Là vùng đất đã từng chịu bao đau thương do chiến tranh gây ra, góp cho quê hương, đất nước những người con ưu tú, giờ đây Tân Uyên đang vươn mình mạnh mẽ. Đây cũng chính là nguồn cảm xúc bất tận của các văn nghệ sĩ mỗi lần ghé qua địa phương giàu truyền thống cách mạng này.
Hình ảnh vườn bưởi Tân Uyên cũng được nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh ghi lại với những mảng màu xanh thật đẹp. Ảnh: VŨ NGỌC THUẤN
Hay tin Tân Uyên chuẩn bị lên thành phố, không chỉ người dân địa phương mà bạn bè, du khách gần xa đều hân hoan mừng vui. Trò chuyện với các văn nghệ sĩ Bình Dương, chúng tôi đã có dịp lắng nghe nhiều lời chúc mừng gửi tặng đến Tân Uyên và chia sẻ cảm nhận về những kỷ niệm trong các sáng tác về thành phố tương lai này.
Từng là thầy giáo dạy ở trường cấp 2 - 3 Tân Uyên 2 (nay là trường THPT Tân Phước Khánh), nhạc sĩ Võ Đông Điền vẫn còn bồi hồi xúc động về những tình cảm của đất và người Tân Uyên (học trò và phụ huynh) dành cho mình. Những cảm xúc này được ông truyền tải thành công qua ca khúc “Nhớ quê”, “Màu hoa bí”… và thường xuyên nhắc đến trong các ca khúc viết về Bình Dương như “…Qua Tân Uуên mànghe hương đồng mang hương bưởi ngọt ngào…” (trích trong bài “Bình Dương hương sắc dịu dàng”). Phấn khởi trước sự vươn mình phát triển từng ngày của nơi mình từng gắn bó, nhạc sĩ đã viết nên ca khúc “Tân Uyên khúc hát tự hào” với nhiều ca từ ngợi ca “…Một thời từng chiến đấu/ Chẳng ngại ngần gì xương máu/ Truyền thống ông cha ta liệt oanh/ Thời hào hùng năm ấy/ Thật diệu kỳ biết mấy/ Quê hương mình Tân Uyên…”.
Không chỉ lập nhiều chiến công trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Tân Uyên còn kiên cường trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Còn nhớ những ngày Tân Uyên là “vùng đỏ đậm đặc”, biết bao đau thương mất mát, biết bao tấm lòng khắp nơi cùng đổ về chung tay bảo vệ nhân dân trong đại dịch nguy hiểm. Nhằm cổ vũ các tầng lớp nhân dân chung tay chống dịch, Phạm Thanh Phong đã viết ca khúc “TX.Tân Uyên chung tay chống dịch”. Bên cạnh đó, anh còn viết ca khúc “Tân Uyên khúc hát tự hào” và được trao giải nhì trong cuộc vận động sáng tác ca khúc về TX.Tân Uyên năm 2021.
Sở hữu vẻ đẹp yên ả của làng quê thanh bình, với những con sông uốn quanh những vườn cây ăn trái trĩu cành, những ruộng lúa mênh mông… Tân Uyên trở thành nguồn cảm hứng đầy thơ mộng với những tác giả thơ ca. Với nhà thơ Trăng Khuyết, ấn tượng mỗi lần nhắc về Tân Uyên là “hương bưởi quyện đầy phiến lá”… “Mùa yêu thương… mùa bưởi chín vàng”… “Tân Uyên tình thắm đong đầy/ Luôn vun đắp đẹp mùa trái chín/ Chân em bước giữa chiều bịn rịn/ Như nhớ thương... như thể tình nhân…” (trích trong bài thơ “Về Tân Uyên mùa bưởi chín”).
Hình ảnh bưởi Bạch Đằng cũng là chất thơ khiến các tác giả dành nhiều tình cảm trong mỗi sáng tác về Tân Uyên. Hình ảnh ấy đã khiến cô giáo nghỉ hưu Võ Thị Nhạn phải vội viết mấy dòng thơ để kịp lưu lại kỷ niệm đôi lần đến với cù lao xanh mướt này “Tôi về mùa bưởi Tân Uyên/ Bạch Đằng tháng chạp, tháng giêng trĩu cành/ Cù lao rợp bóng màu xanh/ Triền sông màu mỡ đất lành mến yêu…” (trích trong bài thơ “Về thăm xứ bưởi Bạch Đằng”). Với cô giáo Võ Thị Nhạn, Tân Uyên còn có những người “nông dân giỏi, rất siêng với nghề”… “Mồ hôi anh thấm mượt mà đất quê”… và đó là tinh túy của quê hương trong bài thơ “Hương đất” (tác phẩm đoạt giải khuyến khích Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tỉnh Bình Dương giai đoạn 2015-2018).
Theo chia sẻ của các văn nghệ sĩ, ai đến Tân Uyên cũng đều không thể quên được những vẻ đẹp và những ân tình của đất và người nơi đây. Vì vậy, số lượng tác phẩm viết về Tân Uyên cũng ngày càng nhiều hơn, như là để lưu dấu những kỷ niệm một lần về thăm, để tri ân những con người anh hùng, ưu tú đã vượt qua bao khó khăn để vun bồi cho đất mới thêm hương “lành”, “chim đậu” về thêm vui nhộn làng quê.
THỤC VĂN