Tân Uyên: Chuyển dịch mạnh mẽ cây trồng, vật nuôi

Cập nhật: 16-09-2013 | 00:00:00

  Nông dân huyện Tân Uyên đã chú trọng xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung. Trong ảnh: Trại heo 700 con heo thịt và 100 con heo nái của ông Nguyễn Văn Thơi tại xã Tân Lập

 Tân Uyên là vùng đất có truyền thống trồng lúa, hoa màu của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay nông dân huyện Tân Uyên đang đẩy mạnh chuyển dịch sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao. Ông Võ Văn Phong, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ cho biết, trong thời gian gần đây, nông dân trên địa bàn xã đã chú ý chuyển dịch, trồng các loại cây trồng khác thay thế cho các diện tích trồng lúa kém hiệu quả. Các loại cây trồng như cao su, bưởi, dưa với cách sản xuất khoa học đã được khuyến khích phát triển, hình thành nhiều mô hình sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục kết hợp với các đơn vị khác tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân tiếp tục nâng cao hiệu quả của các mô hình này. Còn theo ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, trong vài năm qua, được sự hỗ trợ, đầu tư của các cấp, ngành, nông dân xã Bạch Đằng cũng đã chuyển đổi qua trồng các giống bưởi mới, đặc biệt là bưởi da xanh nên thu nhập của các hộ trồng bưởi vì thế nâng lên rõ rệt. Đến nay, Bạch Đằng đã có 368 ha diện tích trồng bưởi. Bên cạnh đó, UBND xã cũng tập trung xây dựng các mô hình trồng rau theo hướng sản xuất sạch, an toàn để thay thế cho các diện tích trồng lúa có năng suất thấp.

 Tân Uyên hiện có trên 26.000 ha trồng cây lâu năm, trong đó diện tích cây ăn quả trên 1.700 ha, 22.000 ha trồng cây cao su, 3.200 ha diện tích trồng cây lương thực có hạt; trên 2.800 ha đất trồng rau, đậu, hoa, cây cảnh; trên 2.600 con trâu, 8.800 con bò, 42.000 con heo và đàn gia cầm khoảng 1 triệu con… Tại Tân Uyên cũng đã hình thành 2 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại xã Hiếu Liêm và xã Tân Vĩnh Hiệp. 2 khu nông nghiệp công nghệ cao này đang dần hoàn thiện và đã đi vào sản xuất…

Trên lĩnh vực chăn nuôi, Tân Uyên cũng đang chuyển dịch theo hướng hình thành các trang trại tập trung với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện Tân Uyên có 117 trang trại với tổng diện tích trên 1.800 ha; trong đó có 33 trang trại chăn nuôi và 1 trang trại thủy sản. Ông Nguyễn Văn Thơi, chủ trang trại trồng cao su, nuôi heo, cá tại xã Tân Lập cho biết, được chính quyền địa phương hỗ trợ, gia đình ông đã có điều kiện phát triển kinh tế. Hiện nay, cây trồng, vật nuôi trong mô hình trang trại của ông đang phát triển rất tốt, cho thu nhập khá. Ông Thơi cũng cho rằng, nếu đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp ổn định, các mô hình kinh tế của nông dân trên địa bàn huyện như gia đình ông sẽ có điều kiện phát triển mạnh hơn…

Nhờ có các định hướng trong chuyển dịch cây trồng, vật nuôi cụ thể, nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ các cấp chính quyền, những mô hình mới trong kinh tế nông nghiệp tại Tân Uyên đang tiếp tục phát triển tốt, cho hiệu quả cao. Điều này cũng sẽ đóng góp tích cực cho quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương của Tân Uyên, đặc biệt là trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

 ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên