ thống đường bộ bằng những chiếc cầu Thạnh Hội, Bạch Đằng, Thủ Biên, 3 tuyến đường ĐT742, 746, 747 của huyện Tân Uyên còn kết nối thông thương với hệ thống thủy lộ mà thiên nhiên đã khéo léo gửi gắm cho quân và dân miền Đông nói chung và chiến khu Đ anh hùng nói riêng. Không chỉ đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, Bình Dương còn phát huy tiềm năng, lợi thế thiên nhiên mà 2 con sông Sài Gòn và Đồng Nai mang lại bằng các thương cảng, mở ra hướng vận tải mới vừa tiết kiệm chi phí vừa tránh nạn “kẹt đường”, tạo sự phát triển bền vững cho người dân Tân Uyên, Bình Dương.
DUY CHÍ
3 tuyến đường được đầu tư nâng cấp, mở rộng trên cơ sở đường hiện hữu đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng có 6 làn xe với tổng chiều dài đạt 57km được triển khai 2 giai đoạn và hoàn thành vào năm 2013 với tổng vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Trong đó vốn xây dựng là 1.700 tỷ đồng do Becamex IDC làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Để giảm thời gian thu phí UBND tỉnh tham gia góp trên 50% vốn bằng hình thức bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng vốn trên 2.300 tỷ đồng.