Tân Uyên là huyện có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp (NN) truyền thống. Thời gian qua, tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng đã làm cho NN, nông thôn Tân Uyên có nhiều thay đổi.
Sản xuất nông nghiệp đa dạng
Thời gian trước đây, các sản phẩm NN như rau, củ, quả chiếm ưu thế rõ rệt trên địa bàn huyện Tân Uyên như bưởi, hành, rau màu. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, các loại cây trồng công nghiệp phát triển mạnh mẽ và tạo ra sự cân bằng với các loại cây trồng truyền thống của huyện, trong đó phải kể đến là cây cao su. Năm 2010 vừa qua, cùng với tình hình chung của tỉnh, sản xuất NN của Tân Uyên cũng đã chịu nhiều tác động bất thường của thời tiết và các loại dịch bệnh như: sương muối, dịch heo tai xanh, bệnh nấm Corynespora trên cây cao su... Đến cuối năm 2010, NN chỉ còn chiếm 15,01% tổng cơ cấu kinh tế chung của huyện. Diện tích sản xuất các loại cây trồng hàng năm và lâu năm liên tục giảm. Trong đó, diện tích trồng cây hàng năm còn 14.578 ha, giảm 1.275 ha so với năm 2009; diện tích trồng cây lâu năm là 25.928 ha, giảm 798 ha so với năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do giá vật tư sản xuất NN liên tục tăng cao, sản xuất không hiệu quả nên nông dân bỏ vụ, chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, nhiều khu - cụm công nghiệp, khu du lịch, dịch vụ được hình thành, nhiều loại cây trồng kém hiệu quả đã được chuyển đổi cơ cấu.
Hệ hống thủy lợi được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Trong ảnh: Cống chống ngập tại xã Thạnh Hội
Tuy chịu nhiều tác động bất lợi như trên nhưng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của huyện vẫn tăng 4,74% so với năm 2009. Hiện nay trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều trang trại trồng cao su, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã trở thành những nông dân sản xuất giỏi có tiếng cả nước như ông Ba Chiến, Sáu Xê... Hiện nay, hệ thống đường giao thông nội đồng của huyện đã được hoàn thiện, phục vụ tốt cho nhu cầu đi lại và hoạt động giao thương của người dân trên địa bàn. Cuối năm 2010, huyện đã tổ chức thi công hoàn thành các công trình chuyển tiếp năm 2009 và đưa vào sử dụng 6/18 tuyến đường trên địa bàn các xã Tân Hiệp, Tân Vĩnh Hiệp, Đất Cuốc với tổng chiều dài 3.777,2m; tổng kinh phí đầu tư hơn 4 tỷ đồng. Mức sống của người dân tại các vùng NN của huyện tiếp tục được cải thiện rõ rệt. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện của huyện đạt 99,58% và tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 97,87%. Ông Nguyễn Kim Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hội cho biết: “Thời gian qua nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất NN của nông dân trên địa bàn xã, các cấp, chính quyền của huyện, xã cũng đã tập trung làm đường giao thông nội đồng, xây dựng hệ thống thủy lợi. Bên cạnh đó cũng đã tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân cũng như xây dựng các mô hình điểm về các giống cây trồng mới, qua đó từ từ chuyển giao cho nông dân”. Trong năm qua, huyện Tân Uyên cũng đã tổ chức được 58 lớp tập huấn phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, rau màu, cao su và trên gia súc, gia cầm với 2.615 lượt nông dân tham dự; tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất rau, cây ăn trái theo hướng Việt GAP được 7 lớp với 256 lượt nông dân tham dự...
Tập trung xây dựng nông thôn mới
Năm 2011 được dự báo là thời tiết cũng sẽ diến biến thất thường vì vậy sản xuất NN của Tân Uyên cũng sẽ gặp phải một số khó khăn nhất định theo tình hình chung. Tuy nhiên, Tân Uyên cũng đưa ra phương hướng là phấn đấu đưa giá trị sản xuất NN đạt 1.079 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng so với năm 2010. Nâng tỷ trọng ngành NN đạt 13,47% trong cơ cấu kinh tế.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm năm nay sẽ là tập trung theo dõi việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 9 xã trên địa bàn huyện, đồng thời hướng dẫn các xã còn lại trong việc thực hiện xây dựng NTM theo 19 tiêu chí của Chính phủ. Hiện nay, Tân Uyên đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM, xây dựng quy chế hoạt động và làm quy hoạch xây dựng NTM của 9 xã được chọn. Bà Bùi Thị Lý - Trưởng phòng Kinh tế, Phó ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Tân Uyên cho biết: “Xây dựng NTM là một nhiệm vụ trọng tâm của huyện và các xã được chọn cũng đã có các tiền đề cơ bản của quá trình xây dựng nông thôn trước đây. Tiêu chí quan trọng đầu tiên là thực hiện quy hoạch Tân Uyên đã làm được. Trong thời gian tới, Tân Uyên sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình theo kế hoạch; tuyên truyền rộng rãi để người dân nhận thức sâu sắc hơn về chương trình xây dựng NTM và vận động mọi người cùng tham gia”.
Tân Uyên là vùng đất có các mô hình sản xuất NN rất đa dạng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và nơi đây cũng có nhiều nông dân tài hoa. Sản xuất NN Tân Uyên đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc nâng cao mức sống người dân, cung cấp thực phẩm cho đời sống nhân dân và là nguồn nguyên liệu thiết yếu cho các hoạt động chế biến thực phẩm.
CAO SƠN