Vốn bình thường không tập thể dục thể thao nên khi mang thai, Trần Lợi - một phụ nữ 22 tuổi ở quận Sa Bình Bà, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc - lại càng ít vận động hơn. Hàng ngày, ngoài ăn uống tẩm bổ, Trần Lợi chỉ ngủ hoặc xem tivi nên cơ thể cô đã tăng tới hơn 40kg khi lên bàn đẻ.
Trọng lượng cơ thể Trần Lợi đã vượt quá con số 100kg ngay khi thai nhi trong bụng mới được 25 tuần, khi ấy đôi chân cô dường như không thể mang nổi cơ thể của bà bầu khổng lồ
Trần Lợi sau khi sinh con vẫn rất ‘khổng lồ.”
Vào ngày 27-10 vừa qua, Trần Lợi đã sinh hạ bằng phương pháp mổ ở Bệnh viện Tân Kiều, Trùng Khánh. Sau khi khá vất vả để đưa Trần Lợi lên bàn phẫu thuật, kíp mổ có riêng hai bác sĩ chỉ có nhiệm vụ rạch phần mỡ bụng dày tới 7cm của sản phụ để bác sỹ khác đưa cháu bé ra ngoài.
Ca sinh mổ đã thành công, sản phụ Trần Lợi sau phẫu thuật vẫn nặng khoảng 120kg.
Tuy nhiên, trong khi mẹ tăng tới vài chục kg thì con của Trần Lợi khi chào đời chỉ nặng 3kg, tình trạng hô hấp khó khăn, mặt mũi xanh tím và mắc bệnh thấp đường huyết nghiêm trọng. Cháu bé ngay lập tức đã được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Theo các chuyên gia sản khoa Bệnh viện Tân Kiều, trẻ sơ sinh mắc bệnh đường huyết thấp lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của hệ thống thần kinh và trí lực.
Nếu đúng tiêu chuẩn, phạm vi tăng cân của phụ nữ khi mang thai là khoảng 12,5kg. Do đó, khi mang thai, phụ nữ nên vận động với cường độ thích hợp và có chế độ ăn hợp lý, tránh rơi vào tình trạng phát phì, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe đứa con trong bụng.
Theo TTXVN